Chân dung ông chủ quyền lực của công ty 2.000 tỷ USD lớn nhất thế giới: Giữ vị trí 'dưới 1 người trên vạn người' khi mới 31 tuổi, tương lai không xa sẽ trở thành nhà vua của Ả rập Saudi
Thái tử Mohammed là người có quyền lực thứ hai ở Ả rập Saudi, chỉ sau vua Salman.
Mohammed bin Salman sinh ngày 31/8/1985, là con cả trong số 6 con trai của Vua Ả rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud với người vợ thứ ba Fahda bint Falah bin Sultan.
Thái tử Mohammed là người có quyền lực thứ hai ở Ả rập Saudi, chỉ sau vua Salman. Tháng 6/2017, vua Salman bất ngờ phế truất cháu trai Mohammed bin Nayef, 57 tuổi khỏi vị trí thái tử và thay thế bằng con trai Mohammed bin Salman, 31 tuổi.
Kể từ đó, Mohammed được nhà vua giao cho những vai trò quan trọng trong chính phủ. Vị thái tử này hiện là Phó thủ tướng và giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng của Ả rập Saudi, trở thành hoàng tử duy nhất cùng lúc nắm giữ ba vị trí quan trọng. Ông còn là người đứng đầu một cơ quan mới rất quyền lực là Hội đồng Kinh tế và Phát triển với chức năng giám sát các bộ ngành khác và được giao trọng trách quản lý ngân sách đầu tư công của cả vương quốc.
Ông cũng chính là người được cho là sẽ sớm kế thừa ngôi vua của cha trong tương lai. Theo ước tính của Forbes, hoàng gia Ả rập Saudi hiện sở hữu khối tài sản lên tới 1.4000 tỷ USD và Thái tử Salman chắc chắn sở hữu một phần không nhỏ trong số đó.
Tuổi trẻ tài cao
Thái tử Ả rập Saudi có bằng cử nhân luật của Đại học King Saud - trường đại học lâu đời nhất tại Ả rập Saudi. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho một số cơ quan chính phủ rồi được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt cho cha mình vào năm 2009. Khi đó quốc vương Salman đang là thống đốc của Riyadh. Năm 2015, Salman lên ngôi quốc vương, ở tuổi 79.
Đa số bạn bè đều nhận xét thái tử Mohammed dù có gia thế "trâm anh thế phiệt" nhưng lại rất nghiêm túc, nỗ lực trong việc học hành, thái tử không hút thuốc, uống rượu và cũng không có hứng thú với những buổi tiệc tùng.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng đánh giá Mohammed bin Salman là người "cực kỳ hiểu biết, thông minh và khôn ngoan trước tuổi".
Kể từ khi được vua cha tin tưởng, Thái tử Mohammed trở thành nhân vật đắc lực giúp điều hành đất nước cho cha. Theo The Guardian, ông nổi tiếng là người "nghiện công việc" khi thường dành tới 18 tiếng mỗi ngày ở văn phòng làm việc.
Ngoài những vai trò trong chính phủ, quyền lực của vị thái tử trẻ tuổi tăng lên nhanh chóng khi được giao quản lý tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco. Công ty này gây chú ý với thương vụ IPO cao kỷ lục khi huy động được 25,6 tỷ USD vào đầu tuần này. Hiện tại, giá trị thị trường của Aramco đã xấp xỉ 2.000 tỷ USD, trở thành công ty giá trị nhất thế giới, cao gấp đôi vốn hóa Apple.
Bên ngoài chính trường, thái tử Mohammed cũng có quan hệ với các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ và từng ghé thăm văn phòng của nhiều công ty tại thung Lũng Silicon gồm Google và Apple. Mùa xuân năm 2018, Thái tử Mohammed (giữa ảnh) gặp gỡ CEO của Google - Sundar Pichai (trái trong ảnh) và những người đồng sáng lập của Google là Larry Page.
Chuyến thăm miền tây nước Mỹ của Mohammed còn gồm một cuộc gặp với CEO của Amazon - Jeff Bezos. Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia hiện sở hữu 5% cổ phần tại Uber, theo hồ sơ chứng khoán mới nhất của startup gọi xe này. Quỹ này cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào quỹ Vision Fund khổng lồ của tập đoàn SoftBank, Nhật Bản.
Người quyền lực "số 2" ở Ả rập Saudi
Tài năng của thái tử Mohammed được thể hiện trong quá trình tái cơ cấu thành công của Ả rập Saudi, giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ.
Kế hoạch mang tên "Tầm nhìn Saudi 2030" là tham vọng của Mohammed nhằm cải cách nền kinh tế và đưa Ả rập Saudi thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
Vị tân Thái tử kì vọng sẽ giảm tỷ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ xuống dưới 50% (kim ngạch xuất khẩu). Cùng với đó là xây dựng một quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Thu nhập từ quỹ này sẽ được sử dụng để từng bước thay thế nguồn thu từ dầu mỏ đang sụt giảm.
Tháng 4/2016, Mohammed đưa ra kế hoạch cắt giảm trợ cấp của chính phủ về xăng, điện và nước cho người dân, đồng thời áp thêm thuế đối với các mặt hàng xa xỉ và đồ uống có đường, nhằm tạo ra khoản doanh thu phi dầu mỏ 100 tỷ USD vào năm 2020.
Kế hoạch nhận được nhiều sự ủng hộ tới từ giới trẻ, nhưng lại vấp phải sự hoài nghi của thế hệ cao niên. Trên thực tế, mong muốn cải cách kinh tế đã được tiến hành trong suốt nhiều thập kỉ qua, nhưng Ả rập Saudi vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ và chịu ảnh hưởng lớn mỗi khi giá cả tài nguyên này biến động.
Cuộc sống xa hoa trong nhung lụa
Thái tử Mohammed và cha - quốc vương Salman, thường xuất hiện tại "nhiều lâu đài với cột đá cẩm thành và những dinh thự đồng quê" ở thủ đô Riyadh của Ả rập Saudi, theo New York Times. Theo CBS News, trong một chuyến thăm của Cựu tổng thống Mỹ Barrack Obama, phóng viên nhìn thấy những hộp giấy ăn mạ vàng và ghế bằng vàng tại lâu đài Erga tại Riyadh của hoàng gia Ả rập Saudi.
Thái tử Mohammed cũng nổi tiếng với những khoản chi tiêu hào phóng. Ông đã chi hàng trăm triệu USD để mua siêu du thuyền, máy bay cá nhân, trực thăng, lâu đài Pháp và tranh hiếm. Ông sở hữu du thuyền Serene trị giá 500 triệu USD với 15 cabin dành cho 24 khách.
Năm 2015, Thái tử Mohammed chi 300 triệu USD mua một lâu đài từ thế kỷ 17 tại Pháp, là "căn nhà đắt nhất thế giới" thời điểm đó, theo Fortune. Phải tới tận năm 2017 mới có thông tin rằng Thái tử Saudi Arabia chính là người mua lâu đài Chateau Louis XIV tại Louveciennes, phía tây Paris.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận