24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Thị Trương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

CEO VinaCapital: 'Việt Nam thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn để trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng sau dịch COVID-19'

Một trong những yếu tố khác để cung cố niềm tin rằng nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng, chính là việc kiểm soát dịch bệnh thành công.

CEO VinaCapital Don Lam nhận định rằng Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trên thế giới được đánh giá là sẽ có nhiều khả năng sớm phục hồi nền kinh tế hơn sau đại dịch COVID-19, qua đó trở thành một điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế của Việt Nam đã được tái khởi động và đang dần hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Mọi việc đang đi theo hướng tích cực, nhưng không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong 6 tháng tới.

CEO VinaCapital Don Lam cho biết: "Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Một trong những lợi thế đó là việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi đây là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai".

Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tăng đáng kể so với các nước trong khu vực. Năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Phần lớn nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất nhờ một số yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thấp – chỉ bẳng khoảng 1/3 so với chi phí lao động tại Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã cho thấy những yếu kém của rất nhiều chuỗi cung ứng và WTO cũng dự đoán rằng dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm 30% sau đại dịch.

Mặc dù vậy, ông Don Lam lại tự tin khẳng định rằng: "Chúng tôi tin nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ xu hướng này mà thậm chí sẽ còn tăng lên".

Từ nhiều năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn giảm chi phí và vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chi phí lao động ngày một tăng cao cộng thêm những bất ổn về mặt kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Do áp lực về tỷ suất lợi nhuận cũng như giảm thiểu chi phí, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho việc đặt các cơ sở sản xuất trong tương lai. Các công ty đa quốc gia đang không những chịu áp lực về mặt chi phí và còn bị áp lực vì sự phụ thuộc vào Trung Quốc như lựa chọn duy nhất cho các cơ sở sản xuất của họ.

"Những áp lực này chính là cơ hội của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI. Trên hết, Việt Nam luôn có lợi thế về mặt lao động đối với các nhà đầu tư như chấp lượng lao động cao trong khi chi phí thấp, vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và phần còn lại của châu Á", CEO VinaCapital cho biết.

Những quyết sách kịp thời và kiên quyết của chính phủ trong cuộc chiến chống dịch đã tạo tiếng vang khắp thế giới và thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia sức khỏe và giới báo chí toàn cầu.

Ông Don Lam cũng nói thêm rằng, vị thế của Việt Nam đã và đang trở nên thu hút hơn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Tạp chí Economist thậm chí còn cho biết doanh nghiệp nước ngoài sẽ lưu ý tới cách thức mà các quốc gia kiểm soát dịch bệnh như một yếu tố trong việc cân nhắc vị trí nhà máy sản xuất của họ trong tương lai.

Trên thế giới, các công ty nước ngoài, các nhà quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu đang sử dụng bộ tiêu chí EPIC (Global Supply Chain Readliness Index) để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của các khu vực/quốc gia khác nhau trên thế giới thông qua việc đánh giá các yếu tố riêng lẻ liên quan tới kinh tế, chính trị, cơ sở hạ tầng và năng lực.

Bộ tiêu chí này gần đây đã đánh giá Việt Nam cao hơn so với Indonesia, Phillipines và Thái Lan nhưng thấp hơn Malaysia. Việc đánh giá này không chú trọng vào mức lương thấp mà nhấn mạnh vào tầm quan trọng của quy mô và sức hấp dẫn của thị trường trong nước – theo đó Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với tổng dân số gần 100 triệu người và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.

Điều này đã khiến Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút với nhiều doanh nghiệp quốc tế, ngay cả trước thời điểm đại dịch COVID-19.

Một ví dụ điển hình cho làn sóng đầu tư mới cho Việt Nam chính là Apple. Apple và một số nhà cung ứng đối tác như GoerTek và Foxconn đã có nhiều động thái trong vấn đề sản xuất nhiều hàng hóa hơn từ Việt Nam. Một số thông tin mới đây cho hay tai nghe Studio, một sản phẩm của Apple, sẽ được sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.

Ngoài ra, Apple cũng bắt đầu tìm kiếm nhân sự cho một số vị trí tại Việt Nam. Những động thái này cho thấy công ty đang bắt đầu khuyến khích các đối tác cung cấp linh kiện của mình phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Hiện tại, Apple không phải là công ty duy nhất đang mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, Samsung cũng đã dịch chuyển phần nhiều hàng sản xuất của mình sang Việt Nam. Trong khi đó, Panasonic cũng thông báo chuyển việc sản xuất một số đồ gia dụng từ Thái Lan qua Việt Nam.

"Rõ ràng là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn tham gia vào làn sóng chuyển đổi này để có thể khai thác được tiềm năng của Việt Nam", CEO VinaCapital nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả