Chậm, huỷ chuyến bay khiến hành khách bức xúc: Bộ GTVT chỉ đạo khẩn Cục Hàng không
Sự phục hồi và tăng trưởng 'nóng' gây áp lực rất lớn tới hạ tầng hàng không, tình trạng chậm huỷ chuyến bay đã xảy ra nhiều hơn, Bộ GTVT yêu cầu chấn chỉnh, xử lý, tình trạng này.
Hàng không tăng trưởng "nóng" chuyến bay bị delay
Ngành hàng không đang vào mùa cao điểm hè 2022 với sức nóng tăng lên từng ngày trên thị trường nội địa, các hãng hàng không đã tăng cường thêm hàng trăm chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng hành khách và sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.
Sân bay Đà Nẵng mùa cao điểm. Ảnh: Thế Anh
Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) hàng không Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nhiều hành khách cũng đã phản ánh tình trạng các chuyến bay bị delay, máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời đã xảy ra do quá tải đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng...
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới các chuyến bay bị delay, bay lòng vòng trên bầu trời, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết: "Việc chậm huỷ chuyến, ùn tắc tại nhà ga có nhiều nguyên nhân, nhưng quá tải là nguyên nhân chính".
"Năm 2019, sân bay Nội Bài đã đón 450 - 500 chuyến bay/ngày kể cả quốc tế và nội địa. Đến thời điểm hiện tại, sân bay Nội Bài đang đón hơn 600 chuyến bay/ngày, trong đó, quốc tế chỉ có mấy chục chuyến thôi", vị này cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay, vấn đề ở đây chính là năng lực hạ tầng sân bay quá tải, ví dụ: Nhà ga chỉ có sông suất 50 triệu khách, nhưng lại đón tới hơn 100 triệu khách.
Trong khi đó, trong 600 chuyến bay này, chủ yếu là máy bay thân rộng, mà khi máy bay thân rộng cất hạ cánh thì các máy bay khác phải chờ vì nếu cùng cất cánh thì không đảm bảo an toàn do 2 đường băng tại sân bay Nội Bài không đảm bảo khoảng cách cho máy bay thân rộng cất hạ cánh.
Do đó, máy bay phải chờ nhau để cất hạ cánh, đây còn chưa kể tới máy bay gặp lỗi kỹ thuật phải kiểm tra trước khi cất cánh.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Thế Anh
Các nguyên nhân khác cũng được lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc chỉ ra là do máy bay đến muộn nên chuyến bay tiếp theo kg thể thực hiện đúng giờ; Công tác phục vụ máy bay quay đầu đối với máy bay thân rộng không đáp ứng 35 phút do nhiều nguyên nhân gây áp lực về mặt thời gian nên ảnh hưởng chất lượng dịch vụ. Các chuyến bay về hạ cánh vào cùng một thời điểm tạo nên phân cách ngắn nên dẫn đến các chuyến cất cánh phải chờ và cất cánh muộn.
Về giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị nên chia đều slot vào các khung giờ trong ngày ( tăng cường các chuyến bay bay đêm, sau 24h) để giảm thiểu chuyến bay vào giờ cao điểm và kéo dài thời gian quay đầu đối với tàu bay thân rộng.
Giám sát hoạt động của các hãng hàng không
Để chấn chỉnh tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không. Cùng đó, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý.
Thứ trưởng Tuấn cho biết, hoạt động vận tải hàng không đang có những tín hiệu đáng mừng về sự hồi phục sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhu cầu đi lại của người dân nói chung tăng nhanh, giúp sản lượng hành khách và hàng hóa qua các cảng hàng không cũng có sự khởi sắc. Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021 (số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%, khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%), đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam đứng đầu trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, vượt qua Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia đứng thứ 8, Malaysia đứng thứ 9, Thái Lan đứng thứ 24.
Bên cạnh tăng trưởng "nóng" của ngành hàng không, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, việc dần hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa, tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến lại có xu hướng tăng gây ra bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.
Để khắc phục tình trạng nói trên, đặc biệt trong dịp cao điểm hè, Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Cùng đó, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý.
Cục Hàng không Việt Nam cũng có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận