Châu Á đứng trước nguy cơ không nuôi nổi mình
Ngành công nghiệp thực phẩm châu Á đang dần hụt hơi khi phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động nhập khẩu. Trong 10 năm tới, các chuyên gia dự đoán châu Á sẽ phải chi đến 800 tỉ đô la để đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Dân số châu Á ngày càng tăng và người tiêu dùng đang hướng đến những nguồn thực phẩm an toàn, lành mạnh và bền vững hơn. Chi tiêu cho lương thực tại khu vực này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi, từ 4.000 tỉ đô la vào năm 2019 lên hơn 8.000 tỉ đô la vào năm 2030, theo báo cáo của Asia Food Challenge được công bố hồi tuần trước. Hiện châu Á đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng, báo cáo cho biết.
Theo một báo cáo khác được thực hiện bởi PwC, Rabobank và Công ty đầu tư Temasek của Singapore: “Nếu không mạnh tay đầu tư, chúng tôi e rằng ngành công nghiệp thực phẩm sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong khu vực dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực ở châu Á".
Nhận định trên tương đồng với một nghiên cứu của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2018: “Nhìn chung, chỉ có các quốc gia Mỹ Latinh, Đông Phi và Nam Á là các nước xuất khẩu thực phẩm, phần còn lại của châu Á và châu Phi đều là các nước nhập khẩu".
“Lương thực là một chủ đề nhạy cảm. Trong lịch sử từng có nhiều cuộc chiến tranh liên quan đến vấn đề này”, nhà lãnh đạo chiến lược và vận hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của PwC, ông Richard Skinner, cho biết.
Hơn nữa, ông cho rằng châu Á đang phụ thuộc vào công nghệ lẫn nguồn lương thực của các khu vực khác, nếu tình trạng này không được giải quyết thì bất ổn chính trị là điều khó có thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng gây ra biến động về nguồn cung và giá cả khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể, thời thiết khắc nghiệt đã làm giảm năng suất và thay đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích đất canh tác nông nghiệp tính trên đầu người ở châu Á dự báo sẽ giảm 5% vào năm 2030.
Xu hướng hiện nay cho thấy dân số và đô thị hóa ngày càng tăng khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Đáng chú ý là dân số châu Á có thể tăng khoảng 250 triệu người trong thập kỷ tới – gần bằng dân số của Indonesia hiện nay. Thêm nữa, nguồn nhân lực cho các ngành nghề truyền thống như trồng trọt và chăn nuôi dần thu hẹp do xu hướng chuyển dịch sang các ngành sản xuất và dịch vụ với mức lương hấp dẫn hơn.
Ông Skinner nhận định những yếu tố trên vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm về tương lai của ngành thực phẩm ở châu Á. Theo ông, các doanh nghiệp nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới có liên kết với các lĩnh vực công nghệ cao khác như viễn thông và thương mại điện tử.
Ông cho biết số tiền khổng lồ 800 tỉ đô la đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm ở châu Á trong thập kỷ tới chủ yếu dành cho công nghệ và đổi mới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thực phẩm lành mạnh và bền vững. Khoảng một nửa con số trên có thể được rót vào Trung Quốc, 30% sẽ chi để tăng sản lượng lương thực.
Đại diện của Temasek, ông Anuj Maheshwari, đánh giá cơ hội đầu tư tốt nhất cho ngành thực phẩm châu Á chính là Trung Quốc, do ngành nông nghiệp kỹ thuật số đang bùng nổ tại nước này. Công ty DJI có trụ sở tại Thâm Quyến đã phát triển và sản xuất máy bay không người lái nông nghiệp, có khả năng phun thuốc trừ sâu, phân bón cũng như tìm ra nguồn dịch bệnh.
Các ông lớn công nghệ Trung Quốc cũng chính thức nhảy vào cuộc đua ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào nông nghiệp khi Alibaba Cloud cho ra mắt dự án “ET Agricultural Brain”, một chương trình ứng dụng trí thông minh nhân tạo vào lĩnh vực nuôi trồng.
Các thành phố châu Á khác như Bangalore, Mumbai của Ấn Độ, Hồng Kông, Singapore và Tokyo có tiềm năng trở thành các cường quốc nông sản toàn cầu thúc đẩy sự phát triển, hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp. Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm được đóng dấu phê duyệt bởi những thành phố này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận