Châu Âu "khủng hoảng" phân bón và thép, cơ hội cho HPG - HSG - DPM đẩy mạnh bán hàng?
Sản xuất phân bón đang giảm sút tới quá nửa và không biết tới khi nào mới có thể phục hồi sản lượng như trước đây. Nhiều ngành sản xuất khác cũng bị tác động gián tiếp do phải sử dụng hóa chất có nguồn gốc từ khí đốt và dầu mỏ.
Dòng chảy phương Bắc 1 bị tạm dừng vô thời hạn
Hãng năng lượng quốc doanh Gazprom vừa đưa ra thông báo rằng họ phát hiện một số "trục trặc" của một tua-bin quan trọng trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ miền Tây nước Nga sang Đức.
Gazprom cho biết, đường ống sẽ không hoạt động an toàn chừng nào chưa khắc phục được sự cố dò dầu của tua-bin quan trọng nói trên. Hãng này không nêu khung thời gian cho việc mở trở lại tuyến đường ống này.
Trước đó ngày 30/8, Gazprom đã công bố quyết định ngừng hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 trong khoảng thời gian từ 4h00 ngày 31/8 đến 4h00 ngày 3/9 (theo giờ Moskva).
Việc khóa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 làm trầm trọng thêm các khó khăn của châu Âu trong việc bảo đảm nhiên liệu cho mùa đông đang tới gần, gia tăng cơn bão giá tại châu lục này, đồng thời tăng cường các cáo buộc Nga đang vũ khí hóa khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Theo thống kê, việc Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu trước và sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2 đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên gần 400% từ đầu năm khiến chi phí điện tăng vọt.
Đường ống Nord Stream 1 chạy dưới Biển Baltic tới Đức, trước đây cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu, nhưng chỉ chạy với 20% công suất trước khi bị đóng cửa để bảo trì vào tuần trước.
Giá khí đốt còn tăng mạnh
Nathan Piper, nhà phân tích dầu khí tại Investec cho biết: “Chúng tôi dự đoán giá khí đốt trên toàn Vương quốc Anh và châu Âu sẽ đạt mức kỷ lục do tác động của việc hạn chế nguồn cung từ Nga sau khi đường ống Nord Stream 1 đóng cửa vô thời hạn”.
Ông Piper cho rằng, giá khí đốt sẽ tăng mạnh trong ngày 5/9 để hướng tới mức cao kỷ lục 700 - 800 bảng (800 - 900 USD)/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp)”.
“Tuy nhiên, một điểm mấu chốt và đáng lo ngại nữa là hiện giờ vẫn đang là giữa mùa hè. Do đó, giá khí đốt có thể tăng cao hơn khi nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng lên.
Dự kiến vào ngày 14/9, Chủ tịch EC - bà Ursula von der Leyen sẽ công bố các ý tưởng chính thức của Ủy ban về việc áp giá trần cho năng lượng.
Theo đó, mức giá tăng mạnh vào tuần tới có tác động lớn đến giới giá trần năng lượng (của Anh) và chi phí sản xuất của những doanh nghiệp/ngành công nghiệp chưa được áp giá trần”, ông cho biết.
Ngành hóa chất - phân bón "lâm nguy"
Chi phí điện năng cao ngất ngưởng do giá khí đốt tăng khiến một số ngành công nghiệp bao gồm cả sản xuất phân bón và thép, nhôm phải thu hẹp quy mô sản xuất. Các Chính phủ EU cũng phải bơm hàng tỷ USD vào các chương trình trợ giúp các hộ gia đình.
Đáng nói, với ngành hóa chất, việc thiếu khí đốt làm nguyên liệu sẽ là rất nguy hại bởi ngành này có rất ít lựa chọn thay thế khí đốt để sản xuất.
Ngành sản xuất thép-nhôm "teo lại"
Theo Oillprice đưa tin, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Việc Nga cắt giảm khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đang mang đến nhiều thiệt hại cho khối này - một trong đó là ngành thép.
Cho đến nay, khoảng 3 triệu tấn thép không gỉ của EU đang đứng trước rủi ro. Với chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nhà máy đang không đủ khả năng để "bật đèn."
Vào đầu tháng 8/2022, Nhà máy Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại Nhà máy Chatelet.
Mới nhất, Công ty Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ.
Nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới - ArcelorMittal là công ty mới nhất thông báo đóng cửa một trong hai lò cao tại Bremen, Đức từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới do giá năng lượng tăng "cắt cổ" đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ.
Giám đốc điều hành của ArcelorMittal Germany, ông Reiner Blaschek cho biết. "Chi phí gas và điện cao đang gây áp lực lớn lên khả năng cạnh tranh. Đặc biệt hơn kể từ tháng 10 trở đi, Chính phủ Đức sẽ phải chịu thuế khí đốt theo kế hoạch, điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho chúng tôi."
Blaschek cũng kêu gọi các chính trị gia hãy khẩn trương hành động để kiểm soát giá năng lượng ngay lập tức.
Không chỉ thép, các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu cũng đã đóng cửa trong những tuần gần đây do giá năng lượng cao ngất ngưởng.
Việc các ngành sản xuất công nghiệp của châu Âu lâm vào thế khó được đánh giá là đang mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới - nhất là các doanh nghiệp đầu ngành có lượng tích trữ tồn kho lớn như HPG, HSG, DPM,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận