CEO Lazada Việt Nam: Chúng tôi không bị chi phối bởi những mục tiêu tài chính ngắn hạn
Lazada đặt tầm nhìn dài hạn cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Hiện nay, Đông Nam Á là một trong những thị trường có quy mô thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Bên cạnh không khí sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp mới, thị trường thương mại điện tử đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang ứng dụng di động, minh chứng là việc các nền tảng tập trung đẩy mạnh đầu tư vào trải nghiệm trên ứng dụng.
Đón đầu xu hướng này, Lazada đã tập trung phát triển ứng dụng di động nhờ vào những sáng kiến công nghệ tiên tiến từ Alibaba. Là nền tảng thương mại điện tử tiên phong ở Đông Nam Á và Việt Nam, Lazada đang đề ra những chiến lược mới đặt khách hàng là trọng tâm, hướng đến các mục tiêu mang tính dài hạn.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển trong tương lai của sàn thương mại điện tử này, Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc phỏng vấn với ông James Dong, CEO của Lazada Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Ông nhận xét thế nào về các đối thủ và đâu là chiến lược khác biệt của Lazada?
Công nghệ đang thay đổi thói quen sống và hành vi mua hàng của người tiêu dùng một cách nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Lazada, người dùng ứng dụng di động tương tác cao hơn 7 lần so với người dùng trên website. Trong Siêu Sale 9.9 vừa qua, có gần 90% số lượng đơn hàng được đặt qua ứng dụng di động của Lazada.
Do đó, chúng tôi đang tập trung đầu tư vào trải nghiệm mua sắm di động như tìm kiếm bằng hình ảnh, phát triển shoppertainment - hình thức mua sắm kết hợp giải trí, qua các chương trình livestream trực tiếp trên ứng dụng di động và trò chơi LazGame.
Tại Lazada, chúng tôi không hướng đến những mục tiêu ngắn hạn mà tập trung xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững để đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế số tại Việt Nam, thông qua việc đầu tư lớn vào logistics, công nghệ và con người.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về giá trị cốt lõi này của Lazada? Làm thế nào để truyền tải và thuyết phục các cổ đông về tính hiệu quả của mô hình này?
Thông thường các công ty sẽ đặt lợi ích của cổ đông lên trên hết. Nhưng với Lazada, trong mọi cuộc họp, mọi quyết định, chúng tôi đều đặt câu hỏi cái gì là tốt nhất cho khách hàng, có mang lại lợi ích gì cho người bán và người mua không, rồi mới triển khai. 1 trong 6 giá trị cốt lõi của Lazada là đặt khách hàng lên hàng đầu, kế đến là nhân viên, sau cùng mới là cổ đông.
Cũng cần phải chia sẻ thêm là khách hàng của chúng tôi không chỉ là những người mua sắm trên sàn Lazada, mà còn bao gồm những nhà bán hàng, các thương hiệu, đối tác logistics... Vì thế, Lazada luôn đặt mình vào vị trí của từng đối tượng và mong muốn mang đến sự hài lòng tốt nhất cho họ.
Làm sao để Lazada thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng chiến lược “khách hàng là ưu tiên hàng đầu” không chỉ là một khái niệm lý thuyết?
“Niềm tin” là yếu tố cực kỳ quan trọng để thuyết phục người tiêu dùng Việt. Cách đây hơn một năm, Lazada đã ra mắt LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Đông Nam Á. Thông qua LazMall, người mua sắm sẽ được đảm bảo mua hàng chính hãng 100%, đồng thời được hưởng lợi từ chính sách đổi trả dễ dàng và dịch vụ giao hàng nhanh. Từ đó, chúng tôi dần hình thành trải nghiệm mua sắm trực tuyến tin cậy cho người dùng.
Chỉ sau 1 năm ra mắt, LazMall đã thu hút được trên 7.000 thương hiệu đăng ký, tăng gần 3 lần. Một số thương hiệu đã có doanh số tăng tới 80 lần trong ngày hội Siêu Thương hiệu với lượng khách hàng tăng gần gấp đôi. Khách hàng cũng đã chi nhiều hơn 6 lần với hàng điện tử và 3 lần với mặt hàng thời trang so với trải nghiệm mua sắm thông thường. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của chúng tôi để mang đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Ngoài trải nghiệm trực tuyến, Lazada cũng tập trung vào trải nghiệm trực tiếp, đặc biệt là logistics. Để giúp người mua nhận hàng thuận tiện, chủ động hơn, Lazada đã ra mắt thêm dịch vụ “Điểm lấy hàng” lần đầu tiên ở Việt Nam (TP.HCM và Hà Nội). Cụ thể, người mua có thể chọn lấy hàng tại một trong hơn 300 địa điểm (collection point) thuộc hệ thống đối tác mở 24/7 như Circle K, quán trà sữa, cửa hàng quần áo, nhà thuốc của hệ thống PostCo...
Đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi cũng đã hợp tác cùng iLogic Việt Nam triển khai hệ thống điểm lấy hàng tự động qua “tủ khóa thông minh” (smart locker), tại TP.HCM và Hà Nội.
Nhân dịp Lễ hội mua sắm 11.11, Lazada sẽ mang tới bất ngờ gì cho người dùng?
Lễ hội mua sắm 11.11 đầu tiên được Alibaba triển khai vào năm 2009. Tại Việt Nam và Đông Nam Á nói chung, Lazada cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của lễ hội mua sắm này.
Vào năm 2018, tính chung trong 2 lễ hội 11.11 và 12.12, Lazada Việt Nam thu hút hơn 90 triệu lượt truy cập. Số lượng nhà bán hàng của Lazada tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng sản phẩm và tổng số đơn hàng tăng lần lượt 2,2 lần và 1,6 lần so với năm 2017.
11.11 năm nay, chúng tôi có rất nhiều hoạt động như trò chơi mới trong LazGame cho phép người dùng xây dựng thành phố ảo với những thương hiệu từ LazMall để nhận xu và đổi mã giảm giá đặc biệt. Ngoài ra, chúng tôi vừa tổ chức gameshow Guess It - Đoán giá với nhiều giải thưởng và hình thức chơi hơn so với lần trước.
Song song đó là đại nhạc hội sẽ diễn ra vào tối 10.11 với sự tham gia của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam... Tôi tin rằng các hoạt động của Lazada chắc chắn sẽ thỏa mãn được nhu cầu mua sắm, giải trí của người tiêu dùng trong dịp lễ cuối năm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận