Chật vật vì hạn hán ở Trung Quốc
Giống nhiều thế hệ trước, Zhang Yue và chồng dựa vào Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, để sinh nhai.
Hai vợ chồng kiếm được 60.000 tệ (8.700 USD) mỗi năm từ trồng lúa, ngô và vừng ven hồ Bà Dương, chỉ đủ ăn cho gia đình 6 người. Nhưng năm nay, thu nhập có thể giảm một nửa do đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè và hạn hán bao trùm hơn 20 tỉnh thành Trung Quốc.
Hồ Bà Dương và các vùng đất ngập nước xung quanh là nguồn nước quan trọng phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp ở tỉnh Giang Tây, một trong những vựa lúa chính của Trung Quốc.
Tình trạng thiếu mưa khắp miền nam Trung Quốc từ tháng 7 khiến mực nước hồ giảm với tốc độ kỷ lục, rơi xuống mức thấp nhất là 8 m hồi đầu tháng 9. Cuối tháng 6, diện tích nước trong hồ là 3.331 m2 nhưng đến tuần trước giảm xuống còn 727 m2.
"Tôi chưa bao giờ thấy cảnh hạn hán như thế này", Zhang nói. "Ao hồ xung quanh đều khô cạn".
Thời tiết khắc nghiệt cùng biến đổi khí hậu khiến nông dân và chính quyền đối mặt nhiều khó khăn.
Zhang, người canh tác khoảnh ruộng nằm trong số những mảnh đất cằn cỗi nhất làng, đang lo lắng về vụ hè thu. Trong làng, ruộng lúa, nương ngô, ruộng tôm cá đều thiếu nước. Cái nóng gay gắt của mùa hè cũng gây tình trạng sâu bệnh hiếm gặp.
"Từ tháng 7 đến giờ trời không mưa giọt nào. Chúng tôi chỉ trông chờ vào sương sớm buổi sáng", Zhang nói. "Nhiệt độ quá cao khiến thuốc trừ sâu không có tác dụng. Sâu bệnh đặc biệt nghiêm trọng".
Cơ quan Thời tiết Trung Quốc cho hay nắng nóng đã giảm bớt nhưng hạn hán vẫn chưa giảm và có thể kéo dài sang mùa thu. Sản lượng ngũ cốc ở tỉnh Giang Tây cùng những tỉnh khác ở trung và hạ lưu sông Trường Giang như Hồ Nam và An Huy có nguy cơ mất mùa cao nhất. Những tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng như Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam và Quý Châu.
Li Ge, nông dân huyện Dư Can, tỉnh Giang Tây, cho hay hạn hán chắc chắn ảnh hưởng đến sản lượng gạo nhưng mức độ ảnh hưởng tới đâu phải đến cuối tháng 9 mới rõ.
"Chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền chống hạn", người nông dân gần 60 tuổi cho hay. "Giá phân bón năm nay tăng lên 200 tệ, từ mức 115 tệ năm ngoái".
Năm ngoái, thu nhập trên mỗi mẫu ruộng (0,66 ha) của ông Li là 400-500 tệ (58-72 USD) nhưng năm nay, con số này có thể giảm xuống còn 200 tệ mỗi mẫu.
Có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại nhưng vẫn còn quá sớm để ước tính sản lượng gạo cho vụ tới, một quan chức nông nghiệp cấp thị trấn ở thành phố Nam Xương cho hay.
"Nếu trời không mưa, mực nước sông và hồ chứa trong vùng sẽ tiếp tục giảm. Vì vậy chúng tôi không rõ có thể vượt qua đến cuối tháng 9 không", ông nói. "Bây giờ, từ cán bộ thôn tới nông dân chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chống hạn".
Thị trấn mà ông phụ trách đã đầu tư số tiền lớn bơm nước từ sông vào đồng ruộng và theo dõi sát sao tình hình tưới tiêu 24/7. "Tôi không ngủ tròn giấc nào từ tháng 7 tới nay", ông nói.
Tuần trước, công ty phân tích tài chính Fitch Ratings cho hay sản lượng gạo của Trung Quốc có khả năng giảm do thời tiết bất lợi ở khu vực sông Trường Giang nhưng không có khả năng gây biến động lớn tới giá gạo toàn cầu.
"Fitch ước tính tỷ lệ mất mùa vụ hè thu năm nay là 10-20% ở 7 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể làm giảm sản lượng gạo thường niên của Trung Quốc 3-6%, tương đương 7-14 triệu tấn", công ty cho biết.
"Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng do sản lượng nội địa giảm nhưng kho dự trữ gạo dồi dào của nhà nước và sức chịu đựng của chính phủ với mức dự trữ dao động vừa phải sẽ giúp hạn chế đẩy giá gạo tăng".
Li Guo Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện phát triển nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay dù năm nay thời tiết khắc nghiệt, Trung Quốc vẫn đủ năng lực bảo đảm sản lượng lương thực và ổn định giá cả.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng trọt, nên sản lượng gạo trong nước tăng lên và hiện đã có thặng dư, ông nói. Li cho hay Trung Quốc đã chuyển đổi 900 triệu mẫu, tương đương một nửa tổng diện tích canh tác trên cả nước, thành đất canh tác "tiêu chuẩn cao".
Canh tác theo phương pháp công nghiệp và tưới tiêu hiệu quả đang được ứng dụng trên diện tích đất này để tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.
"Vấn đề lương thực ở Trung Quốc là vấn đề mang tính kết cấu. Chủ yếu là thiếu ngũ cốc dùng để chăn nuôi, thừa gạo. Do đó, tình trạng hạn hán năm nay chỉ gây ảnh hưởng hạn chế đối với an ninh lương thực quốc gia cũng như giá cả lương thực nói chung", ông nói.
Nhưng điều đó không an ủi được bà Zhang, người đang buồn phiền vì thu nhập giảm đáng kể trong năm nay. Bà phải trả tiền thuốc men cho con, tiền thuê đất nông nghiệp và tiền phân bón cho vụ xuân năm sau.
"Chắc chắn cuối năm nay tôi phải vay tiền họ hàng. Nhiều hộ trong làng đang rất khó khăn", bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận