Cập nhật Covid-19 ngày 25/3: EU siết quy định xuất khẩu vaccine; 29 triệu liều vaccin AstraZeneca không rõ mục đích; Campuchia kêu gọi hợp tác
Theo Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 125,4 triệu ca nhiễm Covid-19, 2.756.679 ca tử vong và gần 101,3 triệu bệnh nhân bình phục.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi Covid-19 vẫn là Mỹ với 558.422 ca tử vong trong tổng số 30.704.098 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 301.087 ca tử vong trong số 12.227.179 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 160.726 ca tử vong trong số 11.787.013 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 236 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 196 người và Montenegro 194 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 41,8 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 928.100 ca tử vong.
Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 750.300 ca tử vong trong hơn 23,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 566.500 ca tử vong trong hơn 30,8 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 267.500 ca tử vong trong hơn 17,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 111.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 110.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 974 người.
* Tại châu Mỹ
Hơn 40 bang tại Mỹ cam kết hoàn tất chủng ngừa cho toàn bộ người trưởng thành trước thời hạn ngày 1/5 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra.
Tính tới thời điểm này, ít nhất 30 bang tại Mỹ đã cho phép tiêm chủng rộng rãi cho toàn bộ người trưởng thành bắt đầu từ tháng này hoặc tháng 4 tới. Riêng trong tuần này, 7 bang đã tuyên bố ngày cụ thể cho phép tất cả người trưởng thành được tiêm chủng, trong đó 3 bang Texas, Indiana và Georgia đã cho phép triển khai tiêm chủng rộng rãi từ cuối tháng 3.
Trong khi đó, Thống đốc Andrew Cuomo chưa định đưa ra ngày cụ thể cho phép tiêm chủng rộng rãi đối với toàn bộ người dân trưởng thành ở bang New York, bởi ông muốn thực hiện lộ trình tiêm chủng theo độ tuổi hạ dần dựa trên lượng vaccine được chính quyền liên bang cung cấp.
Kể từ ngày 23/3, toàn bộ những người trên 50 tuổi ở New York đã được phép tiêm vaccine, ngoài đối tượng ưu tiên là giáo viên, những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, người có bệnh nền dễ bị virus tấn công. Hiện mỗi ngày nước Mỹ thực hiện khoảng 2,5 triệu mũi tiêm. Khoảng 14% dân số đã hoàn tất cả hai mũi tiêm.
Tổng thống Bolivia Luis Arce dự kiến sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả các đối tượng là người cao tuổi vào tháng 10 tới. Ông Arce thông báo Bolivia đã nhận được lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2021 và các chuyến hàng đặc biệt này được tăng dần về số lượng trong tháng 2 và 3.
Ông khẳng định ưu tiên đầu tiên là tiêm vaccine được cho tất cả những đối tượng dễ bị tổn thương do vẫn chưa thể có đủ vaccine để tiêm được hết cho toàn bộ người dân.
Bolivia, một trong những nước nghèo nhất ở Mỹ Latinh, không có đủ tiềm lực để có thể đạt được nhiều thỏa thuận song phương mua vaccine như một số nước khác trong khu vực. Đến nay nước này mới ký thỏa thuận với các hãng dược phẩm của Nga và Trung Quốc, cũng như được cam kết cung cấp một số lượng giới hạn thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ.
Ngày 24/3, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19 nhằm giúp chính phủ có được sự phối hợp với thống đốc các bang với sự trung gian của Quốc hội.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Bolsonaro có cuộc họp khẩn cấp với Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, một số thống đốc bang và các bộ trưởng để thảo luận về những diễn biến tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày không ngừng gia tăng.
Dự kiến Ủy ban này sẽ nhóm họp hàng tuần để cập nhật về tình hình dịch bệnh và đưa ra các phương án đối phó. Nhiều địa phương của nước này đã phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội, tạm dừng mọi hoạt động không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
* Tại châu Âu, trước làn sóng đại dịch Covid-19 gia tăng, Bỉ quyết định sẽ thực hiện đợt giãn cách xã hội mới kể từ ngày 27/3.
Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trong 4 tuần từ ngày 27/3 đến 25/4 và chỉ phục vụ theo lịch hẹn trước và thực hiện bán hàng trên mạng. Các dịch vụ có tiếp xúc gần như hiệu cắt tóc, cửa hàng làm đẹp sẽ không được hoạt động. Các biện pháp mới này cũng được áp dụng với các trường học, trừ bậc học mầm non, kể từ ngày 29/3.
Ngày 24/3, Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, giúp khối này có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine tới những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn và những nước sản xuất vaccine song không xuất khẩu sang EU.
Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, cảnh sát Italy đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29 triệu liều vaccine AstraZeneca không rõ mục đích tại một nhà máy Catalent ở thành phố Anagni, gần Rome.
Ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối kiêm phụ trách lực lượng chuyên trách về vaccine của EU, nêu rõ EU không xem xét số lượng vaccine trên có dành cho EU hay không song nếu AstraZeneca muốn xuất khẩu lô vaccine này ra ngoài EU, hãng phải trình yêu cầu cấp phép xuất khẩu tới cơ quan chức năng Italy.
Trước những thông tin yêu cầu minh bạch về lô vaccin nói trên, trong một thông báo cùng ngày, hãng dược phẩm AstraZeneca cho hay 13 triệu liều trong số vaccine trên được dành cho chương trình COVAX của Liên hợp quốc để phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và 16 triệu liều còn lại đang đợi thẩm định chất lượng để chuyển đến châu Âu.
Trang tin Euractiv.com ngày 24/3, dẫn lời Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết, quy trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của EU “không diễn ra tốt đẹp” và nói thêm rằng EU không thể là “một khối ích kỷ”.
Theo ông Rebelo de Sousa, việc cung ứng vaccine của EU vẫn chưa có nhiều tiến triển do không có khả năng sản xuất và giao hàng theo những hợp đồng đã ký kết. Tổng thống Bồ Đào Nha nêu rõ: “Quan điểm của các quốc gia khác nhau về việc ngừng tiêm chủng cũng không được tốt. EU là một liên minh, không phải là tổng hợp sự ích kỷ của từng quốc gia. Do đó, việc từng quốc gia đưa ra quyết định đình chỉ hoặc không đình chỉ tiêm chủng là không đúng”.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 25-26/3 tại thủ đô Brussels của Bỉ bằng hình thức trực tuyến sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng sức khoẻ do đại dịch Covid-19 gây nên.
Liên quan đến vấn đề Covid-19, ưu tiên hàng đầu của EU là tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng trên toàn liên minh. Để đạt được mục tiêu này, EU tập trung thúc đẩy sản xuất, tăng cường cung cấp vaccine và đảm bảo tính minh bạch trong việc phân phối cho các quốc gia thành viên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đề cập đến hộ chiếu vaccine và việc mở cửa du lịch quốc tế.
* Tại Đông Nam Á, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ngày 24/3 kêu gọi 6 nước Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) tiếp tục thể hiện sự đoàn kết để đối phó với đại dịch Covid-19.
Trong thông điệp kỷ niệm Tuần lễ LMC trong năm 2021, ông Sokhonn cho biết năm 2020 đã bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19 và tác động sâu rộng của nó đối với an toàn sức khỏe cộng đồng, sự di chuyển của con người và dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Prak Sokhonn cho biết để đảm bảo sự phục hồi kinh tế xã hội đầy hứa hẹn sau đại dịch, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo LMC lần 3 vào tháng 8 tới, các nhà lãnh đạo của các nước LMC đã tái khẳng định quyết tâm giải quyết các tác động nghiêm trọng do Covid-19 gây ra bằng cách nâng cấp hợp tác về sức khỏe cộng đồng, thông qua việc thành lập Cộng đồng Y tế Công cộng Lan Thương-Mekong.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận