Cập nhật Covid-19 thế giới ngày 9/7: Diễn biến dịch phức tạp ở Đông Nam Á; WHO cảnh báo giám sát biến thể phát hiện ở Nga; khuyến nghị tiêm vaccine mũi ba
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 186,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,02 triệu ca tử vong và xấp xỉ 170,5
Châu Á hiện có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất, hơn 57 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với hơn 48,6 ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba với hơn 40,8 triệu ca và Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 33 ca nhiễm.
Xét đến quốc gia, Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 34,6 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 30,7 triệu ca và Brazil với hơn 18,9 triệu ca.
Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, khu vực châu Âu ghi nhận 1.110.412 ca (đứng đầu thế giới), tiếp đến là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ là hơn 922.000 ca và châu Á hiện là hơn 811.000 ca.
* Tại châu Mỹ
Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người Mỹ đã tiêm đủ liều chưa cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm hiện tại. Thông báo nhấn mạnh nhà chức trách đã chuẩn bị cung ứng mũi tiêm bổ sung khi có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết.
Trong khi đó, Canada đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với công dân nước mình, nhưng Thủ tướng Justin Trudeau ngày 8/7 cho biết sẽ "cần thêm một thời gian" trước khi cho phép khách du lịch nước ngoài chưa tiêm phòng được nhập cảnh Canada.
Tại Chile, với việc hơn 73% dân số được tiêm phòng Covid-19, ngày 8/7, chính phủ nước này đã thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, song vẫn đóng cửa biên giới.
Từ tháng 2, quốc gia có 19 triệu dân này đạt tỷ lệ tiêm phòng 73,1% đối tượng mục tiêu và đến nay, hơn 11 triệu người đã được tiêm phòng. Nhờ vậy, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong trong tháng qua đã giảm.
Chile là một trong những nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong thời gian dài nhất. Hầu hết trường học giảng dạy trực tuyến từ tháng 3/2020.
Trong khi đó, chính phủ Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Moderna của Mỹ để mua vaccine ngừa Covid-19 nhằm đáp ứng nhu cầu cho chương trình tiêm chủng đại trà mà quốc gia Nam Mỹ này đang triển khai trong bối cảnh mối đe dọa về làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Argentina là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 với gần 4,6 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 97.000 trường hợp tử vong.
* Tại châu Á
Israel đang đứng trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới sau khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng số ca mắc mới tại nước này. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cao đã giúp số ca tử vong hoặc bị biến chứng nghiêm trọng tăng rất chậm. Hiện chỉ còn 46 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 đối với thủ đô Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide giải thích rằng đây là giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và đảm bảo một kỳ Olympic diễn ra an toàn và thành công.
Thủ tướng Suga bày tỏ tin tưởng rằng quyết định này sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất để kiềm chế dịch lây lan trong thời gian diễn ra Thế vận hội là hạn chế tối đa dòng người di chuyển, nhất là tại Tokyo và ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 từ bên ngoài.
Trong khi đó, cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, buộc chính phủ phải quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi có số ca bệnh tăng đột biến gần đây.
Theo KCDA, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.316 ca mắc mới Covid-19, trong đó 1.236 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 164.028 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi Hàn Quốc thông báo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1/2020. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới hằng ngày tại Hàn Quốc ở mức trên 1.200 trong 3 ngày liên tiếp.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, số ca lây nhiễm mới hằng ngày có thể ở mức 2.140 ca vào cuối tháng này.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ triệu tập một cuộc họp liên ngành khẩn cấp vào đầu tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 tại Seoul và vùng phụ cận.
Sáng 9/7, Trung Quốc đại lục sáng 9/7 thông báo cũng ghi nhận thêm 23 ca nhiễm mới, tăng so với con số 17 ca trước đó một ngày, và không có ca tử vong mới.
* Tại Đông Nam Á
Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hơn 2,4 triệu ca), tiếp đến là Philippines với hơn 1,4 triệu ca. Malaysia đứng thứ ba với hơn 808.000 ca.
Bộ Y tế Malaysia cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận só người thiệt mạng vì Covid-19 trong ngày 8/7 cao kỷ lục mới khi lên đến 135 người/ngày, nâng tổng số người tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này lên đến 5.903 người kể từ khi đại dịch bùng phát.
Chủ tịch Thượng viện Indonesia Bambang Soesatyo đã hối thúc Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng (ITAGI) và Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) ngay lập tức ban hành khuyến cáo tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ ba cho các nhân viên y tế do tỷ lệ tử vong cao trong nhóm đối tượng này.
Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội dị ứng miễn dịch học Indonesia (Peralmuni) cho hay đang soạn thảo báo cáo kết quả nghiên cứu về sự cần thiết tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng dược Sinovac mũi thứ 3 để chính phủ xem xét.
Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa Covid-19 trong đó chủ yếu dựa vào vaccine của Sinovac.
Tại Myanmar, tất cả các trường học tạm thời đóng cửa sau khi nước này phát hiện các ca mắc các biến thể virus dễ lây lan.
Theo Bộ Y tế Myanmar, các trường đào tạo cơ bản, trong đó có cả các trường tư nhân và các tu viện Phật giáo, sẽ đóng cửa từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7. Biện pháp này vừa được dỡ bỏ hồi tháng trước, nay được áp dụng trở lại.
Ngày 8/7, Myanmar ghi nhận 4.132 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 180.055 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 51 ca lên tổng số 3.621 ca. Myanmar ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020.
* Tại châu Âu, Pháp, Nga và Anh là ba nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất châu lục, hiện đều đã hơn 5 triệu ca. Trong đó, Anh là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (128.336 ca) và Italy ghi nhận 127.731 ca, đứng thứ hai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gắn cảnh báo giám sát biến thể AT.1 của virus SARS-CoV-2, được phát hiện ở Nga hồi tháng 1. Biến thể này đã được xác định "cảnh báo cần theo dõi thêm" vào ngày 9/6.
Điều này có nghĩa là biến thể này có những thay đổi di truyền được nghi ngờ là ảnh hưởng đến đặc tính của virus với một số dấu hiệu cho thấy đột biến có thể gây ra rủi ro trong tương lai.
Danh sách 12 biến thể ở mức độ cảnh báo sẽ được đánh giá lại nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy những thay đổi của chúng ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc hiệu quả của liệu pháp điều trị và vaccine phòng Covid-19.
Liên quan đến vấn đề vaccine, ngày 8/7, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ ba loại vaccine phòng Covid-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất.
Theo thông báo, Pfizer/BioNTech xin cấp phép tiêm mũi vaccine thứ ba sau khi dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm hai mũi đầu tiên.
Theo Pfizer/BioNTech, dựa trên sự sụt giảm về hiệu quả của vaccine ghi nhận tại Israel sau 6 tháng, hai hãng dược này tin rằng có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.
* Tại châu Phi
Ngày 8/7, WHO nhấn mạnh châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch Covid-19, song cảnh báo đây chưa phải là tình hình tồi tệ nhất, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 3 đang lan rộng tại châu lục này.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi, Giáo sư Matshidiso Moeti, nêu rõ tình hình dịch bệnh tại châu Phi đang diễn biến phức tạp hơn, theo đó cứ 18 ngày số ca mắc mới tăng gấp đôi và sự gia tăng này sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần tới.
Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19 tại châu Phi vẫn chậm. Chỉ khoảng 16 triệu người, tương đương 2% dân số châu Phi, đã được tiêm vaccine đủ liều.
Theo thống kê, trong 2 tuần qua, hơn 1,6 triệu liều vaccine đã được chuyển tới châu Phi thông qua cơ chế phân bổ vaccine công bằng COVAX. Dự kiến, châu Phi cũng sẽ sớm nhận được vaccine trong tổng số 20 triệu liều mà Mỹ viện trợ cho 49 quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận