24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoài Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cập nhật Covid-19 ngày 15/6: Ấn Độ mở lại đền Taj Mahal; Nhật Bản tính "nới nhẹ" ở Tokyo trước Olympic; thế giới cần hơn 11 tỷ liều vaccine

Toàn cầu ghi nhận hơn 177 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,83 triệu ca tử vong và hơn 161,2 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là hơn 34,3 triệu và 615.263 ca.

Ấn Độ đứng thứ 2 với tổng số 29.570.035 ca bệnh, trong đó 377.061 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với tổng số 17.454.861 ca nhiễm, trong đó 488.404 ca tử vong.

* Châu Á hiện là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 133.122 người mắc bệnh, trong đó có 2.592 trường hợp tử vong.

Ngày 14/6, với tín hiệu tích cực khi số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày giảm mạnh, chính phủ Ấn Độ thông báo mở cửa lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra vào tuần này, sau hai tháng đóng cửa do tình hình dịch phức tạp trong nước.

Giới chức quốc gia Nam Á khẳng định sẽ áp đặt mọi biện pháp phòng dịch tại khu vực đền. Theo quy định mới, du khách phải thực hiện khử trùng giày dép trước khi vào thăm đền Taj Mahal và không được phép chạm vào lăng mộ bằng đá cẩm thạch.

Đền Taj Mahal là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Ấn Độ, thu hút 7 triệu lượt du khách tới thăm mỗi năm.

Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại quốc gia 1,3 tỷ dân này đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, buộc các nhà chức trách áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch.

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ trong nhiều tuần qua đã khả quan hơn tại một số thành phố lớn, gồm thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai. Một số biện pháp phòng dịch tại đây đã được nới lỏng.

Tại Nhật Bản, ngày 14/6, ghi nhận thêm 936 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, giảm mạnh so với con số 7.766 ca hôm 9/5, mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 này.

Ngày 14/6 cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở Nhật Bản giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày kể từ hôm 2/3.

Đáng chú ý, tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố chỉ ghi nhận thêm 209 ca nhiễm mới, giảm 26 ca so với một tuần trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Osaka - tâm dịch của làn sóng lây nhiễm lần này, cũng giảm 15 ca so với một tuần trước đó xuống còn 57.

Thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang tạm lắng ở nhiều tỉnh, thành của Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, chính phủ dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở phần lớn các tỉnh, thành trước khi Olympic khai mạc vào tháng tới và đưa một số địa phương, trong đó có Tokyo, vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm - một phương án phòng dịch bớt quyết liệt hơn so với tình trạng khẩn cấp.

Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết, chính phủ sẽ xem xét liệu có duy trì các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo hay không, hay dỡ bỏ các biện pháp này trước khi thế vận hội khai mạc vào ngày 23/7.

Tại Lào, ngày 14/6, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 14 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại 4/18 tỉnh thành trên cả nước trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 vượt con số 2.000 ca, trong đó có trên 1.950 ca được phát hiện từ giữa tháng 4 đến nay.

Trong số 14 ca mắc mới có 7 ca tại khu cách ly nhập cảnh và 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đều tại thủ đô Vientiane, trong đó có tới 6 ca không có triệu chứng bệnh.

Sau gần 2 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, việc số ca nhiễm trong cộng đồng có dấu hiệu tăng trở lại và đa số người bị nhiễm mới đều không có triệu chứng bệnh đang đặt ra thách thức mới cho công tác phòng chống Covid-19 của chính phủ Lào.

* Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa Covid-19 ở Anh sẽ lùi đến ngày 19/7 thay vì ngày 21/6 theo kế hoạch ban đầu, trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng mạnh do biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

Ông Johnson cho biết, kế hoạch này sẽ được xem xét sau 2 tuần và ông tin rằng, thời gian phong tỏa sẽ không lâu hơn 4 tuần.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Iran Said Namaki cho hay, vaccine COVIran Barekat do nước này tự sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp và sẽ được bổ sung vào chương trình tiêm chủng quốc gia kể từ tuần tới.

Động thái trên nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt vaccine nhập khẩu và tạo điều kiện để người dân Iran sớm nhận được đủ 2 mũi tiêm ngừa Covid-19.

Đã có hơn 4,3 triệu người dân Iran được tiêm ngừa Covid-19 mũi đầu tiên kể từ khi chương trình tiêm chủng bắt đầu trong tháng 2 năm nay, song mới chỉ có dưới 1 triệu người nhận đủ 2 mũi tiêm cần thiết.

Cùng ngày, hãng dược Novavax của Mỹ thông báo, vaccine của hãng đạt hiệu quả tổng thể khoảng 90,4% trong phòng chống bệnh, bao gồm cả các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Novavax cho biết, hãng có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 vào quý III năm nay và có thể sản xuất tới 100 triệu liều/tháng vào cuối quý này, tăng lên mức 150 triệu liều/tháng vào năm sau.

* Liên quan vấn đề chia sẻ vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế cho rằng, cam kết của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn.

Ông Carl Bildt, đặc phái viên của WHO về chương trình ACT Accelerator (cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị Covid-19), cho hay, để thực sự chấm dứt đại dịch, mục tiêu là phải tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào thời điểm các nước G7 gặp lại nhau ở Đức vào năm 2022.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Bildt, từng là Thủ tướng Thụy Điển, nói rằng, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine, và điều này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của cả G7 và Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả