menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Trang

Chặn lũng đoạn ngân hàng

Với hàng loạt quy định mới được bổ sung, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đưa ra nhiều nhóm giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn sở hữu chéo ngân hàng, bao gồm các quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro… 

Đưa ra các chốt chặn, ngăn thao túng ngân hàng của cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Đây cũng là vấn đề nan giải của chính hệ thống ngân hàng, tồn tại hàng chục năm qua. Dù đã giảm, song hành vi sở hữu chéo ngày càng trở nên tinh vi và khó đối phó hơn.

Với hàng loạt quy định mới được bổ sung, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đưa ra nhiều nhóm giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn sở hữu chéo ngân hàng, bao gồm các quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro…

Thứ nhất, về sở hữu, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 siết chặt quy định về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tối đa của một cổ đông và một nhóm cổ đông liên quan. Theo đó, một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% (tỷ lệ theo quy định hiện là 15%); một nhóm cổ đông liên quan không được sở hữu vượt quá 15% (tỷ lệ hiện tại là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cùng với đó, quy định về người có liên quan, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân cũng được làm rõ và mở rộng hơn đáng kể so với quy định hiện hành.

Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 siết hạn mức cấp tín dụng cho khách hàng lớn. Theo đó, giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần, từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của tổ chức tín dụng hiện nay, xuống 10% và 15% vào năm 2029. Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ này giảm từ 25% và 50% vốn tự có hiện nay, xuống 15% và 25% đến năm 2029. Thay đổi này có thể giúp các ngân hàng giảm rủi ro tập trung tín dụng, tuồn vốn cho sân sau.

Thứ ba, Luật Các tổ chức tín dụng mới bổ sung các quy định nâng cao chuẩn quản trị điều hành cũng như hạn chế việc tham gia quản trị điều hành của những người có liên quan tại tổ chức tín dụng. Luật cũng bổ sung quy định nhằm tăng tính công khai, minh bạch.

Theo đó, các cá nhân giữ chức vụ quan trọng trong tổ chức tín dụng (thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc…) phải cung cấp thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan; tổ chức tín dụng sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước, đại hội đồng cổ đông, đại hội thành viên, hội đồng thành viên...

Tương tự, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ trở lên cũng cần cung cấp thông tin (bao gồm cả tỷ lệ sở hữu cổ phần) của mình cũng như của cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cũng được công bố công khai.

Các quy định trên được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các tổ chức tín dụng (kể cả các tổ chức tín dụng chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng thao túng, sở hữu chéo ngân hàng, đồng thời tạo thêm kênh giám sát, trong đó có cả phương tiện thông tin truyền thông.

Về lâu dài, các quy định ngăn chặn sở hữu chéo sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm sự chi phối của các nhóm lợi ích, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng, tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, các quy định này sẽ giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng bền vững hơn trong tương lai.

Đương nhiên, “tác dụng phụ” của các quy định siết chặt sở hữu chéo là một số doanh nghiệp lớn sẽ khó vay nhiều vốn ở một tổ chức tín dụng. Đây là điều cần thiết để ngân hàng tránh tập trung tín dụng. Với quy định trên, bản thân doanh nghiệp cũng phải nắm bắt các nội dung mới để có sự chuẩn bị, tránh phụ thuộc vào một vài ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải xác định ngân hàng chỉ là kênh cung cấp vốn ngắn hạn, từ đó có giải pháp để đa dạng kênh huy động vốn.

Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố chính dẫn tới tình trạng thao túng ngân hàng thời gian qua là hành vi lách luật. Do đó, việc siết giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng… sẽ không có nhiều ý nghĩa trong chống sở hữu chéo, chống sở hữu thao túng. Chính vì vậy, ngoài việc bổ sung các quy định theo hướng thắt chặt và minh bạch hơn, nỗ lực chống sở hữu chéo chỉ phát huy hiệu quả, hiệu lực thực sự nếu khâu thực hiện và giám sát được triển khai bài bản. Theo đó, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, mà chính ban kiểm soát tại các tổ chức tín dụng cũng phải làm tốt vai trò giám sát tại chỗ của mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại