24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thục Quyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Câu chuyện khởi nghiệp từ trang trại nuôi heo của tỷ phú Masayoshi Son

Vóc dáng nhỏ bé của Masayoshi Son đối nghịch với quyền lực. Người đàn ông này là một trong những ông trùm đầu tư của giới công nghệ, chắp cánh cho những startup tỷ USD.

Tỷ phú Masayoshi Son sinh năm 1957 thuộc thế hệ thứ hai của những người Hàn Quốc bị buộc phải di cư đến Nhật Bản vào năm 1945 dưới thời quân phiệt. Cha mẹ ông lấy tên họ Nhật Bản để che dấu nguồn gốc Hàn Quốc và tránh bị phân biệt chủng tộc, Son lớn lên trong sự kỳ thị của bạn bè, điều đó đã thôi thúc khát khao muốn chứng tỏ bản thân của ông.

Masayoshi Son chia sẻ, "hồi còn nhỏ, tôi ngồi trong một chiếc xe kéo. Nó hôi thối đến mức tôi buồn nôn. Chúng tôi đi thu lượm thức ăn thừa từ hàng xóm để cho lợn và gia cầm ăn. Mùi của nó rất kinh" ông nói như thể mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. "Cho dù mùi của nó kinh khủng đến mấy, chúng tôi, bản thân tôi cũng vẫn làm việc thật sự chăm chỉ. Bà tôi là người kéo xe, để tôi ngồi bên trong. Giờ thì bà đã mất rồi".

Năm 1972, Son được gặp nhà sáng lập McDonald's Nhật Bản Den Fujita – một trong những người ông coi là thần tượng. Chính Den Fujita là người khuyến khích Son đi du học Mỹ. Nghe theo lời khuyên này, một năm sau đó, Son tới San Francisco (Mỹ) để tiếp tục chương trình trung học. Để không phung phí thời gian, sau khi nhập trường cấp ba mới, ông đã lên gặp hiệu trưởng, khẳng định đã biết hết mọi kiến thức trong sách giáo khoa và yêu cầu được làm bài thi tốt nghiệp cấp ba luôn. Sau khi bị làm phiền nhiều lần bởi cậu học sinh trẻ tuổi, ban quản lý trường học đã nhún nhường và cho phép ông làm bài thi. Khi nhà trường bắt ông phải thi bằng tiếng Anh ông đã lí luận rằng sẽ không công bằng nếu ông phải làm thi bằng tiếng Anh. Cuối cùng, cậu được phép sử dụng một cuốn từ điển Anh – Nhật lúc làm thi, và tốt nghiệp cấp ba chỉ sau 2 tuần nhập học. Nhưng đây chỉ là thành công đầu tiên mở ra chuỗi mốc son trong sự nghiệp ngoạn mục của một doanh nhân sau này.

Câu chuyện khởi nghiệp từ trang trại nuôi heo của tỷ phú Masayoshi Son

Tỷ phú Masayoshi Son đặt ra mục tiêu sẽ khởi nghiệp thành công trước năm 30 tuổi, năm 1977 ông bắt đầu học kinh tế tại trường UC Berkeley năm 1977. Trong một lần lướt qua cuốn tạp chí khoa học, ông bị cuốn hút bởi một bức ảnh khá lạ, có hình dạng như sơ đồ một thành phố trong tương lai. Sau khi được người quen giải thích, ông mới biết đó là sơ đồ của một tấm microchip. Không lâu sau đó, ông nhận thấy có thể kiếm bộn tiền từ máy tính, nên tự ra một mục tiêu khắc nghiệt là mỗi ngày cho ra một ý tưởng kinh doanh mới. Đến cuối năm, ông nắm trong tay hơn 250 ý tưởng.

Một trong số đó là ý tưởng về một chiếc máy tính nhỏ. Nhưng khi ông mang phác thảo đến hỏi ý kiến thầy giáo, các giáo sư tại đại học California lại cho rằng sẽ đơn giản hơn nếu cậu bắt đầu từ một chiếc máy dịch điện tử bỏ túi. Thiết bị dịch này sau đó đã được ông đem bán cho Sharp với giá 450.000 USD tính theo mệnh giá năm 1978. Ông đã dùng khoản tiền này để gây dựng công ty đầu tiên tại Mỹ.

Năm 1981, ông quay lại Nhật Bản để phát triển một công ty phân phối phần mềm có tên Nihon SoftBank sau đó được rút gọn thành SoftBank năm 1990 với khởi điểm là một công ty phân phối phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn 2 nhân viên trong căn hộ chật chội ở Tokyo (Nhật Bản). Công việc kinh doanh thuận lợi, ông bắt đầu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông và đạt nhiều thành công ấn tượng. Sau lời phát biểu hùng hồn với 2 nhân viên rằng, “này các anh, các anh phải nghe lời tôi vì tôi là Chủ tịch công ty. Sau 5 năm nữa, doanh số bán hàng công ty ta sẽ là hàng tỷ yen, cung cấp hàng cho hàng nghìn đại lý. Chúng ta sẽ trở thành nhà cung cấp phần mềm số 1”. Thật trớ trêu thay, sau khi nghe bài diễn thuyết hùng hồn trên, hai nhân viên đã vội vã xin thôi việc vì nghĩ sếp mình bị khùng. Nhưng không nản lòng, ông vẫn xoay xở mọi cách để có được các hợp đồng. Vì không trực tiếp tạo ra phần mềm, ông Son làm mọi thứ để tiếp cận được với các nhà bán lẻ điện tử thời bấy giờ, cá biệt, có lần ông suýt bị cảnh sát gô cổ khi liên tục xuất hiện không hẹn trước tại công ty bán lẻ thiết bị điện tử Joshin Denki.

Vào năm 2000, ông Son bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba – lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài. Giờ đây, khi Alibaba lột xác trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Đại lục, cổ phần của SoftBank được định giá vào khoảng 58 tỷ USD – cao gấp 2.900 lần khoản đầu tư ban đầu, một tỷ suất lợi nhuận không tưởng, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

Giống như nhà sáng lập Virgin Group – Richard Branson – người thành lập Virgin Atlatic để cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia Anh, Son cũng khởi nghiệp 2 công ty viễn thông tại Nhật Bản – một doanh nghiệp chuyên sửa đường truyền và một quản lý mạng không dây và cuối cùng phá được thế độc quyền của tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước là NTT.

Năm 2001, trong bối cảnh tốc độ băng thông rộng chậm chạp ở Nhật, Son đã thuyết phục chính phủ thay đổi quy định trong ngành công nghiệp viễn thông. Khi không có công ty nào khác muốn đối đầu với NTT, Son đã tự mình lập nên một công ty cạnh tranh là Yahoo BB. Nhờ ông, hiện Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đường truyền băng thông rộng cao nhất trên thế giới và Yahoo! BB là một công ty sửa chữa đường dẫn hàng đầu nước này.

Sau nhiều năm nỗ lực tấn công thị trường di động, SoftBank trở thành nhà mạng năm 2006, khi mua lại công ty Vodafone Nhật Bản đang thoi thóp với giá 15 tỷ USD. Năm 2008, thứ “vũ khí bí mật” ông tìm kiếm bao năm đã xuất hiện. Có thể nói, chiếc iPhone được coi như “con gà đẻ trứng vàng” mang lại thế lực cho SoftBank; một thiết bị khiến ông sởn gai ốc lần đầu tiên chạm vào.

Kể từ ngày chiếc iPhone 3G ra đời cho đến nay, SoftBank vẫn là nhà phân phối độc quyền sản phẩm này tại Nhật Bản cho đến khi thêm công ty KDDI được phân quyền bán iPhone 4S vào năm 2013.

Nhưng cần phải nói, iPhone cũng là một thương vụ mạo hiểm đối với ông Son và SoftBank; đối với cả thế giới, đây là chiếc điện thoại mang tính cách mạng, nhưng nhất là tại Nhật Bản. Khi sản phẩm ra mắt năm 2008, hầu như không một người Nhật nào hiểu chức năng hoạt động của iPhone.

Chính sự liều lĩnh trong làm ăn đã nhiều lần biến ông thành trung tâm của nhiều cuộc tranh cãi trên truyền thông Nhật Bản. Nổi tiếng nhất phải kể đến vụ ông dọa sẽ tự tử trong một cuộc họp chính phủ xoay quanh vụ lục đục với công ty NTT.

Năm 2017, SoftBank ra mắt quỹ Tầm nhìn với trị giá 100 tỷ USD. Quỹ này đã rót vốn vào hàng loạt startup trên thế giới như Uber, WeWork, nền tảng giao đồ ăn DoorDash hay startup thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart… Chiến lược đầu tư của Masayoshi Son được đánh giá là “khác thường” so với Thung lũng Silicon.

Sau cú trượt dốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu các công ty công nghệ toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số Nasdaq tăng hơn 30% trong quý II. Giá cổ phiếu Uber vọt lên 11% trong quý vừa qua và hiện giao dịch quanh mức 33 USD/cổ phiếu.

Dự báo giá cổ phiếu của các startup gọi xe khác mà SoftBank đầu tư như Didi Chuxing (Trung Quốc), Grab (Đông Nam Á) và Ola (Ấn Độ) cũng sẽ tăng theo. Giá cổ phiếu của Slack Technologies, ZhongAn Online P&C Insurance và Guardant Health - những công ty nhận đầu tư của SoftBank - tăng lần lượt 30%, 75% và 17% trong quý vừa qua.

Khi thế giới chuyển biến mạnh mẽ sau đại dịch và gói kích thích của chính phủ làm sai lệch định giá công nghệ, Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của tập đoàn SoftBank đã và đang chuyển hướng sang chiến lược đầu tư mới. Theo Asian Nikkei Review, quỹ đầu tư của tỷ phú Son Masayoshi sẽ chú trọng vào các khoản đầu tư nhỏ nhưng thu được nhiều lợi nhuận hơn so với những màn đặt cược khổng lồ nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả