menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Thơ

Cập nhật Covid-19 ngày 15/11: Thêm gần 9.000 người tử vong trong 1 ngày, 20 triệu người Mỹ có thể được tiêm vaccine theo Chiến dịch Thần tốc

Thế giới đã ghi nhận tổng cộng 54.318.729 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 1.318.038 ca tử vong.

Toàn cầu ghi nhận gần thêm 600.000 ca nhiễm Covid-19 mới và thêm 8.965 ca tử vong trong 24 giờ qua. Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 11.226.038 ca nhiễm và 251.256 ca tử vong do Covid-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 8.814.902 ca nhiễm và 129.674 ca tử vong, tiếp đó Brazil với 5.848.959 ca nhiễm và 165.673 ca tử vong.

Chiến dịch nghiên cứu vaccine thần tốc của Chính phủ Mỹ cho biết, khoảng 20 triệu người có thể được tiêm vaccine Covid-19 vào tháng sau. Ông Moncef Slaoui, đồng lãnh đạo của Chiến dịch Thần tốc - sáng kiến do Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hợp tác với các công ty dược phẩm nhằm nghiên cứu và đẩy nhanh sản xuất vaccine và thuốc chống Covid-19, hôm 13/11 cũng cho biết có thể từ 25 tới 30 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine mỗi tháng, bắt đầu từ tháng sau.

Mốc thời gian cụ thể tùy thuộc vào việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp một hay nhiều loại vaccine, ông Slaoui lưu ý.

Công ty Pfizer mới đây, công bố dữ liệu đầy hứa hẹn cho thấy, vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả 90% và sẽ đệ đơn xin cấp phép lưu hành lên FDA vào cuối tháng. Moderna, đơn vị đang hợp tác chặt chẽ với Viện Y tế Quốc gia, đang chuẩn bị công bố dữ liệu nghiên cứu của mình trong vài ngày tới. Ông Slaoui cho hay công ty này sẽ sớm nộp đơn xin cấp phép lưu hành.

Hiện Chính phủ Mỹ chưa đưa ra kế hoạch toàn diện để phân phối bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào, bao gồm cả kế hoạch vận chuyển và bảo quản, bởi vaccine cần được vận chuyển ở nhiệt độ âm và đưa tới những cộng đồng có nguy cơ cao.

* Tại châu Á, Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 41.659 ca nhiễm và 449 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.814.902 và 129.674.

Thủ đô New Delhi cuối ngày 12/11 ghi nhận ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục với hơn 7.000 trường hợp chỉ trong 24 giờ. Trong khi các khu vực khác ở Ấn Độ đã giảm ca nhiễm mới đáng kể từ đỉnh dịch giữa tháng 9, thủ đô 20 triệu dân đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhiều bệnh viện tại New Delhi hiện rơi vào tình trạng quá tải.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 15/11 cho biết, trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 208 ca nhiễm mới, trong đó có 176 ca lây nhiễm nội địa, nâng tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên 28.546 ca, trong đó có 493 ca tử vong. Giới chức y tế cho rằng, nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày qua là do các ổ dịch từ hoạt động tụ tập của người dân, khiến việc xác định con đường lây lan trở nên khó khăn.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 463.007 ca nhiễm, tăng 5.272 so với hôm trước, trong đó 15.148 người chết, tăng 111 ca. Tổng thống Indonesia Widodo hôm 13/11 cho biết nước này đã xin cấp phép khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng loạt để đối phó đại dịch.

* Tại châu Âu, Chính phủ Áo ngày 15/11 thông báo sẽ khôi phục các hạn chế để phòng chống đại dịch Covid-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nêu rõ từ ngày 17/11 tới ngày 6/12, tình trạng phong tỏa mới sẽ được tái áp đặt như trước. Trong những ngày qua, số ca mới mắc Covid-19 ở Áo đã tăng nhanh hơn hai quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ và CH. Czech, với khoảng 10.000 ca mới trong ngày 13/11. Tình trạng hiện nay đang tạo ra sức ép lớn với hệ thống y tế của Áo, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là 1.700 ca.

Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ban hành chỉ thị mới bổ sung thêm 2 vùng là Campania và Toscana vào danh sách vùng đỏ - vùng có rủi ro cao nhất về dịch Covid-19. Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 15/11. Các khu vực vùng đỏ sẽ bị phong tỏa với các quy định: đình chỉ các hoạt động ra, vào khu vực và các hoạt động di chuyển trong khu vực (trừ các trường hợp cần thiết, khẩn cấp); đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, quán bar, nhà hàng (trừ các trường hợp phục vụ tại nhà và mang đi); đình chỉ các hoạt động thể thao; bắt buộc giảng dạy trực tuyến đối với bậc học từ THPT trở lên…

Tại Bỉ, tình hình dịch Covid-19 dường như đã qua đỉnh dịch của đợt bùng phát lần hai với gần 1.500 bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu. Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo đã quyết định duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt thêm 2 tuần nữa do tình hình vẫn nghiêm trọng. Với dân số chỉ 11,5 triệu dân, kể từ đầu đại dịch Covid-19 tới nay, quốc gia nhỏ bé được mệnh danh là “Trái tim châu Âu” này có tổng cộng 525.012 ca nhiễm và 14.106 ca tử vong.

* Tại châu Mỹ, Brazil - vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 712 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 165.658. Số người nhiễm Covid-19 tăng 29.463 ca trong 24 giờ qua, lên 5.848.959.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.

Bộ Y tế Mexico ngày 14/11 thông báo số ca mắc Covid-19 đã vượt 1 triệu người với 2.859 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, đây là quốc gia thứ 11 trên thế giới vào danh sách các nước có số ca nhiễm hơn 1 triệu. Số ca tử vong đã tăng thêm 625 ca lên 98.259 ca. Từ đầu tháng 10, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trở lại tại Mexico khi nước này bước vào mùa Đông. Mexico là một trong số ít quốc gia trên thế giới không áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như phong tỏa, mà chỉ khuyến cáo người dân thực hiện giãn cách xã hội. Hiện Mexico có số ca tử vong cao thứ tư thế giới.

* Tại châu Phi, Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 749.182 ca nhiễm và 20.206 ca tử vong, tăng lần lượt 2.257 và 33 ca.

Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.

Ngày 14/11, các hoạt động đi lại và giao thương giữa Tunisia và Libya đã được nối lại, sau khi Chính phủ Tunisia dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới áp đặt từ 7 tháng trước để ngăn Covid-19 lây lan.

(theo Reuters, Politico, AFP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại