menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Chặt chẽ trong quản lý nhãn hiệu nhằm bảo vệ nông sản xuất khẩu ra nước ngoài

Việc đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu đối với nông sản Việt ở thị trường lớn như Mỹ không thể chủ quan hơn được nữa. Một khi các doanh nghiệp còn lơ là đăng ký nhãn hiệu thì chuyện bị “cướp tên” là khó tránh khỏi và chỉ càng thêm bất lợi cho việc xuất khẩu nông sản vào Mỹ.

Luật sư Ken D. Dương, Giám đốc điều hành Công ty luật quốc tế TDL cho biết, công ty đang đại diện về mặt pháp lý cho ông Hồ Quang Cua (“cha đẻ” của gạo ST25 đứng trước nguy cơ bị “cướp” nhãn hiệu tại Mỹ - PV) trong việc lo thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ.

Càng lơ là, càng bất lợi

Chưa thể nói nhiều việc cụ thể hơn về thủ tục pháp lý trong chuyện này, nhưng luật sư Dương nhận định, vẫn còn cơ hội để đăng ký nhãn hiệu thương mại cho gạo ST25 ở Mỹ. Đó cũng là nhằm bảo vệ nhãn hiệu cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Vị giám đốc công ty luật này nhấn mạnh việc bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu đối với ngành hàng nông lâm thuỷ sản Việt không thể lơ là hơn được nữa, bởi điều này chỉ càng thêm bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK).

Chẳng hạn với ngành hàng lúa gạo. Tại sao Việt Nam là quốc gia XK gạo lớn thứ 3 trên thế giới nhưng giá trị của mỗi tấn gạo lại thấp hơn Thái Lan khá nhiều?

Đó là vì nhãn hiệu và thương hiệu của gạo Việt, cũng như giá trị sở hữu trí tuệ của DN XK gạo đang có nhiều mặt hạn chế hơn so với cách mà Thái Lan đang làm.

Riêng về giống gạo ST25, theo luật sư Dương, thứ nhất là sự sáng tạo về hạt giống, cho nên phải bảo vệ sự sáng tạo đó. Thứ hai, từ hạt giống cho đến việc ra tới sản phẩm gạo là liên quan đến kinh doanh, bao bì, thương hiệu... Thứ ba là sở hữu trí tuệ, phải đăng ký nhãn hiệu đó ở thị trường mà mình bán ra. Và phía DN sở hữu nhãn hiệu gạo phải làm rõ ràng 3 vấn đề này.

"Các mặt hàng nông lâm thuỷ sản khác cũng phải vậy, nhất là khi ở Việt Nam có khá nhiều đơn vị nghiên cứu về giống với những sáng chế đặc biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng quên khi xuất sang thị trường Mỹ là phải đăng ký nhãn hiệu thương mại. Và nhãn hiệu đó sẽ thành giá trị rất lớn cho phía DN", luật sư Dương nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện nhãn hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua, theo luật sư Dương, hiện giờ có bảo vệ về hạt giống, đang kinh doanh ở Việt Nam, chưa bán sang Mỹ, trong khi ở Mỹ tính đến hiện tại đã có tới 7 công ty muốn đăng ký nhãn hiệu gạo ST25.

Vị luật sư này cho rằng, nếu DN Việt Nam chưa có ý định bán nông sản thực phẩm vào thị trường Mỹ thì sẽ không đăng ký nhãn hiệu. Thế nhưng, với những DN có hiểu biết, đặc biệt là muốn xuất vào những thị trường lớn như Mỹ, thì khi có sản phẩm nông sản mới, có hạt giống mới, cần sớm đăng ký nhãn hiệu để không ai có thể “cướp tên”.

Mất nhãn hiệu là mất thị trường

Đó cũng chính là chiến lược về sở hữu trí tuệ mà các DN XK nông lâm thuỷ sản của Việt Nam cần lưu tâm. Và bài học từ vụ “cướp tên” gạo ST25 ở Mỹ chính là việc chậm đăng ký nhãn hiệu thương mại tại một thị trường XK lớn.

Một điểm đặc biệt về việc đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ mà các DN Việt nên biết thêm là không cần phải có công ty ở bên Mỹ để đăng ký (nhất là khi việc duy trì một công ty như vậy sẽ tốn khá nhiều chi phí khiến cho các DN Việt e ngại), mà có thể dùng nhiều phương cách hợp lý khác.

Cho nên, với các công ty ở Việt Nam khi thâm nhập thị trường Mỹ cần đăng ký nhãn hiệu ngay, nhằm bảo vệ mình và tránh các kiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ), nhãn hiệu thương mại được coi là tài sản vô cùng quan trọng của DN. Nhãn hiệu thương mại gắn với thị trường, mất nhãn hiệu thương mại là DN mất thị trường.

Trên thực tế, có không ít nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Mỹ, và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Có nhiều trường hợp DN phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ, hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu.

Giới chuyên gia cho rằng, việc bảo hộ nhãn hiệu thương mại có tính chất vùng/lãnh thổ. Do đó, nhãn hiệu thương mại của mặt hàng nông sản Việt dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì vẫn phải đăng ký tại Mỹ.

Và mặc dù việc đăng ký nhãn hiệu thương mại không phải là một yêu cầu pháp lý tại Mỹ, nhưng giới chuyên gia vẫn khuyến cáo DN Việt đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh nông sản thực phẩm tại thị trường này nên đăng ký nhãn hiệu thương mại để bảo vệ thương hiệu của DN và tận dụng tối đa các quyền lợi mà việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại mang lại.

Để tránh bị “cướp” nhãn hiệu, luật sư Ken D. Dương cũng lưu ý thêm với các DN nhỏ và vừa khi XK nông sản thực phẩm vào Mỹ, là cần tránh chủ quan trong việc ký những hợp đồng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối ở nước này.

Đặc biệt, các DN không nên quá phụ thuộc vào hợp đồng mẫu mà phía đối tác Mỹ đưa ra, thay vào đó nên có những điều khoản trong hợp đồng để bảo vệ quyền hạn pháp lý cũng như nhãn hiệu cho DN mình và nhằm giảm thiểu rủi ro khi XK vào Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại