Cặp vợ chồng “bỏ phố về quê”, làm khu vườn 500m2 tràn ngập rau trái ở Bến Tre
Rời phố thị, chị Phương cùng chồng về quê nhà ở Bến Tre, cải tạo khu vườn rộng 500m2 thành chốn thư giãn xanh mát, thiết kế đẹp mắt và trồng đủ loại rau trái, cho thu hoạch “mỏi tay”.
Chị Lê Phạm Quế Phương (hay còn gọi là Phương Oliver, SN 1986) lớn lên ở vùng đất An Giang. Khi trưởng thành, chị rời quê lên TP.HCM lập nghiệp, kiếm sống bằng nghề thiết kế ảnh cưới.
Tuy nhiên, công việc mỗi ngày chỉ xoay quanh chiếc máy tính, ngồi một chỗ với 4 bức tường, chị Phương dần cảm thấy nhàm chán. Chị quyết định đưa ra một ý tưởng táo bạo, đó là theo chồng “bỏ phố về quê”, từ bỏ cuộc sống bon chen, ngột ngạt nơi phố thị.
Điểm dừng chân mà vợ chồng chị Phương lựa chọn là quê nhà của chồng ở xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tại đây, cặp đôi bắt tay vào cải tạo mảnh vườn rộng mà bố mẹ để lại, tự thiết kế không gian, trồng trọt các loại rau trái, thỏa mãn thú vui điền viên.
Chị Phương cùng chồng "bỏ phố về quê", gây dựng khu vườn tràn ngập hoa và rau trái ở Bến Tre khiến ai nhìn cũng thích.
Một góc nhỏ trong khu vườn xanh mát khi nhìn từ trên cao.
Xung quanh khuôn viên vườn được bố trí trồng nhiều loài hoa đủ màu sắc, tạo cảnh quan bắt mắt.
Trên khuôn viên đất rộng của gia đình, chị Phương tận dụng diện tích phần sân trước và xung quanh nhà để làm vườn rau, trái 500m2. Ngoài ra còn có 1ha dừa do mẹ chồng và chồng chị chăm sóc.
Ở giữa vườn, nữ gia chủ dựng một căn lều nhỏ được lót bằng gỗ dừa và lợp mái bằng lá. Đây là nơi vợ chồng chị dừng chân nghỉ ngơi, tránh nắng mỗi khi làm vườn và cũng là chốn thư giãn “đổi gió” cho các thành viên trong gia đình.
Tuy vườn rộng nhưng chị Phương vẫn ưu tiên quy hoạch gọn gàng, khoa học để tối ưu diện tích, đảm bảo quá trình chăm sóc và thu hoạch thuận lợi cũng như mang tính thẩm mỹ cao.
Xung quanh lều, chị Phương thiết kế thêm một số biển gỗ, ghi chữ nắn nót về các khu vực trồng trọt trong vườn.
Người phụ nữ 37 tuổi cho hay, để hạn chế sâu bệnh và thuận tiện chăm sóc, chị ưu tiên trồng các giống rau theo mùa, phù hợp với khí hậu miền Tây. Nhờ đó mà mỗi vụ thu hoạch, chị lại “bội thu”, cung cấp được nguồn thực phẩm sạch phong phú cho gia đình thưởng thức.
Hiện trong vườn có nhiều loại rau xanh như cải xanh, bắp cải, củ cải, hành lá, cải rổ, húng quế, bạc hà, cải kale,... hay một vài giống thân leo như chanh dây, mướp hương, đậu rồng,...
Dưới đất, chị Phương làm các luống rau, trồng nhiều loại.
Bên trên chị làm giàn, trồng cây dây leo. Việc phân tầng không gian như vậy giúp tiết kiệm diện tích và trồng được nhiều loại rau trái.
Bên cạnh đó, chị còn bố trí làm giàn cho cây thân leo, vừa tận dụng các lớp không gian, vừa tạo bóng râm mát. Trong vườn cũng có cả khu dược liệu, trồng một số cây như xạ đen, bách giải, cúc bách nhật, chùm ngây, hoa đậu biếc,... và các giống cây ăn trái khác như bưởi, khế, trứng gà…
Xung quanh, chị đầu tư trồng thêm nhiều loài hoa đủ màu sắc để tô điểm cảnh quan, thu hút ong bướm đến thụ phấn. Vì gia đình có nuôi hàng chục con thỏ nên nữ gia chủ cũng dành một khoảng đất để trồng khoai lang, cung cấp nguồn lương thực dồi dào cho vật nuôi.
Dù da sạm đen vì cháy nắng nhưng chị Phương lại cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan hơn kể từ khi theo chồng về quê Bến Tre làm khu vườn rộng 500m2, trồng đủ loại rau trái.
Chị Phương thừa nhận, làm vườn khá vất vả, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại, chị có thể chủ động nguồn thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình cũng như có chốn thư giãn xanh mát, giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Để thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực, chị còn dựng một căn bếp nhỏ cạnh vườn. Mỗi lần thu hái rau trái xong, chị lại vào bếp chế biến nhiều món ăn ngon, vừa nấu nướng, vừa ngắm cảnh vườn xanh mát, bình yên.
Góc bếp nhỏ - nơi chị Phương thỏa mãn đam mê nấu nướng ngay tại vườn.
Từ rau trái trong vườn, chị chế biến nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng, cải thiện khẩu vị cho các thành viên trong gia đình mỗi ngày.
Sau nhiều năm làm vườn, trồng trọt, khu vườn của vợ chồng chị Phương ngày càng tươi tốt, sum suê, cho thu hoạch mỏi tay. Ngoài sử dụng trong gia đình, chị còn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có quanh nhà, quanh khu vực nơi mình sinh sống để chế biến các món đặc sản địa phương, đem bán khắp cả nước. Nhờ đó, không chỉ lan tỏa được văn hóa ẩm thực bản địa, chị còn có thể kiếm được nguồn thu nhập ổn định chẳng kém gì khi sống ở nội đô.
Món mứt dừa non với hai vị truyền thống và đậu biếc mà chị Phương tự tay chế biến.
Nữ gia chủ cũng tự đi thuyền dọc con sông quanh nhà để thu hoạch dừa nước.
Hiện, khu vườn xanh mát, tràn ngập các loại rau trái của gia đình chị Phương cũng trở thành địa điểm tham quan, trải nghiệm thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, cả khách quốc tế.
Thậm chí, chị Phương còn lập một kênh Youtube để đăng tải các video chia sẻ về cuộc sống thôn quê, quá trình làm vườn, chăm cây hay nấu những món ăn dân dã.
Mỗi món ăn, đặc sản như dừa nước, mắm tôm chua, mứt dừa non,… đều được chị Phương chế biến từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại nhà như rau hái trong vườn hay cá, tôm, ốc đánh bắt từ con sông gần đó,...
Người phụ nữ 37 tuổi bày tỏ mong muốn lưu giữ trọn vẹn những kỷ niệm về cuộc sống vui thú điền viên ở xứ dừa cũng như giới thiệu tới mọi người những nét đẹp về văn hóa, ẩm thực của xứ dừa Bến Tre nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung thông qua những món ăn, đặc sản dân dã. Nhờ thế mà những ai dù chưa có dịp ghé thăm nơi đây nhưng vẫn cảm giác như đang được vi vu, khám phá miền Tây sông nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận