Chấm dứt độc quyền nhà nước có giúp ngành dầu mỏ Venezuela hồi sinh?
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đứng trước cơ hội hồi sinh sau khi Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro cho biết sẽ cải cách luật về dầu mỏ để cho phép ‘các mô hình kinh doanh mới’, báo hiệu Venezuela có thể chấm dứt tình trạng độc quyền dầu mỏ.
Hiện Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) độc quyền khai thác dầu và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp của nước này suy sụp do PDVSA đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong bài phát biểu gần đây trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cho biết: “Tôi muốn nói với các nhà đầu tư từ Mỹ và trên toàn thế giới rằng cánh cửa của Venezuela đang mở ra cho đầu tư dầu mỏ”
Kể từ năm 2019, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây suy yếu nghiêm trọng lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, vốn trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này nhờ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, lên đến 300 tỉ thùng. Ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela đang cần nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ để có thể khai thác hết tiềm năng.
Tổng thống Maduro dự kiến sẽ thông qua luật chấm dứt sự độc quyền của PDVSA đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Luật này sẽ tác động đáng kể đến đầu tư nước ngoài, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ ngăn cản hợp tác trực tiếp của các công ty Mỹ và nước ngoài với PDVSA và chính phủ của ông Maduro, chứ không phải các công ty khác.
Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Maduro nói rằng Quốc hội Venezuela sẽ cân nhắc cải cách luật về dầu mỏ để cho phép ‘các mô hình kinh doanh mới’.
Ông Maduro không nói rõ luật sẽ thay đổi cụ thể như thế nào nhưng các quan chức Venezuela đang đề xuất cho phép các công ty tư nhân đóng một vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp dầu mỏ, tức sẽ rời bỏ mô hình độc quyền của nhà nước đối với lĩnh vực dầu mỏ.
Theo luật dầu mỏ hiện nay của Venezuela, PDVSA phải nắm cổ phần đa số ở các liên doanh với các công ty nước ngoài và công ty tư nhân đồng thời độc quyền về tiếp thị dầu thô.
Sản lượng dầu thô của Venezuela lao dốc trong những năm gần đây do thiếu vốn đầu tư, quản lý yếu kém và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm lật đổ chính quyền của ông Maduro.
Các công ty dầu khí tư nhân ở Venezuela sẽ được hưởng lợi lớn nếu luật dầu mỏ được cải cách, giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty dầu khí quốc tế nhỏ có thể sớm nhảy vào Venezuela để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức không thuộc PDVSA nhằm khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của nước này.
Họ có thể tuyên bố rằng họ đang hợp tác với các công ty độc lập với PDVSA và chế độ của ông Maduro và do đó, không lo sợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong khi các tập đoàn dầu khí lớn của nước ngoài có thể sẽ đợi cho đến khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ hoàn toàn, các tay chơi nhỏ hơn đang tham gia các cuộc đàm phán ở Venezuela để đảm bảo rằng họ có thể sẵn sàng nắm bắt cơ hội trước khi giới đầu tư đổ xô đến Venezuela.
Tại một cuộc họp gần đây ở khách sạn Cayena ở thủ đô Caracas, Venezuela, các nhà vận động hành lang dầu mỏ và đại diện của các công ty dầu khí trò chuyện rôm rả bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Họ đến đây để thảo luận về các điều khoản của luật dầu mỏ mới mà Venezuela dự định thông qua.
Trong khi các chính phủ trên toàn thế giới đang thúc đẩy các chính sách xanh hơn và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang hạn chế sản lượng dầu của các quốc gia thành viên, thì Venezuela không có lĩnh vực nào để thúc đẩy kinh tế ngoài ngành công nghiệp dầu mỏ.
“Venezuela cần phải khởi động nền kinh tế và điều này sẽ không đến từ du lịch hay bất kỳ lĩnh vực nào khác ngoại trừ lĩnh vực dầu mỏ”, Ali Moshiri, một cựu lãnh đạo của Tập đoàn Chevron (Mỹ), nói.
Một số tập đoàn dầu mỏ lớn, chẳng hạn như Chevron, vẫn bám trụ tại Venezuela với hy vọng Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Chevron hiện đang hợp tác thăm dò và khai thác dầu mỏ với PDVSA thông qua liên doanh PetroPiar.
Moshiri dự báo nền kinh tế Venezuela sẽ bắt đầu phục hồi nếu như ngành công nghiệp dầu mỏ nước này được đầu tư từ 5-8 tỉ đô la, giúp công suất khai thác ỏ tăng lên mức 1,5 triệu thùng/ngày. Ông tin rằng một mức đầu tư từ 25 - 28 tỉ đô la vào ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela vào năm 2028 sẽ giúp sản lượng khai thác tăng lên mức 2,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các dự đoán thận trọng hơn cho rằng Venezuela sẽ cần khoản đầu tư khoảng 100 tỉ đô la để để đạt mục tiêu sản lượng dầu này.
Trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela sẽ cần đầu tư nước ngoài đáng kể nếu muốn phục hồi mức sản lượng dầu về mức trước khi chịu đòn trừng phạt của Mỹ, các cuộc đàm phán gần đây giữa các công ty dầu mỏ quốc tế và ngành công nghiệp quốc gia của Venezuela, cũng như lời hứa của ông Maduro về việc tư nhân hóa lớn hơn trong ngành dầu mỏ cho thấy triển vọng kinh tế của Venezuela hứa hẹn hơn sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận