Cập nhật tình hình tăng vốn điều lệ của big 4 ngân hàng
Báo cáo trình Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã cập nhật một số tình hình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank.
Với Agribank, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021 - 2030 tối đa là 17.100 tỷ đồng.Số vốn điều lệ được tăng thêm của Agribank được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Agribank cho rằng số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng đến năm 2024. "Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng", Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Trước đó vào tháng 5, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 8% theo đúng quy định; đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41 và đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.
2. BIDV chờ phê duyệt phương án tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại năm 2021
BIDV là ngân hàng đầu tiên được phê duyệt tăng vốn từ lợi nhuận để lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Sau phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu từ phương án này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng, chính thức trở thành quán quân ngành ngân hàng về vốn điều lệ thời điểm đó.
Hiện NHNN cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21,7% lên 61.557 tỷ đồng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).
3. Vietcombank muốn tăng vốn lên trên 75.000 tỷ
Với Vietcombank, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ nguồn chi trả cổ tức thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 và năm 2020.
Trong tháng 7, Vietcombank đã phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng từ hai nguồn nêu trên.
Trong nội dung ĐHĐCĐ đầu năm 2023, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 27.685 tỷ đồng vượt qua quán quân hiện tại là VPBank. Nguồn sử đụng để phát hành là từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lãi luỹ kế đến hết năm 2018.
NHNN đang chỉ đạo Vietcombank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
4. VietinBank chưa chốt được phương án tăng vốn lên 55.700 tỷ
Tại VietinBank, việc tăng vốn có vẻ chậm chạp hơn khi việc tăng vốn vẫn đang chờ được phê duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2020.
Hội đồng Quản trị VietinBank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, dự kiến sẽ đưa vốn điều lệ lên 55.700 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu vào quý III và quý IV/2023, tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành.
Trong ĐHĐCĐ năm 2023, VietinBank thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.
VietinBank cũng được NHNN chỉ đạo hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài nhóm Big4, NHNN cũng cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng cổ phần và 6 công ty tài chính. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận