Châu Âu bất đồng ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga
Pháp, Ba Lan muốn áp trần giá khí đốt Nga, nhưng Đức cho rằng việc này sẽ khiến Moskva trả đũa, cắt hoàn toàn nguồn cung cho EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang vận động kế hoạch áp trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Điện Kremlin và giúp kiềm chế giá khí đốt tăng cao trên khắp châu lục.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải sự phản đối từ Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU. "Chúng tôi vẫn ngờ vực các vấn đề xung quanh việc áp trần giá khí đốt. Nhưng nhìn chung chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán trong khuôn khổ châu Âu", người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết.
Đáp lại, một nhà ngoại giao EU đã chỉ trích Đức gây rắc rối vì đã "khiến họ mất nhiều thời gian để ra quyết định cho những việc như áp giá trần".
Tuần trước, bà Von der Leyen đã kêu gọi áp giá trần với khí đốt nhập khẩu của Nga. Giới chức EU kể từ đó đã chuẩn bị các phương án để triển khai. Đại diện các nước thành viên có một cuộc thảo luận hôm 7/9, trước khi các bộ trưởng năng lượng họp khẩn cấp vào ngày 9/9.
Hôm 5/9, Pháp trở thành nước đầu tiên ủng hộ kế hoạch của Brussels. Ba Lan cho biết cũng muốn có một mức trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào châu Âu.
Tuy nhiên, chính phủ Đức tỏ ra miễn cưỡng. Berlin cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moskva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream.
Một số quan chức ở Brussels cũng ủng hộ quan điểm đó. "Nó tạo ra nguy cơ cắt đứt dòng chảy khí đốt đến Slovakia và Czech", một nhà ngoại giao EU cho biết.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết bản thân Đức đã bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt. Nước này chỉ còn nhận được một lượng rất nhỏ qua Ukraine sau quyết định của Gazprom về tạm đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để sửa chữa. Ông Habeck không tin Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt nhiều hơn cho Đức.
Giới chức Đức cũng giải thích rằng, việc họ do dự với ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga không liên quan nhiều đến lợi ích quốc gia mà là do tình hình nguồn cung trong khu vực. Vì nếu Nga giảm cung, Đức sẽ buộc phải chia sẻ khí đốt của mình với các nước khác theo quy định của EU. Nó sẽ khiến họ còn lại ít khí đốt hơn trong nước.
Czech - quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cũng không mặn mà với ý tưởng áp trần giá khí đốt. Bộ trưởng Công nghiệp nước này cho rằng nên đưa ý tưởng đó ra khỏi chương trình nghị sự.
"Theo tôi, đó không phải là một đề xuất mang tính xây dựng", hãng tin CTK của Czech dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Jozef Sikela cho biết. Ông cho rằng cách này giống trừng phạt Nga hơn là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Các quốc gia như Czech, Slovakia và Hungary có tỷ lệ phụ thuộc khí đốt trong mùa đông năm nay cao hơn Đức. Trong khi đó, Hungary - đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU - gần đây đã đạt được các thỏa thuận với Moskva để thúc đẩy việc cung cấp khí đốt.
Ngay cả khi không cắt hoàn toàn, khí đốt của Nga đến EU vẫn giảm mạnh so với lịch sử. Nguồn cung này từng chiếm 40% nhập khẩu của khối. Nhưng theo tổ chức Bruegel, nó hiện chỉ chiếm chưa đến 10%.
"Nếu họ không còn cung cấp nhiều nữa, tại sao chúng ta không mạo hiểm?", Bộ năng lượng của Ủy ban châu Âu cho biết trong nghiên cứu về tác động của quyết định áp giá trần khí đốt Nga.
Tuy nhiên, Nathalie Tocci - Giám đốc tổ chức tư vấn Istituto Affari Internazionali (Italy) cho biết việc áp trần giá khí đốt không có nhiều ý nghĩa vào lúc này. "Nó khả thi xét trên góc độ là bạn có thể làm được. Vấn đề là bạn áp trần giá với lượng khí đốt về cơ bản là bằng 0", bà nói.
Trong khi đó, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok hôm 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá lời kêu gọi áp trần giá khí đốt Nga của châu Âu là "ngớ ngẩn". Ông nói rằng Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt và dầu nếu giới hạn giá được áp đặt.
Ông cũng phủ nhận tuyên bố của phương Tây rằng Moskva đang "vũ khí hóa" khí đốt. Ông cho biết chính các biện pháp trừng phạt của Đức và phương Tây là nguyên nhân dẫn đến việc đường ống Nord Stream 1 không hoạt động. Trong khi đó, Ukraine và Ba Lan đã tự quyết định cắt các tuyến khí đốt khác vào châu Âu.
Tác động của việc giá khí đốt tăng đang buộc các công ty châu Âu cắt giảm sản xuất. Các chính phủ châu Âu đã phải chi hàng chục tỷ euro để kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng. Tại Đức, một cuộc khảo sát cho biết hơn 90% các công ty quy mô vừa coi giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng là mối đe dọa lớn hoặc hiện hữu, cho thấy rủi ro ngày càng tăng đối với trụ cột kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận