[Chart] Nhân dân tệ rướn lên, USD lùi nhẹ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu
Tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đã tăng hơn 300 tỷ USD. Ngoại trừ USD, hầu hết những đồng tiền khác đều có mức tăng nhẹ, cả về giá trị và tỷ trọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dữ liệu tổng hợp về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tới hết quý II/2020.
Sau giai đoạn quý I suy giảm, tính tới cuối quý II/2020, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đã đạt trên 12.013 tỷ USD, tăng đáng kể từ mức dự trữ 11.703 tỷ USD trong quý trước đó.
Tương tự, dự trữ đã phân bổ tăng lên con số 11.265,9 tỷ USD, chiếm 93,78% tổng dự trữ ngoại hối quốc tế.
Trong giá trị dự trữ đã phân bổ, đồng USD tiếp tục nắm giữ vị trí thống lĩnh trên bản đồ dữ trữ ngoại hối toàn cầu với hơn 6.901 tỷ USD, chiếm tới 61,26% tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ. Tuy nhiên tỷ trọng dự trữ USD trong quý II/2020 đã giảm 0,73 điểm % so với tỷ trọng xấp xỉ 62% ở quý trước.
Xét theo quá trình dài hơn, dự trữ dưới dạng USD đã giảm từ tỷ trọng khoảng 70% vào cuối thế kỷ XX và trên 80% trong những năm 1970 xuống mức trên dưới 61% như hiện nay. Tuy nhiên, về tổng thể, USD vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với mức dự trữ của các đồng tiền chủ chốt khác.
Ở vị trí số 2, đồng Euro chiếm tỷ trọng 20,27% tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ, tăng 0,22% điểm % so với thống kê ở quý trước.
Hầu hết những đồng tiền khác cũng tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước, cả về giá trị và tỷ trọng. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự ấm dần lên của kinh tế thế giới khi tác động tiêu cực từ Covid-19 phần nào đã được giảm đi.
Trước đó, dữ liệu quý liền kề cho thấy nhiều đồng tiền chủ chốt như Euro, bảng Anh (GBP), yên Nhật (JPY), Dollar Australia (CAD), Dollar Canada (AUD) hay Frank Thụy Sỹ (SWF) đều giảm cả về giá trị lẫn tỷ trọng so với thời điểm cuối 2019.
Nguyên nhân được IMF nhận định là do đại dịch Covid-9 đã khiến hoạt động kinh tế trì trệ và tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính thế giới, khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển vốn sang những tài sản khác để bảo toàn tài sản, tập trung vào USD và vàng.
Ở thái cực ngược lại, Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục là đồng tiền có xu hướng tăng trưởng khá trong những quý gần đây. Nếu so với thời điểm cuối năm 2019, đến hết quý II/2020, CNY đã có mức tăng 1,12 điểm %, còn so với quý liền kề, tỷ trọng CNY tiếp tục tăng nhẹ 0,02 điểm%
Trong những năm gần đây, CNY là đồng tiền có mức tăng đều đặn cả về giá trị và tỷ trọng. Đơn cử, chỉ trong hơn hai năm (từ 2018 tới quý I/2020), khối lượng dự trữ quốc tế bằng đồng CNY đã tăng tới hơn 51%, từ khoảng 145 tỷ USD lên mức hơn 220 tỷ USD.
Dữ liệu công bố của IMF được tổng hợp từ 149 báo cáo của các nước thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế.
Dữ liệu này được thu thập theo ba nhóm: Toàn thế giới, các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển và mới nổi. Đối với mỗi nhóm, dự trữ phân bổ bao gồm những đồng tiền dự trữ truyền thống (USD, EURO, GBP, JPY, SWF) và một số đồng tiền khác. Khi một quốc gia (vùng lãnh thổ) không báo cáo cơ cấu tiền tệ hoặc báo cáo không đầy đủ, phần dự trữ đó được cho là chưa phân bổ. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận