Chặn xe dù, bến cóc - Bài 2: Cần giải pháp tháo gỡ
Vẫn biết doanh nghiệp sử dụng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định nhưng việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn trong xử lý
Tìm hiểu thực tế tại văn phòng một số nhà xe nổi tiếng trong nhóm xe hợp đồng như: Vân Anh, Ðại Nam… cho thấy, hoạt động ở đây giống như một bến xe thu nhỏ. Việc xác nhận đặt chỗ, thu tiền, bán vé, xếp khách, xếp hàng... diễn ra công khai và theo quy trình khép kín. Phương thức hoạt động phổ biến của các xe này là khách đặt chỗ qua điện thoại, nhà xe cho xe nhỏ đi gom khách tại các địa chỉ đã hẹn trước trong thành phố hoặc khách tự đến văn phòng đại diện.
Khi lên xe, nhà xe sẽ điền họ tên, địa chỉ khách vào một bản hợp đồng vận chuyển do nhà xe chuẩn bị sẵn để qua mặt cơ quan chức năng, nhưng thực chất khách vẫn mua vé như bình thường.
Khi bị kiểm tra, các xe hợp đồng lái xe chỉ cần xuất trình bản hợp đồng khống này. Đây cũng chính là lỗ hổng cơ bản khiến lực lượng chức năng, cơ quan quản lý không có căn cứ xử lý loại hình xe chở khách này.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) về trách nhiệm của lực lượng công an trong xử lý “xe dù”, “bến cóc”, Trung tướng Đào Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng hiện nay lực lượng chức năng chưa có giải pháp đột biến để giải quyết.
Lực lượng chức năng đã phối hợp thanh tra giao thông, an ninh cơ sở triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện, bến xe để lái xe không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai luồng. Nếu làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý - Trung tướng Đào Duy Khương nói.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cũng thừa nhận tình trạng “xe dù”, “bến cóc” vẫn tồn tại dai dẳng trên địa bàn nhưng do lực lượng thanh tra mỏng chưa đủ người để bao quát toàn địa bàn nên có lúc, có nơi loại hình này vẫn tiếp tục hoạt động.
Nguyên nhân và giải pháp
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bùng phát xe khách “trá hình” là cơ chế, chính sách vẫn còn những lỗ hổng. Bộ khung quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô quan trọng nhất là Nghị định 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63/2014/TT - BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tồn tại một lỗ hổng rất lớn.
Đó là, từ 1/7/2015, chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như hành trình, danh sách khách, điểm đón trả... về Sở Giao thông Vận tải địa phương trước khi thực hiện hợp đồng. Còn xe dưới 10 chỗ thì không phải báo cáo. Từ kẽ hở này, loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ hành khách vẫn quen gọi là xe Limousine, VIP, DCAR có điều kiện phát sinh ngày càng nhiều.
Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, một số đơn vị vận tải xe hợp đồng còn lách luật tinh vi hơn để đối phó với lực lượng chức năng qua việc ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các đơn vị du lịch, lữ hành để thường xuyên đặt chỗ, gom khách, hoạt động vận chuyển hành khách hai chiều như tuyến cố định. Xe chạy tuyến cố định được cấp cùng một lúc 2 loại phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định và “Xe hợp đồng”. Đây cũng là một trong số nguyên nhân để các đơn vị vận tải “lách luật” hoạt động kinh doanh vận tải, vừa đăng ký tuyến cố định trong bến xe, vừa thành lập văn phòng đại diện ở ngoài để gom khách.
Khi bị kiểm tra, tùy từng tình huống, đơn vị vận tải sẽ xuất trình loại phù hiệu, giấy tờ kèm theo để che mắt, chống chế lực lượng chức năng. Xung quanh khu vực các bến xe gần đây còn xuất hiện một số xe khách không có phù hiệu, biển hiệu hoặc sử dụng phù hiệu giả hoạt động; có đơn vị vận tải sử dụng phương tiện biển số của Lào hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch hai chiều như tuyến Sa Pa, Lào Cai. Số lượng này không nhiều nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây vắng khách tại các bến xe, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải và gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý và các quy định của pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, theo kịp với thực tế của từng địa phương. Quy định trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, xe Limousine, xe ứng dụng công nghệ dưới 9 chỗ còn nhiều kẽ hở để đơn vị vận tải, nhà xe và lái xe lợi dụng. Điển hình là việc chưa có quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện “trá hình” vận chuyển khách như tuyến cố định.
Để giải quyết các bất cập, tồn tại trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải; thống kê các phương tiện vi phạm, địa điểm hình thành “bến cóc”; tổng hợp kết quả xử lý vi phạm để xử lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm và tái phạm theo quy định.
Sở tiếp tục phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải qua Hà Nội cho phù hợp với tổ chức giao thông của thành phố, hạn chế các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải; rà soát hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải qua hệ thống định vi toàn cầu (GPS) để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và quản lý hành trình chạy xe; phát triển mới các tuyến buýt đi các tỉnh lân cận (áp dụng cho tuyến ngắn cự ly trung bình từ 100 km trở xuống) nhằm hạn chế vi phạm,…
Về lâu dài, để giải quyết tình trạng “xe dù”, Hà Nội tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải, khắc phục bất cập trong quản lý kinh doanh vận tải bằng hình thức xe hợp đồng nhằm hạn chế doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ để phân biệt rạch ròi giữa các loại hình vận tải; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2004/NĐ - CP theo hướng quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời xây dựng phần mềm quản lý thông tin báo cáo hợp đồng vận chuyển hành khách trước chuyến đi đối với xe hợp đồng bằng phần mềm đăng ký thống nhất trên cả nước để các cơ quan, đơn vị có liên quan có thể kiểm tra trực tiếp, tạo điều kiện kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm…
Những lỗ hổng cần sớm được hoàn thiện nhằm tăng cường quản lý và đưa loại hình vận chuyển khách Limosine, VIP, DCAR đi vào quy củ, tuân theo quy định của pháp luật, tạo thị trường cạnh tranh bình đẳng, không kéo dài tình trạng trá hình, lách luật tự tung tự tác trên đường như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận