Chẳng phải Mỹ hay Nga, mà là Ấn Độ theo đuổi lợi ích chiến lược của chính mình
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ấn Độ áp dụng chính sách tiếp cận cân bằng vì lợi ích chiến lược của chính Ấn Độ.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số nhà phân tích nhận định Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ủng hộ Mỹ và rời xa Nga.
Theo họ, Ấn Độ cần sự hỗ trợ của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chưa kể Nga đang có quan hệ gần gũi với Trung Quốc trong khi Mỹ chống lại Trung Quốc.
Theo nguyên tắc "kẻ thù của kẻ thù là bạn", Ấn Độ cần xích lại gần Mỹ hơn. Giới phân tích chỉ trích chính sách của Ấn Độ là không lên án Nga và bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, TS. S. D. Pradhan cho rằng, trên thực tế, Ấn Độ muốn áp dụng chính sách tiếp cận cân bằng vì lợi ích chiến lược của chính Ấn Độ.
Nỗi lo từ "láng giềng gần"
Điểm thứ nhất mà học giả S. D. Pradhan nêu ra chính là ưu tiên của Ấn Độ vào các khu vực "sát sườn".
Cả Trung Quốc và Pakistan đều "có vấn đề" về biên giới với Ấn Độ. Cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân và luôn nhăm nhe tìm cách chiếm lãnh thổ Ấn Độ bất cứ khi nào có thể.
Trung Quốc không thể hiện bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đến việc giảm leo thang ở khu vực Depsang, mặc dù Bắc Kinh và New Delhi đã có nhiều vòng đàm phán.
Thay vào đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực tranh chấp, mở các ngôi làng lưỡng dụng ở biên giới, xây dựng cầu trên Hồ Pangong. Bắc Kinh thiết lập trục Trung Quốc-Pakistan để đối phó với New Delhi và đang công khai ủng hộ Islamabad trong vấn đề Kashmir.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể sẽ sắp thăm Pakistan và là khách mời danh dự tại cuộc họp của Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC). Ông sẽ tham dự cuộc diễu hành Ngày Pakistan để chứng kiến màn trình diễn của các máy bay chiến đấu J10C mà Pakistan mới mua của Trung Quốc.
Trung Quốc đang triển khai dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đi qua lãnh thổ Ấn Độ.
Sự thông đồng giữa Trung Quốc và Pakistan nhằm chống lại Ấn Độ là điều đáng lo ngại đối với New Delhi. Các chuyên gia Ấn Độ không loại trừ khả năng 2 nước láng giềng này hành động chung tại Jammu và Kashmir (J&K) trong bối cảnh thế giới đang tập trung vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng khiêu khích Nepal nêu vấn đề biên giới với Ấn Độ. Tại Bhutan, Trung Quốc đang tiếp cận khu vực có thể di chuyển đến ngã ba phía Nam trong Hành lang Siliguri tuy hẹp nhưng rất quan trọng.
Để đối phó với Trung Quốc ở biên giới, Ấn Độ cần ít nhất vai trò trung lập của Nga. Ấn Độ cũng cần sự hỗ trợ của Mỹ cho tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc vẫn là "nỗi nhức nhối" của Ấn Độ. (Nguồn: PTI) |
Bài toán Afghanistan và vũ khí
Điểm thứ hai, Ấn Độ không thể lơ là khi Afghanistan - dưới sự nắm quyền của lực lượng Taliban - đang đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Ấn Độ cũng như khu vực Nam Á.
Pakistan công khai kỷ niệm việc chiếm được Afghanistan vì cho rằng đã đạt được "chiều sâu chiến lược chống lại Ấn Độ như mong muốn".
Điều này tạo ra các vấn đề an ninh cho Ấn Độ và các nước Trung Á. Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan không chỉ gây hỗn loạn mà tạo điều kiện để Pakistan làm chủ tình hình. Mỹ hy vọng lợi ích của mình có thể được bảo vệ bằng cách liên kết với Pakistan.
Chính Nga đã tham khảo ý kiến của Ấn Độ và lập một cơ chế thường trực theo dõi diễn biến ở Afghanistan và chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố từ đó.
Điểm thứ ba, Ấn Độ thời gian qua nỗ lực tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng song vẫn cần vũ khí và trang bị công nghệ tiên tiến. Khi Ấn Độ cố gắng mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của Israel, dưới sức ép của Mỹ, thương vụ này bị chặn lại.
Nga đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ; đồng thời sẵn sàng cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và công nghệ tiên tiến đi kèm.
Dù duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc, Nga vẫn không ngừng cung cấp vũ khí cho Ấn Độ ngay cả khi Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở biên giới.
Nga vẫn là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, chiếm hơn 60% trong nhiều năm qua. (Nguồn: PTI) |
Chơi với "năm quả bóng"
Thực tế là Ấn Độ cần quan hệ hữu nghị với cả hai nước. Ấn Độ cần sự hỗ trợ của Nga ở các nước Trung Á, cần dầu và khí đốt của Nga để đáp ứng các yêu cầu của mình.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng cần sự giúp đỡ của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Ấn Độ phản đối việc chuyển đổi nhóm Bộ tứ (Quad) thành một liên minh quân sự cũng như bất kỳ vai trò nào của liên minh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) trong Bộ tứ.
Ấn Độ đang duy trì quyền tự chủ chiến lược trong các vấn đề đối ngoại. Sự cân bằng chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Nga liên quan vấn đề Ukraine tạo ra một loạt thách thức chiến lược đối với Ấn Độ.
Tuy nhiên, giải pháp không phải là sự liên kết đơn giản với nước này hay nước kia. Theo chuyên gia S. D. Pradhan, tình hình cần được nhìn nhận một cách tổng thể và các ưu tiên của Ấn Độ không thể bị hy sinh cho một số cách tiếp cận cảm tính và không thực tế.
Ngày nay, thế giới đa cực tạo cơ hội để Ấn Độ áp dụng cách tiếp cận khéo léo nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Với lợi thế không bị cản trở bởi các liên minh quân sự, Ấn Độ phải thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình bằng cách xác định và khai thác những mâu thuẫn do các mối quan hệ toàn cầu tạo ra.
Điều này không chỉ đòi hỏi phải mở rộng sức mạnh toàn diện của quốc gia mà còn phải tận dụng môi trường bên ngoài để tạo lợi thế cho mình. |
Ấn Độ đang tham gia với nhiều bên vì lợi ích quốc gia, giống như Bismarck, người có thể chơi với năm quả bóng, giữ ba quả bóng luôn ở trên không và hai quả bóng trong tay.
Những "quả bóng" trong tay Ấn Độ là thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, kiềm chế Trung Quốc, cải thiện quan hệ với EU, giữ gìn quan hệ với Nga và đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, đồng thời phát triển quan hệ chiến lược với Australia.
Hiện tại, Ấn Độ đang nỗ lực vì hòa bình và đã yêu cầu cả Nga và Ukraine ngừng các hoạt động quân sự, tạo cơ hội ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Ấn Độ đang hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Đây là cách tiếp cận đúng đắn có thể cứu Ukraine khỏi bị tàn phá thêm.
Mối quan hệ thân thiết của Ấn Độ với các nước tạo cơ hội để New Delhi đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình.
* Cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận