Cập nhật Covid-19 ngày 16/4: Số ca tử vong vượt 3 triệu, Ấn Độ quá tải các cơ sở hỏa táng, Campuchia có thể kéo dài lệnh phong tỏa
Số người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã vượt quá 3 triệu người, số người thiệt mạng tiếp tục tăng.
Trang thống kê Worldometer cung cấp số liệu cho thấy, tính đến 4 giờ chiều 17/4 (theo giờ Việt Nam), số người chết do mắc Covid-19 trên toàn cầu là 3.014.240 người. Mỹ vẫn là quốc gia có số người mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất trên thế giới với 32.305.912 người nhiễm virus và 579.942 người tử vong.
Sau khi tạm thời lắng dịu vào tháng trước, số ca tử vong do Covid-19 ghi nhận theo ngày đã tăng đột biến trở lại, với mức trung bình 12.000 ca/ngày. Trong khi một số quốc gia như Israel đã cho thấy hiệu quả từ chiến dịch tiêm chủng đại trà, những nước khác như Ấn Độ vẫn tiếp tục phải vật lộn khi số ca nhiễm lây lan nhanh chóng. Mỹ vẫn là quốc gia có số người mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất trên thế giới với 32.305.912 người nhiễm virus và 579.942 người tử vong.
* Chiều 17/4, chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 759 trường hợp mới mắc Covid-19 trong 24 giờ qua - đây là con số thống kê theo ngày cao nhất ở thủ đô của Nhật Bản kể từ cuối tháng 1, trong bối cảnh nước này đang oằn mình ứng phó đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19.
Một số tỉnh của Nhật Bản đã xác nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua, trong đó tỉnh Hyogo ở miền Tây Nhật Bản có 541 trường hợp, tỉnh Okinawa ở miền Nam có 167 trường hợp và tỉnh Tokushima ở miền Tây ghi nhận 44 trường hợp.
Với 1.161 ca mắc mới, tỉnh Osaka đã có ngày thứ 5 liên tiếp chứng kiến số ca mắc mới vượt mốc 1.000 trường hợp. Trong khi đó, tỉnh Kanagawa, gần thủ đô Tokyo, cũng ghi nhận 247 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 - mức cao nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào tháng 3 vừa qua.
Đầu tuần này, chính quyền thủ đô Tokyo đã siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch. Các biện pháp tăng cường này sẽ được áp dụng đến hết ngày 11/5 tới, trong đó yêu cầu các nhà hàng và quán bar ở những khu vực đông dân cư đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện lớn có trên 5.000 người tham gia. Các quy định tương tự cũng được áp dụng tại tỉnh Kyoto, Okinawa, Osaka, Hyogo và Miyagi.
* Tính đến chiều 17/4, Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 291 ca mắc Covid-19 mới, trong số này có 290 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Campuchia tiếp tục phức tạp với tổng cộng 5.771 ca lây nhiễm (2.416 người đã bình phục) khi thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao bước sang ngày phong tỏa thứ ba. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 16/4 cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại hai khu vực trên và mở rộng ra một số tỉnh khác tại Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định, nếu không có sự hợp tác của người dân, mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19 sẽ khó có thể thực hiện. Người đứng đầu chính phủ tuyên bố, những người dân đã bỏ về quê tại các tỉnh trong dịp Tết Chol Chhnam Thmey cổ truyền sẽ không được phép quay trở lại thủ đô trong thời gian phong tỏa (từ ngày 15-28/4).
Liên quan tới việc siết chặt lệnh phong tỏa, người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap khẳng định, bất kỳ cá nhân nào vi phạm các biện pháp phong tỏa sẽ nhận hình phạt thích đáng theo Luật phòng chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Campuchia đang nỗ lực chống dịch Covid-19. Quốc gia Đông Nam Á đã tiêm chủng cho hơn 1 triệu người và có kế hoạch tiêm vaccine cho khoảng 10 triệu trong hơn 16 triệu dân cả nước.
* Ngày 17/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận 234.692 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Ấn Độ ở mức trên 200.000 ca/ngày và là mức tăng kỷ lục thứ 8 trong 9 ngày qua, đưa tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 14,52 triệu người, trong đó có 175.649 trường hợp tử vong, tăng thêm hơn 1.300.
Bang Maharashtra và thủ đô New Delhi đang chứng kiến số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ trước đến nay, lần lượt là 63.729 và 19.486 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, các nhà chức trách Ấn Độ đã hạn chế hoạt động đi lại của hơn một nửa dân số, với việc 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang của nước này, trong đó có Maharashtra và Delhi, áp đặt các biện pháp hạn chế bằng hình thức giới nghiêm ban đêm hoặc giới nghiêm cuối tuần và những hạn chế khác.
Trong khi đó, nhiều người đang lo ngại về tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế tại các bệnh viện cũng như sự quá tải của các cơ sở hỏa táng tại Ấn Độ. Hãng Fitch Solutions đánh giá hệ thống y tế của Ấn Độ chưa sẵn sàng để ứng phó với đợt gia tăng chưa từng có các ca nhiễm Covid-19 như hiện nay, đồng thời nhấn mạnh, khi Ấn Độ tiếp tục thiếu kinh phí y tế và cơ sở hạ tầng y tế, đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được ngăn chặn phù hợp.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách hạn chế các hoạt động liên quan đến lễ hội tôn giáo Kumbh Mela đang diễn ra ở Haridwar, bang Uttarakhand, với sự tham gia của hàng triệu người. Ông kêu gọi nên tổ chức các sự kiện còn lại của lễ hội bằng nghi lễ mang tính biểu tượng.
* Bộ Y tế Lào xác nhận, nước này đã có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 58 người, trong đó có 1 ca nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là ca nhiễm thứ 3 liên quan tới hành vi nhập cảnh bất hợp pháp trong vòng 1 tuần qua tại Lào.
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Lào cho biết, cả 4 trường hợp nhiễm mới đều là lao động Lào trở về từ Thái Lan, trong đó các ca 55-56-57 đều là nhập cảnh hợp pháp và được cách ly ngay. Trong khi bệnh nhân số 58 là một trường hợp nhập cảnh trái phép.
Đến thời điểm hiện tại, Lào vẫn chưa có trường hợp nào tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng gia tăng tại Lào trong những ngày qua, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng của Lào là Thái Lan và Campuchia đang có đợt bùng phát nghiêm trọng.
* Ukraine tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech qua cơ chế COVAX. Ngày 16/4, Bộ Y tế Ukraine cho biết nước này đã nhận được lô vaccine đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech gồm 117.000 liều thông qua cơ chế COVAX. Theo kế hoạch, số vaccine này sẽ ưu tiên chủng ngừa cho nhân viên và người dân ở các cơ sở dưỡng lão, nhân viên của cơ quan tình trạng khẩn cấp và lực lượng biên phòng.
Ngoài số vaccine trên, Ukraine đã nhận được 500.000 liều vaccine của hãng Oxford/AstraZeneca và lô vaccine CoronaVac đầu tiên do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.
Cùng ngày, Bộ Y tế Công cộng Uruguay thông báo sẽ gửi một phần trong số 48.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca mà nước này mới nhận được thông qua cơ chế COVAX tới các tỉnh giáp biên giới với Brazil.
Bộ Y tế cho biết, nước này sẽ nhận được tổng cộng 1,5 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX. Ngoài ra, Uruguay đã mua 3,8 triệu liều vaccine từ các hãng dược phẩm Sinovac và Pfizer/BioNTech, trong đó khoảng 2 triệu liều đã được sử dụng.
Cho đến nay, khoảng 35,5% dân số Uruguay đã được tiêm chủng các loại vaccine ngừa Covid-19, hầu hết là vaccine CoronaVac của Trung Quốc hoặc Pfizer/BioNTech. Các cơ quan y tế của nước này đã triển khai tiêm chủng cho tổng cộng 1.230.000 người, trong đó 243.000 người đã được tiêm liều thứ hai.
* Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngày 17/4 tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này đã sẵn sàng đăng cai một "World Cup không Covid-19" vào năm 2022.
Theo hãng thông tấn quốc gia Qatar QNA, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani khẳng định, Dubai đã đàm phán với các nhà cung cấp vaccine để đảm bảo, tất cả những người tới tham dự Vòng chung kết World Cup 2022 đều sẽ được tiêm chủng ngừa Covid-19.
Ông al-Thani nêu rõ: "Hiện tại một số chương trình đang được phát triển nhằm cung cấp vaccine cho tất cả những ai tham dự World Cup. Chúng tôi hy vọng có thể tổ chức một sự kiện không có nỗi ám ảnh về Covid-19". Ông đồng thời bày tỏ sự tự tin rằng, World Cup 2022 sẽ là sự kiện trung hòa carbon có quy mô toàn cầu đầu tiên trên thế giới.
Trước đó, trong thông báo hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) - ông Gianni Infantino bày tỏ tin tưởng các trận đấu trong khuôn khổ VCK World Cup 2022 tại Qatar sẽ diễn ra trên các sân vận động "không còn một chỗ trống".
(theo AFP, Reuters, TTXVN)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận