CEO Seedcom Nguyễn Hoành Tiến: Sợ thay đổi, nên đón đầu thay đổi
Tầng 64 toà tháp Bitexco (quận 1, TP. HCM) là nơi CEO Nguyễn Hoành Tiến đứng ngắm trung tâm Sài Gòn từ trên cao mỗi ngày. Đứng ở nơi đây, Tiến đã từng nghĩ: “Thay vì ôm phao gần bờ đợi sóng lớn dập, mình sẽ ra trước đón sóng đi vào bờ” và đó là lý do anh quyết định thử sức với vai trò mới tại Seedcom.
ĐẾN ĐỂ HỌC... NẾU KHÔNG SẼ CHẾT!
Chắc hẳn, Seedcom có điều thu hút anh lắm?
Tôi thấy rằng, AI (trí tuệ nhân tạo) là một làn sóng lớn, nó có thể thay đổi mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Tiềm năng của AI ở mọi nơi, nhưng tôi muốn tận dụng nó vào một ngành truyền thống như bán lẻ. Tôi nghĩ, đó là niềm vui và tạo cho mình một sức ép rất lớn để phải học, vì không học thì mình sẽ chết và Seedcom chính là chỗ như vậy để tôi thử sức.
Tôi có một câu nói đùa là “độ tuổi trung bình của con người đang tăng lên hơn 90, thì 50 tuổi mới hết tuổi thanh niên”. Vậy thì 10 năm tiếp theo tôi phải làm cái gì đấy để thúc đẩy phát triển và theo kịp thời đại. Seedcom là nơi tôi có cơ hội để học và trải nghiệm nhiều nhất.
Một điểm khác, đó là đội ngũ của Seedcom. Tôi nhận thấy, họ là những người chung hướng với mong muốn làm việc đóng góp nhiều hơn cho xã hội, chứ không đơn thuần là đi làm để “kiếm tiền phục vụ bản thân”. Điều đó rất có sức hút với tôi, bởi từ lâu, tôi đã mong muốn làm việc với những người bạn chung chí hướng, tạo ra dịch vụ phục vụ cho người Việt Nam.
Ở Seedcom có những bạn làm ở lĩnh vực truyền thống, nhưng quan tâm đến ứng dụng công nghệ; có những người làm mảng bán lẻ, hằng ngày tiết kiệm từng đồng, nhưng lúc nào cũng nghĩ sẽ làm gì để mang lại thu nhập tốt hơn cho nhân viên. Rồi như câu chuyện The Coffee House quan tâm đến môi trường và cộng đồng ngay từ đầu bằng việc sử dụng ly sứ để giảm thiểu rác thải, nhưng cũng khiến việc vận hành khổ hơn rất nhiều. Vậy nhưng, họ vẫn làm vì mục tiêu trên hết là vì cộng đồng.
Và còn nữa, Seedcom thu hút tôi bởi Chủ tịch Đinh Anh Huân - người lãnh đạo mạnh về ý tưởng và xây dựng doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiếm có người như thế.
Chủ tịch Đinh Anh Huân giao vị trí người dẫn dắt Seedcom cho anh là bởi điều gì?
Ngoài tài lãnh đạo mạnh về ý tưởng và xây dựng, anh Huân còn là người có khả năng nhìn thấu khả năng của người khác. Có lẽ, anh ấy nhận thấy tôi có thể giải quyết được vấn đề hiện tại của Seedcom. Đó là giai đoạn tăng trưởng nhanh và các vấn đề kéo theo đó.
Seedcom có một tầm nhìn sử dụng công nghệ tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp và tôi có thể đáp ứng được điều này.
Anh nói, Seedcom mong muốn mang đến trải nghiệm cho người dùng bằng sự kết hợp online và offline, cụ thể như thế nào?
Người tiêu dùng hiện nay đã quen với mua sắm online, nhưng họ vẫn đến cửa hàng để trải nghiệm các dịch vụ, họ sờ và cảm nhận sản phẩm, sau đó mới mua online.
Hiểu được tâm lý đó của người tiêu dùng, chúng tôi làm marketing online để đưa khách hàng đến với cửa hàng. Ở cửa hàng, chúng tôi cung cấp các dịch vụ để họ tin tưởng, thấy thích và sau đó có thể đặt hàng online. Do vậy, mô hình của chúng tôi sẽ là đi từ online - offline - online.
Trong giai đoạn đầu, Seedcom sẽ phát triển song song hai hình thức, nhưng đến một quãng nhất định sẽ phải hòa vào nhau. Ví dụ, một khách hàng đến quán cà phê sẽ mở điện thoại ra để gọi nước đến bàn của mình. Công cụ online cần giúp khách hàng có được trải nghiệm offline tốt nhất có thể, còn offline giúp tạo ra lòng tin và trải nghiệm cho khách hàng để họ tiếp tục sử dụng online. Do vậy, đến một đoạn nào đó, chúng sẽ đan xen nhau.
Cụ thể, Seedcom sẽ vận dụng công nghệ để mang đến trải nghiệm một người bán hàng quen, có thể hiểu được nhu cầu của từng người. Nhiều khi mình nghĩ rằng, công nghệ là một thứ gì đó vô hồn, nhưng không phải thế. Thực tế, công nghệ giúp người quản lý đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ VÀO "ĂN - MẶC"
Sau hơn 1 năm đảm nhận vai trò “thuyền trưởng”, anh đạt được những gì trong mục tiêu ngắn hạn và dài hạn?
Khi bước chân vào Seedcom, tôi chưa có một mục tiêu cụ thể, nhưng tôi có hướng phát triển là kết hợp giữa AI và bán lẻ. Trong 1 năm qua, chúng tôi đã làm được một số việc khá quan trọng, tạo nền tảng cho các bước sau này.
Đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra một định hướng rõ ràng về trải nghiệm người dùng dựa trên công nghệ và chứng minh được hướng đó là đúng bằng những kết quả rõ ràng, phù hợp với Seedcom; kết quả đó có cơ sở để triển khai ở một quy mô lớn hơn.
Cùng với đó, Seedcom đã xây dựng được đội ngũ đủ năng lực triển khai chiến lược ở quy mô đủ lớn.
Nhiều người nghĩ, Seedcom là quỹ đầu tư khi rót tiền vào nhiều start-up như Juno, The Coffee House. Nhưng ông Đinh Anh Huân từng tuyên bố, Seedcom không phải quỹ đầu tư, vậy Seedcom là gì? Seedcom chọn đầu tư vào giai đoạn nào của start-up?
Seedcom không phải là quỹ đầu tư, mà là nhóm công ty theo mô hình New Retail. New Retail là giai đoạn thứ 3 của kinh doanh O2O (offline to online).
Hiện ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp offline và đang đi lên online. Các công ty trong Seedcom là O2O, nghĩa là, mô hình ban đầu theo hướng marketing online, hướng khách hàng tới cửa hàng offline và họ sẽ mua hàng tại cửa hàng. Sau đó, nếu thích, khách hàng sẽ quay trở lại mua trực tuyến qua app, website.
Hầu hết các công ty mà Seedcom tham gia đều là những công ty mà chúng tôi đã đi cùng ngay từ đầu.
Gần đây nhất, Seedcom đã đầu tư vào Eva de Eva - một thương hiệu lớn trong lĩnh vực thời trang. Lý do nào khiến Seedcom tiếp tục đầu tư về lĩnh vực này khi đã có Juno và Hnoss?
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có nhu cầu lớn về thời trang và cũng là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu lớn về hàng may mặc, giày dép. Đó là lợi thế sẵn có, song “điểm yếu” của chúng ta là khả năng thiết kế và xây dựng thương hiệu, nên hàng hoá Việt Nam vẫn chưa phục vụ chính người Việt Nam, mà phải đi vòng ra bên ngoài rồi lại về tiêu thụ trong nước với giá cao. Chúng tôi tiếp tục phát triển mảng thời trang để cung cấp trải nghiệm tuyệt vời và truyền cảm hứng mặc đẹp cho khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ cùng chuỗi cung ứng liên tục được cải tiến.
Ngoài “ăn, mặc” Seedcom còn hướng đến lĩnh vực khác không?
Tôi nghĩ “ăn, mặc” rất rộng, nó chiếm hơn 60% tiêu dùng của người Việt, Seedcom mà làm tốt hai lĩnh vực đó thì đã tác động lớn tới các doanh nghiệp hiện tại. Ví như mảng cà phê, sau 5 năm, The Coffee House đã đứng thứ hai trên thị trường, là một trong những chuỗi cà phê có tốc độ tăng trưởng cửa hàng và doanh thu cao nhất hiện nay tại Việt Nam; có doanh thu xếp thứ 2 năm 2019.
Do vậy, làm tốt và mở rộng được ở hai mảng này, thì Seedcom đã có quá nhiều việc phải làm. Vậy nên, hiện tại tôi chưa nghĩ đến lĩnh vực khác, mà muốn tập trung mở rộng các doanh nghiệp hiện có, giúp doanh nghiệp trong hệ sinh thái có năng lực phục vụ khách hàng tốt hơn.
Hệ sinh thái của Seedcom đã phát triển mạnh trong nước, liệu mình có đi ra nước ngoài?
Hiện tại, thị trường Việt Nam rất tốt, nhưng tham vọng chắc chắn sẽ không giới hạn. Trước mắt, tôi sẽ tìm con đường để vừa có thể tận dụng được cơ hội hiện tại, vừa nghĩ cơ hội phát triển ra thế giới.
Lấy ví dụ cà phê cho dễ hiểu. Cà phê Việt Nam muốn xác lập một thương hiệu chất lượng cao là điều hoàn toàn có thể. Nhưng hiện tại, ngành cà phê thế giới chỉ nhìn cà phê Việt Nam như một nơi xuất khẩu cà phê chất lượng thấp. Do vậy, để xây dựng được thương hiệu xuất khẩu, cần có một quá trình mà quá trình đó phải bắt đầu từ nhu cầu trong nước, sau đến nguồn nguyên vật liệu tốt và quy trình sản xuất nghiêm ngặt để cho ra sản phẩm cà phê chất lượng tốt, lúc đó, sẽ có giá trị tốt hơn mang ra nước ngoài.
Là người có kinh nghiệm lâu năm ở nhiều lĩnh vực, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp?
Tôi nghĩ, kinh nghiệm cũng cần phải cập nhật thường xuyên. Đối với những bạn trẻ thông minh, cái bẫy mà tôi thường nhìn thấy nhất chính là nghĩ ra rất nhiều lý do tại sao mình không làm được việc hơn là đi làm việc đó.
Còn cái bẫy của những người thành công là quá coi trọng những thành công trong quá khứ của mình và nghĩ mình già quá sớm, cho nên không dám thử và không học được nữa.
Thời gian rảnh anh thường làm gì? Anh có sở thích đặc biệt không?
Tôi thích sách, thiên văn học, thể thao, leo núi, chạy… những thứ cho tôi trải nghiệm khác xa với công việc hàng ngày. Tôi sợ lỗi thời, nhưng bởi sợ, nên tôi thấy mình cần phải chuẩn bị để đương đầu với những thay đổi trong tương lai.
Tôi nghĩ rằng, mọi thứ luôn luôn thay đổi, nên mình cần phải thích ứng linh hoạt với nó. Để thích ứng, nhiều khi phải bỏ đi những thứ đã giúp mình thành công để học lại từ đầu. Đó có lẽ là tư tưởng cơ bản trong cách mà tôi làm, nhưng tôi luôn sống với 3 mục tiêu là: để học, để xây dựng, để chia sẻ - những mục tiêu đó là bất biến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận