menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền An

Cắt giảm đường bay nội địa: Duy trì hãng lỗ, dừng thì tỉnh khó

Nhiều hãng hàng không giảm số lượng tàu bay vì áp lực tài chính.

Một số tỉnh đã bố trí kinh phí để hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay trở lại, nhưng đến nay vẫn chưa có hãng nào đề nghị mở thêm đường bay mới.

Thời gian qua, các hãng hàng không đã tạm ngừng khai thác nhiều tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa) đến Phú Quốc. Thời điểm này, sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.

Tuy nhiên, Phú Quốc không phải địa phương duy nhất bị các hãng hàng không "ngó lơ".

Địa phương "chịu trận"

Hồi tháng 11, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines khôi phục, tăng tần suất khai thác các đường bay từ sân bay Thọ Xuân đi các sân bay nội địa.

Trước đó, các hãng hàng không đã khai thác 9 đường bay nội địa kết nối Thanh Hóa với TP.HCM, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Bình Định, Côn Đảo, Đà Lạt.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines, Vietjet chỉ khai thác một đường bay Thanh Hóa - TP.HCM với tần suất 8-10 chuyến/ngày. Bamboo Airways tạm dừng khai thác từ cuối tháng 10 và đến nay đã khai thác trở lại với tần suất 3 chuyến/tuần, còn Pacific Airlines chỉ khai thác vào cao điểm dịp Tết.

Trong năm nay, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn kinh phí 6 tỷ đồng để hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới tại sân bay Thọ Xuân. Dù vậy, đến gần cuối năm, vẫn chưa có hãng nào đề nghị mở thêm đường bay mới.

Tương tự, Cà Mau cũng nói sẽ hỗ trợ khoảng 7 tỷ đồng/năm cho các hãng hàng không bay đến tỉnh, sau khi Bamboo Airways tạm ngừng khai thác tuyến Hà Nội - Cà Mau hồi tháng 7 dù chỉ mới khai trương đường bay này trước đó 3 tháng.

Cắt giảm đường bay nội địa: Duy trì hãng lỗ, dừng thì tỉnh khó

Bamboo ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Cà Mau chỉ sau 3 tháng khai trương.

Khi số lượng chuyến bay giảm, du lịch địa phương là ngành đầu tiên "chịu trận". Phú Quốc là một minh chứng rõ ràng khi tình hình du lịch tại đây hiện không mấy khả quan.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết 3 đường bay bị cắt giảm không đem lại nguồn khách lớn nhưng có tính kết nối các vùng khác nhau.

Ví dụ, khách từ TP.HCM có thể đi tour đường bộ đến Cần Thơ rồi bay ra Phú Quốc; khách Nga hoặc Hàn Quốc thường bay đến Nha Trang, Đà Nẵng rồi tiếp tục bay ra đảo ngọc. Hiện lượng khách nội địa đến Phú Quốc đã giảm sâu chỉ còn khoảng 3.000 khách/ngày (trước thời điểm diễn ra sự kiện Maroon 5 sang Việt Nam biểu diễn).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cho biết các đường bay có vai trò rất lớn trong việc thu hút khách du lịch và nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời tiết kiệm chi phí công tác cho đội ngũ cán bộ và mở ra cơ hội hợp tác, làm ăn, đi lại của người dân.

Hãng bay phải "liệu cơm gắp mắm"

Dẫu vậy, từ phía các hãng hàng không, quyết định cắt giảm những đường bay nội địa không hiệu quả là lẽ thường tình. Hiện tại, ngoại trừ Vietjet Air, các hãng đều hoạt động trong tình trạng đang càng bay càng lỗ.

Bamboo Airways trong quá trình tái cấu trúc đã cắt giảm nhiều đường bay quốc tế và cả nội địa để tiết giảm chi phí hoạt động. Bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines cũng ghi nhận một gam màu xám khi 9 tháng đầu năm nay, hãng đã lỗ tới 3.535 tỷ đồng.

Cắt giảm đường bay nội địa: Duy trì hãng lỗ, dừng thì tỉnh khó

Nhiều hãng hàng không giảm số lượng tàu bay vì áp lực tài chính.

Bối cảnh không mấy sáng sủa của ngành còn hiện rõ qua việc các hãng liên tục cắt giảm số lượng tàu bay vì áp lực tài chính từ các bên cho thuê.

Theo số liệu từ Flightrada, Bamboo Airways đã giảm đội bay từ 30 chiếc xuống còn 17 chiếc. Từ 6 máy bay ban đầu, Vietravel Airlines cũng thu hẹp chỉ còn 3 chiếc, trong khi Pacific Airlines chỉ còn 12 máy bay.

"Việc cắt giảm chuyến bay đến Phú Quốc là điều không mong muốn, vì đơn vị cũng chịu thua lỗ như các doanh nghiệp làm du lịch địa phương", ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại Vietjet chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang hồi tháng 10.

Một chuyên gia hàng không cho biết trong thời kỳ khó khăn, các đường bay ngách sẽ bị cắt giảm đầu tiên vì lượng khách ít, không đem lại hiệu quả kinh tế. Điều này cũng tương tự với các đường bay du lịch mà địa phương đang gặp các vấn đề khiến lượng du khách sụt giảm.

"Thời kỳ khó khăn, hãng bay cũng phải liệu cơm gắp mắm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đơn cử như trong trường hợp của Bamboo Airways, hãng phải ngừng bay đến Cà Mau do đường băng ở địa phương đã xuống cấp, không chịu được sức tải lớn.

Doanh nghiệp ước tính mỗi chuyến bay bằng máy bay E190 chỉ có thể chở 38 hành khách trên tổng số 98 ghế ngồi nếu không được bay vượt tải. Nếu duy trì tần suất 3 chuyến/tuần với tỷ lệ lấp đầy ghế thấp như vậy, hãng sẽ lỗ 3,1 tỷ đồng/tháng.

Giải pháp nào cho cả hai bên?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM - cho biết ông rất tiếc vì hiện sân bay Cà Mau chỉ có một chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên máy bay ATR72.

Theo vị chuyên gia, khung giá trần hiện nay của Bộ Giao thông vận tải đang kìm hãm sự xuất hiện của những đường bay mới đến những nơi xa xôi như Cà Mau, Điện Biên mà số lượng hành khách không nhiều. Nếu không có giá trần, hãng hàng không có thể mở tuyến đường bay mới với giá vé cao mà người mua bằng lòng chi trả và hãng hàng không không phải chịu lỗ.

Cắt giảm đường bay nội địa: Duy trì hãng lỗ, dừng thì tỉnh khó

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM.

"Lợi ích hành khách được đảm bảo khi họ có thể lựa chọn giữa đi đường bộ tốn thời gian mà giá rẻ với đi đường hàng không nhanh chóng mà giá đắt. Nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần cứng nhắc, nguồn thu từ bán vé không đủ bù đắp chi phí, các hãng sẽ dừng bay và khách hàng sẽ chịu thiệt vì mất một lựa chọn đi lại", ông Tống khẳng định.

Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng nếu không có giá trần, các hãng hàng không có thể cân nhắc việc sử dụng máy bay nhỏ loại tua bin chong chóng 19 chỗ cần đường cất hạ cánh chỉ 1.200 m để mở tuyến đường bay mới với giá vé cao để hãng có lãi.

Mặt khác, các sân bay cũng không cần phải đầu tư, cải tạo ngay để đón nhận những máy bay phản lực chở hàng trăm hành khách.

Do đó, ông Tống đề xuất cần bỏ hẳn giá trần để tình trạng cắt giảm các đường bay ngách không còn là cơn đau đầu của cả hãng bay lẫn lãnh đạo địa phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại