CEO The PAN Group: Bối cảnh toàn cầu đem vô vàn cơ hội cho nông sản Việt Nam
Tập đoàn PAN vừa tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư với chủ đề Tiềm năng và Cơ hội.
Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư với chủ đề Tiềm năng và Cơ hội tại Hà Nội và TP HCM trong 2 ngày 7 và 9/9. Đây là sự kiện quy tụ lãnh đạo cấp cao của các đơn vị thành viên tập đoàn như ABT, Bibica, Lafooco, Nha Trang 584, Sao Ta, VFG, Vinaseed... vốn là những doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm. Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh mà giữa những rủi ro về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam lại nổi lên như một ví dụ tích cực về đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong nước, đồng thời góp vai trò ngày một lớn hơn trên thị trường thế giới.
"Nhu cầu lương thực, thực phẩm toàn cầu đang rất lớn và cơ hội cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thực phẩm như Tập đoàn PAN là vô hạn", bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn khẳng định.
Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ này, hai vấn đề được nhà đầu tư quan tâm tại sự kiện là việc các doanh nghiệp đã và đang ứng phó ra sao trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và tác động của khủng hoảng lương thực tới hoạt động kinh doanh, xuất khẩu ngành nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam.
Thích ứng với biến đổi khí hậu bằng “sống thuận thiên”
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HoSE: NSC) đồng tình với quan điểm thận trọng nhưng cũng cho rằng không nên quá lo lắng về tác động nếu doanh nghiệp làm ăn bài bản. “Vinaseed đã tìm cách “sống thuận thiên” thông qua nghiên cứu thêm nhiều giống cây chịu úng, chịu hạn, đặc biệt là chịu mặn tốt hoặc chuyển vùng sản xuất ra nước ngoài để gia công…”, bà Liên nêu ví dụ.
Tương tự ở một doanh nghiệp khác là CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), trong khi toàn ngành nuôi tôm đang phải đối phó với vấn đề dịch bệnh, thì với quy trình, kỹ thuật nuôi riêng, lựa chọn con giống tốt, đặc biệt là tự sản xuất và thả vi sinh (loài lợi khuẩn) xuống đáy ao để ức chế sinh vật gây hại..., các trại nuôi của Sao Ta đã giữ được tỷ lệ thiệt hại cực thấp, sản lượng thu hoạch tôm cao.
Đại diện công ty là ông Nguyễn Văn Khải cho biết thay vì dùng kháng sinh để nuôi tôm, Sao Ta chọn phương án “sống chung” với thiên nhiên để linh hoạt với biến đổi khí hậu. Vị lãnh đạo đánh giá nuôi tôm rất rủi ro, nhưng chính cách làm này đã giúp Sao Ta tự tin mở rộng vùng nuôi. "Vùng nuôi tôm công nghiệp của Sao Ta hiện nay đã lên tới hơn 500 ha nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được 30% tổng công suất của nhà máy chế biến", ông Khải nói thêm.
Dư địa rộng lớn cho xuất khẩu lương thực Việt Nam
Trước những rủi ro từ bên ngoài, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết tập đoàn đã dự báo trước về tình hình lạm phát sẽ diễn ra căng thẳng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do đó, các công ty thành viên đều đã chủ động mở rộng thị trường, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống.
“Hơn 10 năm nay, Tập đoàn PAN vẫn theo đuổi sứ mệnh nuôi dưỡng thế giới, đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm an toàn và dinh dưỡng, tạo lập giá trị cho người nông dân, gia đình và xã hội”, bà My nói.
Sự kiện tại TP HCM cũng thu hút đông đảo sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Ảnh: PAN |
Để phát triển bền vững, Tập đoàn PAN và các công ty thành viên xác định phải chọn hướng đi riêng, phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng, đi đến các thị trường xuất khẩu “khó tính” nhưng giá cao. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hài hòa lợi ích giữa người nông dân, doanh nghiệp và khách hàng. Đây sẽ tiếp tục là phương châm của PAN trong chiến lược phát triển bền vững, chứ không chỉ là giải pháp để vượt qua khủng hoảng kinh tế hay lương thực.
Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Vinaseed - khẳng định, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam đang nhìn thấy vô số cơ hội từ bối cảnh toàn cầu. Chẳng hạn đơn hàng gạo của Vinaseed sang thị trường châu Âu tăng mạnh do sản lượng lúa mỳ của thế giới sụt giảm nghiêm trọng sau xung đột Nga - Ukraine. Hơn nữa, hạn hán ở Ấn Độ - thị trường cung cấp gạo hàng đầu thế giới cũng làm giảm sản lượng gạo của nước này.
Ấn Độ và Thái Lan là hai thị trường cung cấp gạo lớn nhất thế giới cũng chỉ có 1 vụ thu hoạch lúa mỗi năm. Trong khi đó, nhờ khí hậu và giống lúa đặc biệt nên Việt Nam có 3 vụ thu hoạch lúa mỗi năm, từ đó các doanh nghiệp gạo Việt Nam luôn tự tin về sản lượng gạo mới.
Hiện vụ Hè Thu đã kết thúc và chuẩn bị cho hai vụ chính nhất là thu đông và đông xuân. Do đó, năm nay, sản lượng thu hoạch lúa của cả nước dự báo đạt khoảng 20 triệu tấn lúa. Trong khi đó dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Mỹ, Canada, Australia, EU, ASEAN, châu Phi rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo, thực phẩm Việt Nam.
Về phía tập đoàn, bà Nguyễn Thị Trà My nhận định sau 10 năm, PAN đã thành công trong việc vươn mình trở thành một tập đoàn nông nghiệp, thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Nữ lãnh đạo đánh giá PAN đã hoàn thành quá trình xây dựng nền tảng (platform), tạo hệ sinh thái và bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh (booming).
"Chúng tôi sẽ quyết tâm làm tốt hơn nữa trong giai đoạn tới và tin rằng với hệ sinh thái hiện có Tập đoàn PAN là một trong số rất rất ít doanh nghiệp hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ để thực hiện mơ ước Nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt", vị CEO khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận