24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Châu Âu lo ngại 'cơn ác mộng kinh tế' khi ông Trump trở lại

Triển vọng kinh tế của châu Âu không mấy khả quan.

Nền kinh tế của Liên minh châu Âu và Anh có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tình hình còn tệ hơn, theo New York Times.

Sự không chắc chắn về các chính sách của chính quyền Trump, bao gồm thương mại, công nghệ, xung đột Ukraine, biến đổi khí hậu cùng nhiều vấn đề khác ​​có thể làm giảm đầu tư và ảnh hưởng tăng trưởng ở lục địa già.

Bên cạnh đó, việc Mỹ - đối tác thương mại, đồng thời là đồng minh thân cận nhất của Liên minh châu Âu (EU) cùng Anh - có thể khởi động cuộc chiến thuế quan sẽ tác động đến ngành công nghiệp lớn như ôtô, dược phẩm và máy móc.

Ngoài ra, thái độ đối đầu hơn của Tổng thống đắc cử Trump đối với Trung Quốc có thể gây áp lực buộc châu Âu phải chọn phe hoặc đối mặt với hậu quả.

"Cơn ác mộng kinh tế tồi tệ nhất của châu Âu đã trở thành hiện thực", Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết.

Ông cảnh báo những diễn biến này có thể đẩy khu vực đồng euro vào "cuộc suy thoái toàn diện" vào năm tới.

Châu Âu lo ngại 'cơn ác mộng kinh tế' khi ông Trump trở lại

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cùng một số nước khác chụp ảnh với ông Trump vào năm 2017.

Nỗi lo thuế quan

Với sự xáo trộn chính trị ở Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đòn giáng mới nhất này khó có thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn.

Cùng ngày chiến thắng của ông Trump được công bố, Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải tán chính phủ liên minh của mình do bất đồng sâu sắc về ưu tiên chi tiêu và thâm hụt.

Trong khi đó, Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu lục và là công ty tuyển dụng lớn nhất Đức, gần đây thông báo có thể sẽ đóng cửa các nhà máy và sa thải công nhân. Sự cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của ngành này ở nước ngoài và tại châu Âu.

Giữa bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo bị giằng xé giữa việc nhượng bộ Trung Quốc hay đối đầu với nước này. Tháng trước, chính phủ Đức bỏ phiếu chống lại kế hoạch của Liên minh châu Âu về việc áp thuế lên tới 45% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.

Các quốc gia khác như Tây Ban Nha bỏ phiếu trắng. Cuối cùng, đa số thông qua và Trung Quốc đáp trả bằng cách áp đặt thuế mới lên rượu brandy châu Âu, phần lớn đến từ Pháp.

Vấn đề áp thuế “trả đũa” giữa Mỹ và Liên minh châu Âu cũng làm giảm triển vọng của ngành công nghiệp ôtô. Mỹ là thị trường lớn nhất đối với ôtô xuất khẩu của Đức, chiếm gần 13% trong số 3,1 triệu ôtô mà nước này bán ra nước ngoài vào năm 2023.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề cập đến việc khiến Liên minh châu Âu "trả giá đắt" vì không mua đủ hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ông cũng nói về khả năng áp đặt mức thuế quan đồng loạt 10 hoặc 20%.

Châu Âu lo ngại 'cơn ác mộng kinh tế' khi ông Trump trở lại

Sự cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất BYD, đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ôtô châu Âu.

Mức thuế quan cao hơn của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến nước Đức và ngành công nghiệp ôtô. Tác động còn có thể lan đến các công ty dược phẩm như Novo Nordisk và nhiều ngành khác như thực phẩm, rượu vang, phô mai, ngọc trai, hóa chất, lò phản ứng hạt nhân, thủy tinh, giày dép,... tại hơn 20 quốc gia.

Luisa Santos - phó giám đốc của BusinessEurope, nhóm vận động hành lang đại diện cho hàng nghìn công ty - cảnh báo thuế quan sẽ làm tăng chi phí và cản trở đầu tư.

"Chúng tôi vẫn hy vọng vì tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế, các chính sách sẽ được xem xét lại và chúng tôi sẽ không phải đối mặt với khoản thuế này", bà nói.

Hiện nay, mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu là khoảng 3-4%.

Trong khi đó, mức thuế cao hơn của Mỹ đối với Trung Quốc - một trong những cam kết thương mại khác của ông Trump - có thể thúc đẩy nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng tiêu thụ ra bên ngoài Mỹ, tăng sự cạnh tranh với các nhà sản xuất châu Âu.

Mặt khác, bất cứ nhà sản xuất nào sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ thấy chi phí tăng lên dù có đặt nhà máy ở đâu.

“Cảm giác cấp bách"

Thuế quan không phải là vấn đề duy nhất, đặc biệt đối với ngành công nghiệp gió. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết xóa bỏ các dự án điện gió ngoài khơi vào “Ngày 1” (ngày đầu tiên trở lai Nhà Trắng).

Công ty Orsted của Đan Mạch - một trong những công ty phát triển năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới - đang xây dựng Revolution Wind. Đây là dự án lớn ngoài khơi New England.

Mads Nipper, giám đốc điều hành của Orsted, cho biết vào tuần trước rằng ông hy vọng nhu cầu về lượng điện sạch khổng lồ để vận hành các trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm ưu thế.

“Đây là ngành công nghiệp đang được xây dựng từ con số 0 và được hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt là từ các bang vùng Đông Bắc Mỹ, nơi nguồn cung cấp năng lượng thay thế và đặc biệt là năng lượng xanh rất khó khăn,” ông nói.

Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông muốn dừng một số dự án năng lượng xanh đã nhận được sự hỗ trợ từ gói chính sách công nghiệp trị giá hàng tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2022.

Trong bối cảnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh tuần trước ở Budapest, vấn đề quan trọng nhất được thảo luận là sự cần có phản ứng phối hợp từ EU.

Châu Âu lo ngại 'cơn ác mộng kinh tế' khi ông Trump trở lại

Toàn cảnh các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu tại Puskas Arena, Budapest, Hungary.

“Cảm giác cấp bách hiện nay rõ rệt hơn so với một tuần trước”, Mario Draghi, cựu thủ tướng Italy, người vừa hoàn thành báo cáo về khả năng cạnh tranh của châu Âu, cho biết.

Ông Draghi kêu gọi tăng đầu tư công hàng năm thêm 900 tỷ USD để giúp châu Âu đảo ngược nền kinh tế trì trệ và cạnh tranh tốt hơn với Mỹ cùng Trung Quốc.

Quan trọng hơn, ông cho rằng châu Âu cần nỗ lực gấp đôi để kết nối các nền kinh tế trong khối với một thị trường vốn thống nhất và phát hành nợ chung - đề xuất vốn gây ra nhiều tranh cãi.

“Đừng hỏi Mỹ có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi châu Âu nên làm gì cho chính mình”, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói. “Châu Âu phải tìm được sự cân bằng. Chúng ta biết mình cần làm gì”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả