Câu chuyện đằng sau đỉnh cao, vực sâu của cổ phiếu Licogi 14
Chưa đầy một năm kể từ khi đạt mức giá kỷ lục gần 440.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14, sàn HNX) nhanh chóng lao dốc và bốc hơi 88,2% giá trị.
Từ đắt nhất sàn thành giảm mạnh nhất sàn
Nhờ những lời “có cánh” của thành viên HĐQT Licogi 14, cùng với cơn sốt cổ phiếu bất động sản cuối năm 2021, cổ phiếu L14 đã trở thành hiện tượng khi chạm mốc gần 440.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/1/2022 (giá sau khi điều chỉnh cổ tức 15% bằng cổ phiếu là 382.580 đồng/cổ phiếu), là cổ phiếu đắt nhất sàn thời điểm đó.
Đến ngày 11/10/2022, cổ phiếu L14 lao dốc về mức 45.000 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh), tức là giảm 88,2% giá trị trong vòng 9 tháng. Mức thiệt hại của nhà đầu tư có thể còn lớn hơn con số 88,2% nếu sử dụng margin để đầu tư vào cổ phiếu này.
Để tạo dựng câu chuyện hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào cổ phiếu L14, Một số TV HĐQT đã dùng sự ảnh hưởng trên các diễn đàn chứng khoán, cũng như nhờ vào lượng người theo dõi bài viết hùng hậu để giới thiệu những khoản đầu tư tiềm năng của Licogi 14, đặc biệt là 2 cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của Licogi 14 là cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp (mã DIG) và cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O (mã CEO).
Phương pháp “hỗ trợ” sức nóng cổ phiếu DIG và CEO được TV HĐQT đưa ra các diễn đàn là định giá tài sản bằng quỹ đất, thực hiện so sánh quỹ đất của DIC Corp, C.E.O với các tập đoàn bất động sản lớn, cũng như định giá lại quỹ đất để tăng giá trị tài sản gấp nhiều lần so với giá sổ sách (không đề cập quỹ đất chậm triển khai, đội vốn đầu tư). Từ đó, một số người có sức ảnh hưởng liên tục khuyến nghị, nâng mức giá mục tiêu. Đỉnh điểm, có một số diễn đàn đưa mục tiêu cổ phiếu DIG lên 200.000 - 300.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời điểm đó, lượng nhà đầu tư mới (F0) đổ vào thị trường chứng khoán tăng kỷ lục. Các F0 rất tự tin và hưng phấn, chủ yếu tìm “câu chuyện” và tìm mã để đầu tư, mà quên đi dự phòng rủi ro. Ngoài ra, khi lãi suất thấp, lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, thị trường tập trung kỳ vọng bất động sản là kênh bảo vệ tài sản khỏi lạm phát.
Những yếu tố trên cộng dồn đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu CEO và DIG, cùng với kỳ vọng danh mục 486 tỷ đồng đầu tư của Licogi 14 vào hai cổ phiếu này tiếp tục sinh lãi lớn, giúp tăng giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo chiều trong năm 2022, khi lãi suất tăng, dòng tiền rẻ không còn trên thị trường. Thêm nữa, với động thái xử lý các tổ chức “làm giá” bất động sản Thủ Thiêm thông qua đấu giá, cổ phiếu bất động sản quay đầu giảm mạnh, hàng loạt khoản đầu tư sinh lãi và chiếm trọng số của Licogi 14 là cổ phiếu DIG và CEO lao dốc.
Cụ thể, từ ngày 11/1 đến 11/10/2022, cổ phiếu DIG giảm 74,9%, từ 98.200 đồng/cổ phiếu về 24.650 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CEO giảm 83,6%, từ 91.600 đồng/cổ phiếu về 15.000 đồng/cổ phiếu.
Licogi 14 ghi nhận lỗ 234,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (số liệu trước kiểm toán bán niên năm 2022), trong đó, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới 379,56 tỷ đồng (Licogi 14 thuyết minh, đây là khoản dự phòng đầu tư vào chứng khoán). Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Licogi 14 vẫn tự tin cho biết, tất cả mã chứng khoán mà Công ty đầu tư đều là cổ phiểu của các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về bất động sản, có nền tảng tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Sau đó, ngày 18/6/2022, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 (công ty con của Licogi 14) đã thực hiện phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP (5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để nâng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 115,5 tỷ đồng. Sau tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP, tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 giảm từ 51% về còn 48,57% vốn điều lệ và chính thức chuyển từ công ty con sang công ty liên kết. Mặc dù vậy, giá trị gốc đầu tư của Licogi 14 vào Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 vẫn duy trì là 56,1 tỷ đồng, tương ứng giá mua cổ phần của Licogi 14 là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau kiểm toán, Licogi 14 chỉ còn lỗ 23,73 tỷ đồng, giảm lỗ 210,63 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu vẫn do hoạt động tài chính ghi nhận lỗ 54,77 tỷ đồng.
Cổ phiếu L14 còn tiềm năng?
Ngoài danh mục cổ phiếu bất động sản đã đi qua thời điểm thuận lợi, tiếp tục giai đoạn thoái trào và chưa biết ngày quay lại, Licogi 14 cho biết đang nắm giữ Dự án Khu đô thị Nam Minh Phương (quy mô 54,43 ha, tổng vốn đầu tư 3.628 tỷ đồng), là dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.
Theo Licogi 14, dự án này đang đền bù giải phóng mặt bằng. Khi giải phóng mặt bằng xong, Công ty sẽ tiến hành khởi công, thi công san nền hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng xã hội sau khi được giao đất.
Tính tới ngày 30/6/2022, với con số lỗ bán niên của Licogi 14 là 23,73 tỷ đồng, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa cổ phiếu L14 vào danh sách không đủ điều kiện cấp margin. Giá cổ phiếu DIG và CEO tiếp tục giảm trong quý III/2022, ước tính, mức lỗ từ chứng khoán của Licogi 14 có thể tăng thêm.
Rõ ràng tiềm năng của cổ phiếu này là có nhưng liệu với một tiền sử không "đẹp", nhà đầu tư có "tha thứ" và đưa cổ phiếu trở lại thời đỉnh cao, liệu có một nhịp tăng "thần thánh" hay một cú rơi "lịch sử" như họ "Q-index" hay không? Điều này còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhất là tâm lý đám đông, truyền thông,...
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận