Chăn nuôi lợn vẫn đầy rủi ro
Theo các tổ chức phân tích, ngành chăn nuôi vẫn có rủi ro giảm giá bao gồm giá nguyên vật liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi cao hơn và giá lợn hơi thấp hơn dự kiến.
CTCK VNDirect cho rằng giá lợn tăng do nguồn cung thiếu hụt ở một số tỉnh bùng dịch tả lợn châu Phi trong quý 1/2022. Ngoài ra, áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với tác động của thị trường Trung Quốc cũng giúp thị trường lợn hơi ở Việt Nam sôi động hơn.
Hiện Chính phủ đang yêu cầu các Bộ ngành theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh.
Cho đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định trong mức 28 triệu con. Do vậy, VNDirect dự báo bình quân giá lợn trong nửa cuối năm 2022 khoảng 65.500 đồng/kg, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, cả năm 2022 sẽ dao động trong mức 60.000 đồng/kg, giảm 3%.
Giá bán thịt lợn trong nước, nhất là khu vực miền Bắc, đã tăng mạnh trong tháng 7 lên quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, cao hơn 20% so với tháng trước và tăng gần 40% so với đầu năm do tác động nhiều yếu tố cộng hưởng.
Các chuyên gia tại VNDirect cho rằng, giá bán lợn đi lên do thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong quý đầu năm, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ đà tăng mạnh ở Trung Quốc sau nới lỏng.
Thực tế, thị trường trong nước chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung khi tổng đàn heo cả nước vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ và giá bán tại Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, đà tăng giá gần đây có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn.
Đà tăng giá mạnh của thịt lợn trong tháng 7 đã hỗ trợ đáng kể cho đà đi lên của các cổ phiếu ngành thịt, giúp định giá P/E (giá trên thu nhập cổ phiếu) neo ở mức cao khoảng 11- 20 lần.
Các tổ chức phân tích cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt do triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá. Tiềm năng tăng giá bao gồm giá ngũ cốc toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá lợn hơi cao hơn và nhu cầu tiêu thụ thịt mạnh hơn. Tuy nhiên, ngành này vẫn có rủi ro giảm giá bao gồm giá nguyên vật liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi cao hơn và giá lợn hơi thấp hơn dự kiến.
Thời gian qua, giá lợn hơi tăng, sự chênh lệch về giá lợn, các sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, giá cả thị trường.
Hiện thương lái đã hạn chế mua lợn, lượng lợn được chuyển đi phía Bắc cũng giảm. Nếu Việt Nam không xuất lợn đi Trung Quốc, giá lợn có khả năng ổn định trong thời gian tới. Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thịt lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ dao động từ 69.000 - 75.000 đồng/kg, nhìn chung sẽ dưới 80.000 đồng/kg.
Tính đến tháng 6, tổng đàn lợn cả nước ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%). Mặc dù giá xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng các mặt hàng thực phẩm vẫn chưa giảm giá, đặc biệt từ đầu tháng 7 cho đến nay, mặt hàng thịt lợn ghi nhận tăng cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, bình ổn giá thịt lợn cũng cần tạo điều kiện cho người dân yên tâm tái đàn.
Được biết, các Bộ ngành đã và đang chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; trong đó có mặt hàng thịt lợn; hướng dẫn các địa phương trên cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi, đồng thời bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành sản xuất cho nông dân.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, giá lợn hơi tăng thời gian qua là nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng... tăng mạnh.
Qua 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi lên cao nên bà con chăn nuôi thua lỗ, phải treo truồng, ảnh hưởng tới việc tái đàn. Nay thị trường phục hồi mạnh sau đại dịch, nhu cầu tăng cao nên dẫn tới thiếu nguồn cung lợn hơi cục bộ. Do đó, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn lợn khoảng 27 - 28 triệu con đảm bảo nguồn cung trong nước.
Muốn đẩy mạnh tái đàn nhanh, ngành chăn nuôi sẽ cần phải chủ động con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi... để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn. Với mức giá hiện tại, người nông dân đang hòa vốn hoặc có lãi nhẹ. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá heo hơi Việt Nam có thể bằng giá khu vực.
Theo công ty chứng khoán VCBS, giá lợn hơi tại các thị trường lân cận vẫn có đà tăng tốt trong quý 2/2022 trong bối cảnh tác động của lạm phát rõ rệt (giá thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao) và nguồn cung lợn sụt giảm do dịch bệnh (tại Thái Lan) và liên tiếp các đợt thu mua lợn từ Trung Quốc. VCBS kỳ vọng triển vọng nguồn cung thu hẹp và nhu cầu tiêu dùng nội địa hồi phục trong nửa cuối 2022 sẽ hỗ trợ giá lợn trong nước của Việt Nam duy trì tốt và có thể ổn định ở mức cao trong năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận