menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Cập nhật Covid-19 ngày 21/6: Ấn Độ phát hiện biến chủng mới của virus; thủ đô Indonesia phá kỷ lục số ca mắc mới; biến thể Delta đe dọa EU

Toàn cầu ghi nhận hơn 179,25 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,88 triệu trường hợp tử vong và gần 163,82 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 21/6: Ấn Độ phát hiện biến chủng mới của virus; thủ đô Indonesia phá kỷ lục số ca mắc mới; biến thể Delta đe dọa EU
Ấn Độ sẽ miễn phí vaccine Covid-19 cho các tiểu bang để tiêm chủng cho tất cả những người trên 18 tuổi kể từ ngày 21/6. (Nguồn: PTI)

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 295.761 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (53.009 ca), Brazil (44.178 ca), Colombia (27.818 ca), Nga (17.611 ca), Indonesia (13.737 ca), Nam Phi (13.155 ca), Argentina (10.395 ca), ....

Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới - ghi nhận 4.422 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34.406.001 ca, trong đó 617.166 ca tử vong.

Trong vòng 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 5%, trong đó số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 10%, châu Âu giảm 3%.

Tuy nhiên, so với tuần trước nữa, tốc độ sụt giảm số ca mắc mới trong 7 ngày qua tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đang chậm dần. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày tăng tới 29%, châu Đại dương tăng 25% và Nam Mỹ tăng 1%.

* Tại châu Á, đến nay khu vực này ghi nhận 54,5 triệu người đã nhiễm Covid-19, trong đó có 767.426 ca tử vong.

Ấn Độ, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục, lại phát hiện 20 trường hợp nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 mới với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1) ở bang Maharashtra.

Theo thông tin từ y tế địa phương, virus đột biến mới này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Trước đó, 3 biến thể của chủng này đã được phát hiện bao gồm B.1.617.1 (Delta), B.1.617.2 (Kappa) và B.1.617.3, trong khi chủng mới này được phân biệt bằng đột biến K417N trong protein gai, có thể làm giảm hoạt tính của huyết thanh và kháng thể của những người đã bị bệnh hoặc đã tiêm vaccine.

Theo ghi nhận của các bác sĩ Ấn Độ, chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay tại châu Âu.

Trong khi đó, ngày 20/6, chính quyền bang Delhi thông báo, Thủ đô New Delhi sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 21/6.

Theo đó, các quán bar sẽ được phép hoạt động với 50% công suất, từ 12 giờ trưa đến 10 giờ đêm và phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Công viên công cộng, khu vườn, các hoạt động yoga ngoài trời và câu lạc bộ golf sẽ mở cửa trở lại từ ngày 21/6.

Tuy nhiên, các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, spa, trường học, cao đẳng, hồ bơi, phòng chiếu phim, phòng tiệc, nơi thờ tự sẽ tiếp tục bị đóng cửa trong ít nhất 1 tuần nữa.

Bên cạnh đó, chính quyền bang Delhi sẽ giới hạn 20 khách cho một đám cưới, tang lễ có thể được tổ chức với tối đa 20 người tham dự.

Tại Indonesia, ngày 20/6, thủ đô Jakarta đã ghi nhận thêm 5.582 ca mắc Covid-19, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp thành phố này phá vỡ kỷ lục với hơn 4.000 ca mắc mới mỗi ngày, cũng là ngày Jakarta ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Tính đến nay, thành phố thủ đô của Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 474.029 ca mắc Covid-19, trong đó 435.904 ca đã phục hồi và 7.768 ca tử vong.

Trưởng Bộ phận Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Sở Y tế Jakarta, bà Dwi Oktavia cho biết, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở Jakarta lần này xuất phát từ làn sóng người dân đổ về quê nhân dịp lễ xả chay Eid al-Fitr cuối tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, tính đến ngày 20/6, tỷ lệ sử dụng giường cách ly để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại khu vực Jakarta đã lên tới 87%, trong khi tỷ lệ lấp đầy giường áp lực âm sắp chạm ngưỡng 90%.

Trên toàn quốc, tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này là 1.989.909 ca, trong đó 1.792.528 ca đã hồi phục và 54.662 ca tử vong.

Từ ngày 21/6, Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 đồng bộ tại nơi làm việc trên cả nước, hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêm chủng toàn quốc vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tính đến hết ngày 18/6, đã có 12,73 triệu người đăng ký tiêm chủng tại hơn 3.400 địa điểm tiêm chủng ở nơi làm việc hoặc trường đại học trong cả nước.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, nếu việc phân phối vaccine thuận lợi, dự kiến có tối đa 260 địa điểm sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ngay trong ngày 21/6.

Vaccine được sử dụng trong đợt tiêm chủng này là vaccine của hãng dược Moderna (Mỹ), đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cấp phép lưu hành từ ngày 21/5.

* Tại châu Âu, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, đang bùng phát tại Anh, hiện đã lan rộng ở Bồ Đào Nha (chiếm 96% ca mắc mới) cũng như xuất hiện tại một số nước như Italy (chiếm 20%), Bỉ (16%), Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Điều này làm dấy lên lo ngại biến thể mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.

Các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.

Các nhà khoa học châu Âu hiện đang tập trung vào Anh - nơi số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến thể Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc Covid-19 - để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó.

Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến thể Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến thể Alpha được phát hiện tại Anh, chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm 4 tuần.

Nhà virus học Bruno Lina, cố vấn của chính phủ Pháp, cho biết các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thí nghiệm đối với châu Âu.

Nghiên cứu gần đây của chính phủ Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành chương trình tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Một số nhà khoa học lo ngại, biến thể Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu vì chi phí cao và tốn thời gian.

Các chuyên gia tin rằng, biến thể Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện và chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 20/6, Quyền thủ hiến bang Victoria của Australia, ông James Merlino cho biết, các cơ quan nghiên cứu của bang đã sẵn sàng triển khai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 phát triển theo công nghệ mRNA dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian vài tháng.

Theo ông Merlino, chính quyền bang Victoria sẽ phân bổ khoản kinh phí trị giá 5 triệu AUD (khoảng 3,74 triệu USD) từ quỹ Nghiên cứu mRNA trị giá 50 triệu AUD (37,4 triệu USD) để giúp Viện Khoa học Dược phẩm Monash sản xuất các liều vaccine theo công nghệ mRNA dùng cho các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới.

Hiện nay trên thế giới, vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Công nghệ này sử dụng mã di truyền có tên là RNA để kích hoạt sản sinh các loại protein đột biến nhằm tạo ra đột biến cụ thể của virus SARS-CoV-2.

Các tế bào miễn dịch của cơ thể thông qua nhận ra protein đột biến là ngoại lai, sẽ bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch chống lại.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại