Châu Âu chia rẽ về trừng phạt năng lượng Nga
Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 24/3, các nhà lãnh đạo EU chia rẽ về việc liệu có tiến hành động thái mạnh mẽ tiếp theo như cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không. Điều này cho thấy, vì lợi ích của mình, châu Âu sẽ khó thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho rằng, nếu EU tiếp tục mua dầu mỏ và khí đốt của Nga thì 4 vòng trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga sẽ không còn hiệu quả. Chính vì vậy, bà Marin kêu gọi các nước EU cô lập nền kinh tế Nga.
Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nhận định, nếu các nước EU mua năng lượng từ Nga thì đồng nghĩa đang tài trợ cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Ông Carin kêu gọi những người đồng cấp EU “ngăn chặn dòng tiền chảy vào cỗ máy chiến tranh”.
“Chúng ta phải tiếp tục cô lập nền kinh tế Nga, để ngăn dòng tiền chảy vào cỗ máy chiến tranh. Nếu chúng ta muốn ngăn chặn chiến tranh thì cần phải cắt đứt nền kinh tế Nga. Nếu đợi càng lâu thì sẽ càng khó khăn hơn”, ông Carin nói.
Trái ngược quan điểm của các nước vùng Ban tích, Ba Lan, Phần Lan, các nước vốn phụ thuộc vào dầu mỏ hay khí đốt của Nga như Hà Lan, Đức, Bỉ, Áo cho rằng, việc áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng nhập khẩu của Nga “sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu”.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: “Tôi nghĩ việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng là không cần thiết. Điều quan trọng là tại hội nghị thượng đỉnh này chúng ta sẽ nghe những thông điệp mạnh mẽ về nước Nga từ Tổng thống Ukraine Zelensky cũng như từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, người thể hiện sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng Nga sẽ gây ra tác động cho EU lớn hơn nhiều so với Nga.
“Chúng tôi thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhưng tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ quyết định về các biện pháp trừng phạt. Đừng quên rằng gói trừng phạt được áp dụng vào thời điểm hiện tại cho đến nay là gói trừng phạt khó khăn nhất mà tôi từng thấy trong cuộc đời mình với tư cách là một chính trị gia”, ông Rutte nói.
Hiện EU nhập khẩu 90% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm cho gia đình và cung cấp cho ngành công nghiệp, trong đó Nga cung cấp gần 40% lượng khí đốt và một phần tư lượng dầu cho EU.
Sự bất đồng khiến các nước thành viên EU không thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc dừng nhập khẩu dầu khí của Nga. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí sẽ "làm việc cùng nhau về việc mua chung khí đốt" trước mùa đông tới và nỗ lực lấp đầy kho chứa khí đốt, như một giải pháp nhằm xây dựng vùng đệm nguồn cung khí đốt tránh phụ thuộc Nga. Ngoài ra, EU cũng đang nhắm tới việc đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Joe Biden để đảm bảo nguồn cung cấp khí hóa lỏng (LNG) bổ sung từ Mỹ cho hai mùa đông tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận