Cập nhật Covid-19 ngày 8/1: Số ca toàn cầu tăng sốc; Mỹ vượt 22 triệu ca trong ngày giông bão; Số người nhiễm ở Brazil tăng kỷ lục
Toàn cầu ghi nhận 88.499.863 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.906.693 trường hợp tử vong và 63.610.686 bệnh nhân.
Trong ngày 7/1, toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, với 820.771 trường hợp, trong đó có 14.670 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới này, Mỹ chiếm 33,4%, tương đương khoảng 274.190 ca. Trong khi đó, Brazil cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng "sốc", tới 87.134 trường hợp, chiếm khoảng 10,6% ca nhiễm mới toàn cầu.
Đến nay, Mỹ ghi nhận 22.132.045 ca mắc bệnh, trong đó có 374.124 trường hợp tử vong và 13.143.317 bệnh nhân bình phục. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19.
Brazil hiện xếp thứ 3 thế giới về số ca nhiễm, với 7.961.673 trường hợp, trong đó có 200.498 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ với 150.606 ca tử vong trong số 10.414.044 ca bệnh là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ 2 về người do Covid-19.
Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 172 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 139 người và Bosnia-Herzegovina với 128 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 25,1 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 575.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Bắc Mỹ, với hơn 541.021 ca tử vong trong gần 25,3 triệu ca nhiễm.
Châu Á có hơn 345.200 ca tử vong trong gần 21,23 triệu ca nhiễm. Nam Mỹ ghi nhận hơn 13 triệu trường hợp mắc bệnh, trong đó có gần 372.100 ca tử vong.
Châu Phi hiện ghi nhận có hơn 70.649 ca tử vong, trong tổng số 2.965.179 người mắc bệnh, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 1.066.
* Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết sẽ kéo dài thời gian đóng cửa biên giới với Anh, vốn bắt đầu từ 20/12/2020, sau khi cơ quan y tế nước này xác nhận đã có thêm 19 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.
Ngoài 19 ca nhiễm mới mắc biến thể ở Anh vừa được phát hiện, Pháp cũng đã có 3 ca nhiễm mắc biến thể tìm thấy ở Nam Phi. Bộ Y tế nước này cho biết, sẽ áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt với những người bị nhiễm biến thể mới và tăng cường xét nghiệm trong các trường học.
* Tại châu Đại dương, thành phố Brisbane và một số khu vực lân cận thuộc bang Queensland của Australia sẽ bị phong tỏa trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ 18h (giờ địa phương) ngày 8/1, sau khi một trường hợp lây nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 ở Anh vừa được phát hiện trong cộng đồng một ngày trước đó.
Cho đến nay, Australia đã phát hiện 2 ca nhiễm biển thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh, đều là người nhập cảnh đang được cách ly. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng khoảng 80.000 lượt/tuần và 4 triệu người dân sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 3.
* Tại châu Mỹ, ngày 7/1, Bộ Y tế Cuba thông báo hiện ghi nhận 13.479 ca nhiễm Covid-19. Chỉ riêng trong ngày 6/1, đảo quốc này đã phát hiện 314 ca mắc mới, trong đó có 239 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong một cuộc họp báo, Giám đốc Dịch tễ Quốc gia Cuba Francisco Durán nhận định tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp với sự gia tăng các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Mặc dù số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng, song ông Francisco Durán khẳng định Cuba có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại cơ sở cho tất cả những trường hợp cần thiết theo các phác đồ được thiết lập sẵn.
Giám đốc Dịch tễ Quốc gia bày tỏ tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Cuba như nước này đã thể hiện trong năm 2020, đồng thời kêu gọi người dân tích cực tham gia vào công tác phòng bệnh và nâng cao ý thức cá nhân.
Chính quyền thủ đô Bogota của Colombia đã ban bố tình trạng báo động đỏ, bao gồm cả hệ thống bệnh viện, đồng thời ra lệnh phong tỏa trong 4 ngày kể từ ngày 7/1 để ngăn chặn gia tăng tốc độ lây lan trở lại của dịch bệnh Covid-19, cũng như nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Mọi biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm sẽ được áp dụng tới ngày 12/1, rồi sau đó áp tiếp lệnh giới nghiêm ban đêm đến hết ngày 17/1.
Theo Thị trưởng Lopez, thủ đô Bogota với 8 triệu dân đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, thậm chí nguy hiểm và lây lan nhanh hơn đợt đầu. Hiện Chính phủ Colombia đang áp lệnh giới nghiêm ban đêm ở tất cả các thành phố có Đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân Covid-19.
Tính tới nay, Colombia đã ghi nhận 1,71 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 44.723 người tử vong. Riêng thủ đô Bogota có 496.317 ca bệnh và 10.203 ca tử vong.
Chính phủ Argentina cũng thông báo sẽ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tại quốc gia Nam Mỹ này đang gia tăng một cách đáng lo ngại.
Dự kiến thời gian hạn chế sẽ được áp dụng từ 23h-5h và có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi địa phương.
Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 43.976 ca tử vong và đặc biệt trong những ngày gần đây, các ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh trở lại lên trên 10.000 ca/ngày so với mức hơn 5.000 ca/ngày cách đây 1 tháng.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Chính quyền bang Sao Paulo của Brazil thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac do tập đoàn dược Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và bào chế cho thấy hiệu quả vào khoảng 78%.
Thống đốc Joao Doria cho biết, bang Sao Paulo sẽ chính thức triển khai chương trình tiêm chủng đại trà từ ngày 25/1 tới.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế thông báo nước này sẽ tiếp nhận 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ Ấn Độ trong tháng 1 và 500.000 liều tiếp theo vào tháng 2. Lô vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm phòng cho 1,25 triệu nhân viên y tế tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc.
Trong khi đó, ngày 7/1, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của nước này đã cấp phép cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Trong tháng 12 vừa qua, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa COVID-19 với tổng cộng 3 triệu liều do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Indonesia lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào ngày 13/1 tới.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson xác nhận hiện đã có 1,5 triệu người dân nước này được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa bệnh Covid-19, đồng thời cho biết, hơn 1.000 phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn Anh sẽ tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 15/1.
Bên cạnh đó, sẽ có 223 bệnh viện và 7 trung tâm tiêm chủng lớn và 200 hiệu thuốc cũng sẽ cung cấp dịch vụ tiêm chủng phòng Covid-19.
* Về thuốc điều trị Covid-19, ngày 7/1, giới chức y tế Cuba cho biết, nước này sẽ sử dụng thuốc Nasalferon cho những người nhập cảnh và những người tiếp xúc với họ để ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Đây là dược phẩm do Cuba tự sáng chế và đã chứng minh được tác dụng cũng như hiệu quả cao trong phòng ngừa Covid-19. Thuốc Nasalferon sẽ được sử dụng bằng đường mũi với liều lượng 2 giọt mỗi ngày, kéo dài từ 5 - 10 ngày. Những người được xác định sẽ tiếp xúc với khách du lịch sẽ được sử dụng thuốc trước 3 ngày để nâng cao khả năng kháng bệnh.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận