menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

CEO ACB: 'Gần 100% vụ mất tiền khách đều cài ứng dụng giả mạo'

Tại Việt Nam vẫn còn nói nhiều về OTP, trong khi các nước phát triển như Singapore và Malaysia đã chuyển sang hình thức thanh toán bảo mật khác dựa trên công nghệ này để giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần.

Ông Từ Tiến Phát cho biết trong các vụ khách hàng báo "không làm gì nhưng bị mất tiền", khi ngân hàng kiểm tra, gần như 100% đều cài ứng dụng giả mạo dẫn đến mất tiền.

Chiều 14/6, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024".

Xác thực sinh trắc học chỉ mất 30 giây

Trong phiên thảo luận chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân", ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết nhân viên ngân hàng sợ nhất là các cuộc gọi vào giữa đêm hoặc sáng sớm, vì đa số những cuộc gọi khẩn cấp đều liên quan đến mất tiền trong tài khoản.

Theo ông, những khách hàng này đều nói rằng "không làm gì nhưng bị mất tiền". Tuy nhiên, đến khi ngân hàng kiểm tra điện thoại của khách, gần như 100% đều cài ứng dụng giả mạo cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác, dẫn đến việc mất tiền.

Do vậy, ông cho rằng Quyết định 2345 mới đây của NHNN là giải pháp rất triệt để, giúp hệ thống bảo mật được nâng cao. "Hy vọng đến tháng 7 mọi thứ sẽ tốt hơn", ông nói.

Thực tế, Quyết định 2345 của NHNN quy định kể từ ngày 1/7, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học (khuôn mặt và vân tay).

Trong trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng sinh trắc học dù chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Là đơn vị đã vận hành xác thực sinh trắc học, ông Phát cho biết sau 3 ngày triển khai, đã có 30.000 khách hàng ACB xác thực.

"Tôi là khách hàng đầu tiên. Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này không đảm bảo và không mượt mà. Nhưng thực tế, tôi chỉ mất chưa đến 30 giây đã xác thực được", ông chia sẻ.

Lãnh đạo ACB cho biết khách hàng có thể dễ hàng đăng ký sinh trắc học ngay trên ứng dụng điện thoại. Đối với khách hàng lớn tuổi, không rành về công nghệ, có thể ra chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ với quy trình đơn giản.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm an toàn thông tin của Viettel, cho biết quy định mới về sinh trắc học cũng giúp ví điện tử ngăn chặn các tài khoản nhận tiền lừa đảo khi tội phạm muốn chuyển tiền với số lượng lớn.

Giải pháp chấm điểm tín dụng thay vì mã OTP

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhìn nhận 2 hình thức gian lận phát triển trong thời gian gần đây là tấn công phi kỹ thuật thông qua việc thao túng hành vi con người và rò rỉ đánh cắp thông tin thẻ.

Với Visa, đơn vị này đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các giải pháp dựa trên AI để ngăn chặn gian lận và nâng cao nhận thức về bảo mật. Đồng thời, áp dụng công nghệ mã Token để mã hóa giao dịch, giúp xóa bỏ các thông tin riêng tư của chủ thẻ khỏi luồng thanh toán, tăng cường bảo mật.

Ngoài ra, Visa còn đang làm việc với các ngân hàng và đối tác để triển khai giải pháp chấm điểm tín dụng thay vì mã OTP để cảnh báo gian lận và xác thực thông tin chủ thẻ giúp bảo an toàn cho các giao dịch.

"Tại Việt Nam vẫn còn nói nhiều về OTP, trong khi các nước phát triển như Singapore và Malaysia đã chuyển sang hình thức thanh toán bảo mật khác dựa trên công nghệ này để giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần", bà nói.

CEO ACB: 'Gần 100% vụ mất tiền khách đều cài ứng dụng giả mạo'

Các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng, fintech chia sẻ về giải pháp nâng cao bảo mật trong giao dịch điện tử.

Để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không tiền mặt, trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN), cho biết ngành ngân hàng sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai các giải pháp công nghệ mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn.

Theo ông Tuấn, ngành ngân hàng cũng sẽ tăng cường hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả