menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Tâm

Châu Âu loay hoay chặn cơn gió ngược

Liên minh châu Âu đang cố gắng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bệnh dịch viêm đường hô cấp COVID-19 mà không hoảng loạn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kinh tế.

Choáng váng vì sự lây lan đột ngột của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở Italy và nhiều nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bệnh dịch viêm đường hô cấp COVID-19 mà không hoảng loạn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kinh tế, dù ít nhiều đã gây những tác động tiêu cực tức thời cho nhiều ngành xuất khẩu và dịch vụ.

Việc tự do đi lại trong các nước tham gia Hiệp ước Schengen đang được xem xét và nhiều người lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực của việc hạn chế đi lại tự do đến sự hồi phục kinh tế, vốn đang rất mong manh.
Yêu cầu về việc phải xác định nhanh chóng và chính xác “thủ phạm” mà không nhất thiết phải viện tới sự can thiệp quá mức được đặt ra nhằm tránh gây hoảng loạn không cần thiết, và các thiệt hại không đáng có là vấn đề khó cho giới chức các nước thành viên EU khi dịch COVID-19 đột nhiên bùng phát tại châu Âu.

Sau khi dịch COVID-19 bắt đầu lan tới châu Âu, Italy hiện bị ảnh hưởng nặng nhất với 21 người chết và gần 889 trường hợp mắc bệnh tính đến sáng ngày 26/2. Quyết định về việc khoanh vùng cách ly kiểm dịch đã được ban hành tại 11 thành phố ở phía Bắc của đất nước.

Cộng hòa Pháp cũng đã quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau ca tử vong đầu tiên của một công dân nước này.

Chính phủ Hy Lạp thì đưa ra tới 10 kế hoạch dự phòng khác nhau. Quốc đảo Malta thông báo tất cả du khách đến đảo quốc này sẽ được kiểm tra bằng máy quét nhiệt. EU cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và công bố gói viện trợ 232 triệu euro để giúp các quốc gia thành viên chống dịch.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng việc thiết lập lại các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ không mang nhiều ý nghĩa thực tế vì bán đảo này không chỉ có đường biên giới trên bộ và việc này cũng không đảm bảo bất kỳ hiệu quả nào trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngược lại việc này có thể trở thành một biện pháp "hà khắc" và sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Pháp, Jean-Baptiste Djebbari, Đảng Bảo Canada thủ kêu gọi chính phủ đền bù cho ngành sữa khi NAFTA 2.0 có hiệu lực nói rằng việc khôi phục các biện pháp kiểm soát sẽ không mang ý nghĩa bởi việc virus lây lan không bị giới hạn bởi đường biên giới hành chính.

*Kinh tế Italy lao đao Nền kinh tế Italy đang trong tình thế bế tắc sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và mới chỉ có dấu hiệu phục hồi. Trong thập kỷ qua, tăng trưởng tài sản trên mỗi người dân Italy ở mức thấp nhất trong Khu vực đồng euro (Eurozone).

Phải nói rằng đất nước hình chiếc ủng sở hữu một danh sách dài các điểm yếu về cấu trúc: tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở đỉnh 10,2% trong tháng 4/2019 (31,4% đối với người dưới 25 tuổi), so với 7,6% tính chung cho cả khu vực Eurozone (15,8% đối với người dưới 25 tuổi), nợ công vượt quá 130% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thêm vào đó còn là vấn đề nhức nhối về năng suất, đang giậm chân tại chỗ trong nhiều lĩnh vực, điều dẫn đến sự suy yếu tiềm năng tăng trưởng.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), trước khi dịch COVID-19 leo thang, Italy chỉ đạt mức tăng tưởng 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2019, và một số nhà kinh tế dự kiến đất nước này sẽ rơi vào suy thoái ngay đầu năm nay.

Châu Âu loay hoay chặn cơn gió ngược

Nhân viên chữ thập đỏ dùng máy quét thân nhiệt để kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Fiumicino, Rome, Italy, ngày 5/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp G20 cuối tuần qua ở Riyadh, Thống đốc Ngân hàng Italy, Ignazio Visco đã đề cập đến khả năng mất 0,2 điểm phần trăm GDP và chỉ có thể đạt tăng trưởng 0,3% GDP năm 2020. Đó là chưa tính đến tình hình hiện nay khi dịch bệnh khiến cho tình trạng ngưng trệ kéo dài và hiệu ứng chung nhiều khả năng sẽ rất nặng nề.
Cuộc khủng hoảng y tế lần này như một cú đẩy các hoạt động kinh tế của Italy lún sâu thêm vào bế tắc. Cú đẩy càng trở nên dữ dội hơn do các khu vực bị ảnh hưởng -"lá phổi" của nền kinh tế Italy- chịu tác động bởi dịch bệnh thì ít mà hoảng loạn thì nhiều.

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Lombardy với 9 triệu dân, chiếm tới hơn 20% GDP của cả nước. Ngoài ra, hai khu vực khác cũng phải chịu những tác động tiêu cực, Veneto và Emilia-Romagna, dẫn tới toàn bộ miền Bắc đất nước bị rung chuyển.
Thủ phủ của Lombardy là trung tâm tài chính và công nghiệp lớn nhất Italy - Milan, nơi có GDP tính theo đầu người cao nhất nước. Torino, quê hương của Fiat Chrysler nằm ở phía tây Milan, trong khi các nhà sản xuất ô tô khác bao gồm cả Ferrari nằm ở phía Đông Nam. Milan cũng là nơi được nhiều nhà sản xuất hàng xa xỉ đặt đại bản doanh.

Không những đánh đòn mạnh vào các khu vực sản xuất năng động nhất đất nước, dịch bệnh COVID-19 còn tấn công vào những ngành dịch vụ quan trọng khác là du lịch và thời trang. Hàng loạt hội chợ thương mại, hoạt động du lịch bị hủy bỏ. Tuần lễ thời trang Milan vừa kết thúc trong ảm đạm bởi sự thiếu hụt tới 50% lượng khách mua châu Á.

Việc vắng mặt những khách hàng có khả năng tài chính tốt của Trung Quốc đã giáng một đòn nặng vào ngành này. Trên thực tế, gần 1/3 doanh số của các nhãn hiệu thời trang xa xỉ có được là nhờ khách hàng Trung Quốc.
Làn sóng hủy phòng khách sạn lên tới 25% trong tuần cuối của kỳ nghỉ Carnaval, riêng ở Venice thì tình trạng còn tồi tệ hơn rất nhiều với 40% và dự kiến con số sẽ còn tăng trong thời gian tới. Một hoạt động nổi tiếng thu hút du khách là lễ hội hóa trang của Venice cũng đã bị hủy những ngày cuối.

*Châu Âu mất thăng bằng

Eurozone có thể sẽ phải vật lộn tìm đường tăng trưởng trong quý này, theo ông Greg Daco của hãng tư vấn Oxford Economics.

Chuyên gia này dự đoán mức tăng trưởng trong thời gian từ tháng 1-3 năm nay không thể khả quan hơn mức 0,1% được ghi nhận trong 3 tháng cuối năm ngoái, với điều kiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2 được triển khai hiệu quả.
Những ngày qua, các nhà đầu tư châu Âu đã vội vã bán tháo cổ phiếu và tìm nơi trú ẩn vào các thiên đường an toàn truyền thống như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Vụ bán tháo ở châu Âu ngày 24/2 dường như là sự phản chiếu của những hành động tương tự ở các thị trường châu Á mới đây.

Giá cổ phiếu ở Frankfurt và Madrid giảm 4%, Paris giảm 3,9%, London mất 3,3% và Milan giảm 5,4% trong ngày 24/2, bị coi là ngày tồi tệ nhất tại «lục địa già» kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào tháng 6/2016.

Động thái này phản ánh sự thất vọng của thị trường chứng khoán và tài chính với các nhận định trước đó rằng cú sốc của dịch COVID-19 sẽ chỉ là tạm thời.

Châu Âu loay hoay chặn cơn gió ngược

Eurozone có thể sẽ phải vật lộn tìm đường tăng trưởng trong quý này. ảnh: reuters

Các hãng hàng không bình dân quy mô lớn của châu Âu như EasyJet hay Ryanair đã giảm các chuyến bay nội địa EU lần lượt 12% và 10%, trong khi một loạt các hãng khác cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm thê thảm.
Hai đầu tàu kinh tế Eurozone là Đức và Pháp cũng dự báo tăng trưởng chậm lại. Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, đã ghi nhận tình trạng dậm chân tại chỗ ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Nhiều nhà máy của Đức đang gặp khó khăn do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính ô tô và nhiều sản phẩm khác.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng dịch bệnh làm giảm tăng trưởng của Pháp xuống 0,1 điểm phần trăm vào giai đoạn đầu năm nay. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn, tất nhiên là những tác động tiêu cực sẽ lớn hơn. Ngân hàng trung ương Pháp cho đến nay đã dự báo tăng trưởng GDP là 1,1% trong năm 2020.

Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng châu Âu vẫn mạnh mẽ là một điều bất ngờ thú vị, mang lại sự yên tâm rằng suy thoái kinh tế có thể tránh được nhờ tăng trưởng tiêu dùng tốt.

Nhiều nhận định đối với Eurozone cho rằng những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 có thể sẽ giảm bớt trong quý II. Nhưng kể cả như vậy, Eurozone cũng chỉ kỳ vọng ở mức tăng trưởng GDP 0,7% cho cả năm 2020.
Ủy ban châu Âu trước đây đánh giá COVID-19 sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc, nhưng giờ đây mọi thứ phải được tính toán lại theo những diễn biến mới nhất. Nhiều chuyên gia nhận định đầu tháng 5 tới sẽ là thời điểm phù hợp để đánh giá các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế châu Âu./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại