Chân dung các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài - Bài 3: Buồn, vui dòng vốn ngoại tại các ngân hàng Việt
Hợp tác với các tập đoàn tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài giúp các ngân hàng trong nước mở rộng cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, lần giở lại lịch sử đầu tư nước ngoài vào nhà băng Việt thấy không ít câu chuyện vui buồn và cả những bài học...
Việt Nam bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ năm 1988, sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, đầu tư nước ngoài là hình thức hợp tác kinh tế quốc tế rất hiệu quả đối với các nước đang phát triển. Khu vực tài chính ngân hàng đặc biệt thu hút sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài khi đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.
Từ những năm 2006 và 2007, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua cổ phẩn để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại các ngân hàng trong nước với giới hạn sở hữu tại một ngân hàng nội địa là 30% và mức cổ phần cao nhất một ngân hàng nước ngoài có thể mua để trở thành một nhà đầu tư chiến lược là 20%. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 đã tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính nước ngoài tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam mạnh mẽ hơn, khi các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài được nới lỏng, nhất là về việc mở chi nhánh và các điểm giao dịch, hạn chế về huy động tiền gửi bằng VND được dỡ bỏ cùng với khả năng mở rộng dịch vụ ngân hàng. Hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài trở nên sôi động.
VPBank là ngân hàng tiên phong trong việc tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài, với thương vụ đầu tiên chào bán 20% vốn cổ phần cho Dragon Financial Holding Limited (quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý) và Vietnam Fund vào năm 1996.
Trong giai đoạn khủng hoảng 1998-1999, Vietnam Fund đã quyết định thoái vốn khỏi VPBank. Đến cuối quý 1/2010, quỹ đầu tư của Dragon Capital cũng thoái vốn bằng cách bán cổ phần nắm giữ cho một đối tác nội địa. Trước khi Dragon Capital thoái vốn, vào năm 2006, Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) đã mua 10% vốn điều lệ và trở thành cổ đông chiến lược trong đợt tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng. Sau đó, OCBC tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần lên 14,88% vào năm 2008, và giữ vững tỷ lệ này đến thời điểm cuối năm 2013 thì chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho 3 nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Với ưu thế là về mạng lưới chi nhánh và mối quan hệ được xây dựng từ lâu với cộng đồng địa phương, ngân hàng nội từng là đích nhắm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối 2017, các tổ chức tín dụng nước ngoài còn tham gia mua cổ phần tại 7 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (chiếm 4,68% vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng).
Sau làn sóng ‘vào’ là làn sóng ‘ra’
Sau khoảng thời gian phát triển khá sôi động với nhiều hoạt động mua bán – sáp nhập diễn ra, đến năm 2017, lĩnh vực ngân hàng lại chứng kiến một xu hướng “ngược chiều” khi các nhà đầu tư ngoại rút chân khỏi các ngân hàng Việt dấy lên lo ngại về môi trường pháp lý và thực tiễn thị trường không còn đủ hấp dẫn.
Đầu tiên có thể kể tới là việc OCBC rút khỏi VPBank năm 2013. Nhưng đáng chú ý hơn cả là sự thoái lui của cổ đông chiến lược sở hữu gần 20% vốn tại Techcombank là HSBC. Techcombank đã buộc phải mua lại toàn bộ số cổ phần này từ HSBC, chấm dứt hơn 10 năm gắn bó của 2 định chế tài chính.
Theo chia sẻ từ phía HSBC, động thái này giúp HSBC tiếp tục chiến lược dài hạn trên toàn cầu rút ra khỏi các khoản đầu tư về ngân hàng không trọng điểm.
Tiếp theo là sự kiện BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào ngân hàng này hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Rồi đến thương vụ Tập đoàn Société Générale thoái 20% vốn tại SeABank sau 10 năm đầu tư vào cuối năm 2018. Theo giải thích từ phía SeABank, Société Générale đã thực hiện thoái vốn vào cuối năm 2018 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư nhằm rút các khoản đầu tư khỏi thị trường Việt Nam và trên cả châu Á.
Gần đây nổi lên trường hợp SMBC của Nhật, với 15% cổ phần tại Eximbank, nhà băng này đang bị sa lầy tại đây, bị quấn vào vòng xoáy tranh chấp quyền lực tại ngân hàng Việt.
Trước tình trạng ngân hàng ngoại rút vốn khỏi ngân hàng nội, nhiều ý kiến lo lắng cho rằng môi trường kinh doanh, doanh nghiệp Việt đã phần nào kém hấp dẫn. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định ngược lại, cho rằng đó là tin tốt.
Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNN cho rằng, “việc thoái vốn của HSBC tại Techcombank là tín hiệu tích cực. Bởi, HSBC có ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam nên họ không có nhu cầu làm cổ đông chiến lược cũng là một động thái tất yếu và tích cực, cho thấy ngân hàng 100% vốn nước ngoài của HSBC hoạt động tốt”.
Về phía Techcombank có thể thấy việc HSBC rút khỏi là một tin xấu với ngân hàng khi phải hoãn lại kế hoạch tăng vốn và giữ lại cổ tức để mua lại cổ phần. Điều này thêm lần nữa gây thất vọng cho cổ đông khi đã 6 năm liên tiếp ngân hàng báo lãi nhưng vẫn không chia một đồng cổ tức.
Qua sự việc trên cho thấy hai vấn đề lớn đáng chú ý là thực tế ngân hàng nội đã kém hấp dẫn hơn với các đối tác là ngân hàng ngoại – khi họ có thể tự mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và hai là các khoản đầu tư không mang lại lợi ích như kỳ vọng.
Có nhiều ý kiến cũng cho rằng, với giới hạn tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực ngân hàng hiện nay không đủ hấp dẫn với nhà đầu tư khi phải bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng giới hạn tỷ lệ sở hữu chỉ là 30%, trong đó mức cao nhất dành cho các tổ chức là 20%.
Xét về tỷ lệ sở hữu, 30% hay thấp hơn là 20%, thực tế không có giá trị về mặt quản trị với các ngân hàng ngoại khi rót vốn vào ngân hàng Việt, bởi nó không cho phép các nhà băng ngoại có tiếng nói quyết định với ngân hàng. Theo các quy định của pháp luật Việt Nam, tỷ lệ tối thiểu 36% mới cho phép các nhà đầu tư phủ quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, trong đó gồm cả các ngân hàng.
Thiếu thực quyền cũng là một yếu tố làm nhà đầu tư nước ngoài nản chí. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn có một vài trường hợp nhà đầu tư ngoại thành công và vừa lòng với khoản đầu tư vào ngân hàng Việt như trường hợp MUFG đang nắm giữ hơn 19,7% vốn tại Vietinbank, Ngân hàng Mizuho nắm giữ 15% vốn tại Vietcombank.
Làn sóng tiếp theo là gì?
Đầu tiên là trường hợp của Vietcombank. Đầu năm 2019, ngân hàng đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Dù khoản tiền lớn đến vậy song đó mới chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng kế hoạch phát hành cổ phiếu của nhà băng này, do đó, phần còn lại rất có thể được thực hiện trong thời gian tới.
Tiếp đến là thương vụ bán vốn của ngân hàng BIDV cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng KEB Hana với 17,65% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 15% vốn sau phát hành.
Với trường hợp của Agribank, ngân hàng này đang trong lộ trình cổ phần hóa, mà theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là chậm nhất đầu năm 2020 phải cổ phần hóa xong. Hiện đang có nhiều đối tác đang "nhắm" tới Agribank – ngân hàng có mạng lưới rộng nhất Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Tài chính NongHuyp - định chế tài chính đứng thứ 4 tại Hàn Quốc, đã "ngỏ ý" được hỗ trợ nhà băng này trong hoạt động cổ phần hóa.
Mới đây nhất là thương vụ OCB phát hành thành công 15% vốn điều lệ cho Aozora Bank – một ngân hàng Nhật Bản vào đầu năm 2020.
Dòng vốn ngoại vào ngân hàng Việt cũng giúp kích thích xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và đẩy mạnh quá trình áp dụng Basel II. Việc củng cố hệ thống ngân hàng cũng giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó tăng sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực.
Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, dòng vốn được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá hơn hẳn so với các năm trước. Sự kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều hiệp định FTA lớn bắt đầu có hiệu lực từ 2019 và 2020 với những cam kết mở cửa hơn cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên, dường như hoàn cảnh đã đổi khác. Trải qua giai đoạn tái cơ cấu, sức khỏe ngành ngân hàng ngày càng cải thiện, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý đã hoàn thiện hơn đang mang lại nhiều cơ hội mới cho các nhà băng.
Thực tế cho thấy cùng với xu hướng một số ngân hàng nhỏ khao khát nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào tìm hiểu và đầu tư thì lại có những nhà băng đang ở thế chủ động, chủ động tìm kiếm và lựa chọn đối tác sao cho phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng, không chỉ đặt nặng yêu cầu về vốn mà còn phải hỗ trợ được lẫn nhau, cùng phát triển đi lên.
Ở góc độ của người trong cuộc, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 rằng, “có nhiều cổ đông nước ngoài bày tỏ ý định tham gia góp vốn. Tuy nhiên, SHB mong muốn việc lựa chọn cổ đông nước ngoài phải là những tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư lâu dài, có chiến lược quản trị, điều hành rõ nét, cùng tham gia quản trị, điều hành, hỗ trợ về công nghệ, khách hàng cho ngân hàng để đảm bảo ngân hàng phát triển ổn định và bền vững”. Đây có thể là một làn sóng, xu thế mới, cho thấy một giai đoạn phát triển mới, đáng được đánh dấu như nấc thang cao hơn của hệ thống ngân hàng Việt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận