Chặn xe dù, bến cóc - Bài 1: Biến tướng và lách luật
Tình trạng xe dù, bến cóc, xe buýt nhái, xe hợp đồng, xe Limousine trá hình hoạt động nở rộ đã và đang gây nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh với hoạt động xe vận tải hành khách tuyến cố định.
Thời gian qua, tại Hà Nội tình trạng xe dù, bến cóc, xe buýt nhái, xe hợp đồng, xe Limousine trá hình hoạt động nở rộ đã và đang gây nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh với hoạt động xe vận tải hành khách tuyến cố định cũng như gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông thành phố.
Đây cũng là vấn đề được đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV vừa qua và chính cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có giải pháp hữu hiệu về vấn nạn này.
Vận tải khách tuyến cố định vốn đóng vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Thế nhưng hiện nay, “miếng bánh” của loại hình này ngày càng bị thu hẹp, thậm chí bị bóp nghẹt bởi sự phát triển mất kiểm soát của xe hợp đồng, xe Limousine trá hình, “xe dù”…
Dịch vụ vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định hoạt động tại các bến xe ở Hà Nội đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi phải có những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách.
Limousine trá hình hút khách
Theo số liệu mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến tháng 6/2019, Hà Nội có 4.647 phương tiện chạy tuyến cố định đi 41 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Vài năm lại đây, số lượng xe hợp đồng, xe du lịch tăng chóng mặt với tổng phương tiện hiện đã lên tới 46.140 xe, cao gấp gần 10 lần so với số lượng xe chạy tuyến cố định. Ngoài ra còn có 19.265 xe được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”.
Đó là chưa kể số lượng “xe dù”, xe khách tuyến cố định liên tỉnh quá cảnh Hà Nội (không có điểm đầu - điểm cuối trên địa bàn Hà Nội), chủ yếu đi trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vành đai 3 - Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 5 nhưng đón khách tại Hà Nội…
Khách quan mà nói, so với cảnh chen chúc, chờ đợi tại các bến xe cùng những chuyến xe “bán khách” thường nhồi nhét khiến hành khách hãi hùng vào những dịp lễ, tết trước đây thì hiện nay, với sự tham gia của loại hình xe hợp đồng, xe Limousine vào thị trường vận tải khách liên tỉnh "giúp" hành khách được trở về vị trí “thượng đế”.
Mặc dù có ô tô riêng nhưng chị Nguyễn Phương Oanh - Khu đô thị Làng Việt Kiều châu Âu (quận Hà Đông) chia sẻ chị không đi xe nhà mà thường xuyên chọn xe Limousine để di chuyển ra tỉnh ngoài. Chỉ cần gọi điện đặt giờ đi là có xe đến đón tận nơi, trả đúng địa điểm, xuất phát đúng giờ. Mặt khác, loại xe này lại hiện đại, sạch sẽ, chỗ ngồi thoải mái, giá cả phải chăng nên là lựa chọn của nhiều người - chị Oanh nhận xét.
Hay chỉ cần một thao tác trên google là có hàng loạt nhà xe để lựa chọn. Đơn cử như xe Limousine đi Sapa có thể lựa chọn trong top 10 nhà xe được quảng cáo là chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu khắt khe của hành khách, có đầy đủ tiện nghi tốt nhất, giúp hành khách luôn thoải mái, thư thái trên suốt hành trình... với giá từ 350.000 đồng – 400.000 đồng/lượt.
Tuyến Hà Nội – Thanh Hóa cũng có sự góp mặt hùng hậu của đội ngũ xe Limousine như các nhà xe: Hoa Dũng, Sao Nghệ, Vân Anh, Ngọc Mai… với giá vé từ 140.000 đồng – 240.000 đồng/lượt.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, xe giường nằm cao cấp Limousine hay còn gọi là xe cabin hay xe giường nằm cabin riêng, xe giường nằm VIP đang đánh những dấu mốc thành công trong ngành vận tải hành khách Việt Nam.
Thực chất dòng xe này được cải tiến từ những chiếc xe du lịch 47 chỗ thành những chiếc xe 20 chỗ sang trọng để đáp ứng nhu cầu cao của hành khách với giá bình dân.
Với những ưu điểm vượt trội, dòng xe này được hành khách ưa chuộng, lựa chọn khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định phải nghĩ đến việc thay đổi cơ cấu phương tiện để cạnh tranh.
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc hãng xe Sao Việt (Hà Nội) cho biết, hình thức vận tải khách bằng xe Limousine đang phát triển nóng.
Những xe này rất thuận tiện cho người dân vì sự linh hoạt, đưa đón tận nơi, di chuyển nhanh, dù giá cả cao hơn so với tuyến cố định.
Hình thức nào lợi cho người dân mà pháp luật không cấm thì nên ủng hộ. Tới đây, nếu hành khách có nhu cầu, hãng Sao Việt cũng sẽ kinh doanh theo hình thức xe này.
Biến tướng và lách luật
Mô hình xe Limousine được đánh dấu “cộng” cho chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật, thực chất đây lại là một dạng "xe dù”. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều nhà xe vẫn cố tình lách luật, còn hành khách thì hiểu sai xe hợp đồng Limousine trá hình chạy tuyến cố định là hợp pháp.
Ông Đào Ngọc Thanh – Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân cho rằng, hiện nay người dân đang hiểu xe Limousine là loại hình vận tải được chấp nhận nên càng tạo điều kiện cho xe này phát triển.
Tình trạng xe khách bỏ nốt, bỏ bến nhiều có nguyên do rất lớn từ xe Limousine. Loại xe này bán vé lẻ, chui vào tận các ngóc ngách của Hà Nội để đón khách.
Ông Thanh kiến nghị, phải có cảnh báo, có chế tài xử lý xe hợp đồng trá hình Limousine. Còn như thời gian vừa qua, ông Thanh cho rằng, lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý xe Limousine.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, loại xe được hoán cải từ 16 chỗ xuống 9 chỗ hay còn gọi là xe Limousine đã lách luật núp bóng xe hợp đồng, luồn lách khắp nội đô đón khách đi các tỉnh lân cận và ngược lại, bất kể giờ giấc. Điều này gây náo loạn thị trường kinh doanh vận tải, ùn tắc giao thông.
Xe khách trá hình núp bóng xe hợp đồng này đang biến tướng ngày một tinh vi, công khai hoạt động giữa ban ngày và chạy như tuyến cố định trên nhiều chặng từ Hà Nội đi các tỉnh như: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Tuy có thuận tiện cho hành khách, nhưng loại hình này vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định do hút một lượng hành khách không nhỏ của xe chạy tuyến cố định. Bên cạnh đó, xe Limousine đang né thuế bằng cách khai thấp hơn doanh thu - ông Thanh phân tích.
Mặc dù biến tướng, lách luật nhưng loại xe dù này vẫn đang ngày càng phát triển, hoạt động ngang nhiên thách thức các cơ quan chức năng và cạnh tranh thiếu bình đẳng với doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hoạt động tại các bến xe, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nữa để tạo sân chơi bình đẳng giữa những loại hình tham gia dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận