Chặn hàng lậu ở Lạng Sơn: Sớm bịt kẽ hở hóa đơn, chứng từ
Vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp tại Lạng Sơn, mặc dù hàng năm, các lực lượng chức năng 389 trên địa bàn đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do qui định về hóa đơn đối với hàng hóa s
Thực hiện Kế hoạch 09/KH-UBND ngày 14/01/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn về đấu tranh phòng ngừa các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn năm 2020 phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các tụ điểm, phương tiện vận chuyển trên các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 4B, đã xử lý 714 vụ vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng số tiền trên 37,122 tỷ đồng.
Tại Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn), năm 2020, trong số hàng trăm lượt/vụ, lực lượng liên ngành tại đây kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa, hầu hết đều vi phạm pháp luật, với hành vi lợi dụng hóa đơn bán hàng để hợp pháp hóa việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng...
Ông Đặng Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn) - cho biết: Tại thời điểm kiểm tra hàng hóa, thông thường người mua hàng xuất trình hóa đơn của họ theo khoản 2, điều 5, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP của liên Bộ: Tài chính - Công Thương - Công an - Quốc phòng, quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, để truy xuất được nguồn gốc hàng hóa có hợp pháp hay không, lực lượng chức năng phải tiến hành kiểm tra, thì người phát hành hóa đơn (người bán hàng) lại không thể chứng minh được nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu hợp pháp (không có tờ khai hải quan nhập khẩu, không có bảng kê hàng hóa mua gom của cư dân biên giới, không có hóa đơn bán hàng tịch thu... do cơ quan có chức năng thực hiện phát hành). Như vậy, số hàng hóa này thực chất là hàng nhập lậu, nhưng khi xử lý vi phạm thì cơ quan chức năng không thể tịch thu được tang vật.
Lý do, theo khoản 3, điều 15, Nghị định 51/2010/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể tại điểm a, khoản 2, điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, qui định: “Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Ngoài ra, tại khoản 2, điều 5, Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT, cũng quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho, phải có hóa đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP”.
Với các qui định và hướng dẫn nêu trên, ông Đặng Văn Ngọc, khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, các vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu (sử dụng hóa đơn bán hàng) các cơ quan chức năng của Lạng Sơn chỉ có thể xử phạt hành chính (tiền) đối với người phát hành hóa đơn (bán hàng) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm”, mà không thể áp dụng được hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm, do tang vật là hàng hóa đã xuất bán.
Mặt khác, theo Thông tư 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính, thì số lợi bất hợp pháp trong trường hợp này được tính là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ vi phạm hành chính căn cứ trên hóa đơn mà tổ chức, cá nhân đó phát hành. Tuy nhiên, thực tế việc kê khai giá hàng hóa trên hóa đơn thường được các đối tượng khai với mức giá rất thấp. Do vậy, hình thức xử phạt bổ sung buộc đối tượng phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp vào ngân sách từ vi phạm hành chính, tính theo phương pháp này là rất nhỏ so với giá trị hàng hóa vi phạm, nên chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT Lạng Sơn, cũng cho biết, các tổ chức, cá nhân vi phạm thường xuất trình những tờ hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng có tên loại hàng hóa, đơn vị hàng hóa được ghi không thống nhất, hoặc ghi gộp các mặt hàng lại với nhau và sử dụng đồng nhất đơn vị tính khối lượng hàng hóa là kilogram cho tất cả các mặt hàng. Điều này cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra, kiểm đếm và đối chiếu hàng hóa thực tế so với số hàng hóa ghi trên hóa đơn. Trên hóa đơn, các chủ thể vi phạm thường không thể hiện là hàng hóa sản xuất trong nước, hay là hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam, rất khó để xác định nguồn gốc hàng hóa.
Để giúp cho công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi lợi dụng chính sách về hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung, các qui định pháp luật về hóa đơn, chứng từ... còn lỏng lẻo, vướng mắc, chưa rõ ràng, cụ thể cần phải được các cơ quan chức năng hữu quan, các cấp ngành liên quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận