“Chấp” Covid-19 tác oai, đa số doanh nghiệp kỳ vọng tình hình tốt hơn từ quý II
“Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội”, Tổng cục Thống kê đánh giá. Con số từ cơ quan này đưa ra cho biết tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82% - mức thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, vẫn có gần 21% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn quý trước và nhiều hơn số doanh nghiệp kỳ vọng tình hình tốt hơn nữa từ quý II.
Gần 39% doanh nghiệp đánh giá quý II tốt hơn quý I
“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh nói trên, khi đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 so với quý IV/2019, có 20,9% số doanh nghiệp cho rằng tốt hơn; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Các mức tỷ lệ trên là rất thấp so với quý cuối năm 2019, khi các chỉ số tương ứng là 46,7%; 17%; và 36,3%.
Tuy nhiên, có nhiều hơn số doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện trong quý tới. Cụ thể là so với quý I, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn; và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp nhà nước tỏ ra lạc quan nhất với 77,9% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 74% và 73,8%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,6% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,1% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.
Về khối lượng sản xuất, có 22,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2020 tăng so với quý IV/2019; 39,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.
Các mức tỷ lệ trên cũng là rất thấp so với quý cuối năm 2019, khi các chỉ số tương ứng là 48%; 17,4%; và 34,6%.
Đánh giá về xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 40,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 22,8% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 19,8% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2020 cao hơn quý IV/2019; 38,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 41,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định (chỉ số tương ứng của quý IV/2019 là 43,2%; 16,7%; và 40,1%).
Xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 36,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 22,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 40,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2020 so với quý IV/2019, có 17,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 37,5% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 44,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 30,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 23,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 45,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn hơn thành lập mới
“Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19”, Tổng cục Thống kê cho hay, điều này thể hiện trên con số thực tế.
Trong quý I/2020 có 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Đặc biệt, trong quý I/2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%.
Trong quý I/2020 có 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong quý I/2020 có 34,9 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, lớn hơn con số 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận