Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Tỉnh ăn không hết, tỉnh lần chẳng ra
Theo chuyên gia, có tình trạng nơi ăn không hết, nơi lại thừa vốn đầu tư công, do đó nên tập trung vào những địa phương có tiềm năng phát triển lợi ích cộng đồng.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, vốn đầu tư công được Thủ tướng giao thực hiện trong năm 2021 là 461.300 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ là 406.463,67 tỷ đồng, đạt 88,11% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tại buổi làm việc về đầu tư công trung hạn của Chính phủ ngày 24/5 do Thủ tướng chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng, tăng 120.000 tỉ đồng so với dự kiến trước đó. Số vốn tăng thêm này là từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có tính chất "quả đấm thép", dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn liên vùng, có tác động lan tỏa. Ngoài ra, các dự án chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... cũng cần được tập trung nguồn lực.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của dư luận, thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng đây là biện pháp cần thiết để siết chặt nguồn vốn đầu tư công, sao cho giải ngân hiệu quả và phù hợp nhất.
Phải "chọn mặt, gửi vàng"
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, nhiều tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) nhỏ nhưng dự kiến hàng trăm dự án.
"Phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, điều chỉnh dự án theo hướng trọng tâm, tập trung đột phá chiến lược, phục vụ an sinh xã hội", Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, có lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc đề xuất ý tưởng đào hầm qua núi để rút ngắn thời gian di chuyển lên trung tâm tỉnh khoảng 10 phút, nhưng kinh phí đầu tư dự kiến tới 2.500 tỉ đồng.
Trong khi đó, một huyện khác của tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, chỉ cần đầu tư vài trăm tỉ đồng để mở rộng đường kết nối là có thể khai phá, phát triển được cả huyện này.
Rút ngắn 10 phút đi bộ cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Trả lời VTC News về việc phân bổ vốn đầu tư công sao cho hợp lý, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, điều cần thiết ngay lúc này để việc giải ngân đầu tư công trở nên hiệu quả hơn đó là giảm dự án, siết chặt hiệu quả phân bổ vốn đầu tư cho các tỉnh. Bởi theo ông Thành, trên thực tế, vốn đầu tư công đang được phân bổ dàn trải song kết quả không như mong đợi.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tình hình thực hiện kế hoạch vốn 2021 tại các địa phương tính đến ngày 31/5 chỉ đạt 1.100 tỷ đồng và bằng 1,73% dự toán. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 616 tỷ đồng (bằng 1,77% kế hoạch) và vốn cho các địa phương vay lại là 484,4 tỷ đồng (bằng 1,68% kế hoạch)
Đáng nói, cả nước mới chỉ có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% và 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ là 0%. Điều này đồng nghĩa là hơn một nửa tỉnh thành trên cả nước không "đả động" đến vốn đầu tư công. Tình trạng "tỉnh ăn không hết, tỉnh lần chẳng ra" đang diễn ra.
Trên thực tế, năm ngoái, nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất trả lại số tiền được phân bổ cho năm 2020 nhưng không giải ngân hết. Về cơ bản, việc nhiều đơn vị chủ động đề xuất trả lại vốn để điều chuyển sang nơi cần là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vốn đầu tư công được phân bổ theo nguyên tắc “dưới trình lên, trên bổ xuống”, dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước nhưng sau khi được giao vốn, có đơn vị lại đề xuất trả lại hàng nghìn tỷ đồng. Vậy rõ ràng có sự "vênh" nhau giữa đề xuất và hiệu quả hực hiện.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, đầu tư công phải dựa theo nguyên tắc đầu tư dự án. Muốn biết vì sao nhiều dự án ở các tỉnh không giải ngân được thì phải đặt câu hỏi: Tỉnh có dự án hay không? Dự án ra sao? Từ đó rút kinh nghiệm những tỉnh hoặc những dự án nhận được quỹ đầu tư công nhưng không chịu thực hiện thì sau một thời gian nhất định phải điều tra, xem có nên tiếp tục hay phải hủy những dự án đó và thu hồi số tiền để cho các tỉnh khác, dự án khác cần hơn.
"Chúng ta phải hiểu đầu tư là công dựa theo nguyên tắc đầu tư dự án, chứ không phải tiền gửi cho các tỉnh, các tỉnh muốn tiêu xài thế nào cũng được hay muốn làm gì thì làm. Vấn đề này Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính phải kiểm tra thật kỹ", chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu ý kiến.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, để đầu tư công hiệu quả thì chắc chắn phải thực hiện theo dự án, nghiên cứu thật kỹ dự án.
"Nếu dự án của giao thông vận tải thì phải có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, dự án công nghệ cao thì phải có ý kiến của bộ ngành phụ trách. Tất cả đều phải được các đơn vị liên quan nghiên cứu, cho ý kiến trước khi Chính phủ phê duyệt để trích quỹ đầu tư công. Phải xem, rà soát lại tất cả những dự án đã gửi cho các tỉnh, vì sao không thực hiện thì phải có lý do chính đáng. Nếu không có khả năng thực hiện thì phải huỷ dự án đó và thu hồi tiền", ông Thành thẳng thắn nói.
"Không thể bổ đều mỗi người một miếng"
Đầu tư công là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế bởi đây là gói kích cầu nội địa lớn nhất hiện nay, tạo ra nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người lao động và bổ sung thêm những công trình hạ tầng quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng năm 2021 và cả những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định, so với nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của nước ta rất lớn. Khó để tìm ra quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành có một dự án như Việt Nam.
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước ở các quốc gia trên thế giới hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội. Có những quốc gia, một năm chỉ tập trung vài ba dự án lớn.
Theo ý kiến chuyên gia, hiện nay trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, dịch bệnh tác động nặng nề, chúng ta càng phải lựa chọn đầu tư theo hướng tập trung, tránh dàn trải.
Do đó, theo ông Thành, phải có một trật tự ưu tiên và lộ trình phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm thì mới có thể tạo nên hiệu quả thực sự của đầu tư công.
Cụ thể, phải có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng lại thiếu những dự án có quy mô lớn mang tính chất "quả đấm thép" để tạo "cú hích" cho kinh tế các vùng miền. Đồng thời, nên thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư hoặc không được phép đầu tư.
Ông Thành cho rằng đây là phận sự của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phải rà soát lại dự án nào thực hiện, dự án nào không thực hiện, hoặc thực hiện không hiệu quả thì phải hủy bỏ để đưa nguồn đầu tư đó vào những dự án khác có hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định, đầu tư công dàn trải là "nước cờ" sai lầm. Bởi nếu càng dàn trải đầu tư công ra tất cả mọi lĩnh vực thì hiệu quả sẽ thấp. Muốn hiệu quả, đầu tư công phải tập trung vào những điểm có giá trị thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Khi đó, không những kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà cả đời sống của người dân cũng sẽ phát triển.
Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư công đã thanh toán đạt hơn 153.400 tỷ đồng (đạt 26% kế hoạch năm), gồm cả vốn năm trước chuyển sang. Riêng phần vốn năm nay, đã thanh toán hơn 133.800 tỷ đồng (đạt 29% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước 4%). Trong đó, vốn nước ngoài mới giải ngân gần 3.800 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước 3%).
Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2021, có tới 37/50 bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 20% vốn kế hoạch như: Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, KH&CN, Nội vụ, TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật...16/63 địa phương cũng trong tình trạng tương tự, đó là: Bắc Kạn, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Quảng Bình...
Có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu và có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận