Cập nhật Covid-19 ngày 12/12: Hơn 71 triệu ca nhiễm bệnh toàn cầu, Hàn Quốc lại vượt đỉnh dịch, Mỹ và Mexico phê duyệt vaccine của Pfizer/Pfizer/BioNT
Tính đến 9h00 sáng 12/12 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 71 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 1,6 triệu ca tử vong.
Riêng nước Mỹ chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm bệnh Covid-19 toàn cầu (16.290.213 ca) và hơn 1/5 số ca tử vong (302.727 ca). Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 9,8 triệu ca) nhưng Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong (hơn 180.000 ca).
* Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 11/12 thông báo biên giới trên bộ của Mỹ với Canada và Mexico sẽ tiếp tục đóng đối với hoạt động đi lại không cần thiết, ít nhất cho tới ngày 21/1/2021, do số ca nhiễm tăng đột biến trên cả nước. Quyết định trên đồng nghĩa việc quyết định thời điểm nào dỡ bỏ những hạn chế về đi lại tại biên giới với hai nước lãng giềng, vốn đã được áp đặt từ hồi tháng 3 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 sẽ thuộc về nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo.
Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 18.816.884 ca nhiễm, tiếp theo là khu vực Nam Mỹ có 11.860.809 ca nhiễm và 338.217 ca tử vong. Brazil, Argentina và Colombia đều đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca nhiễm, trong đó số ca tử vong ở Argentina là 40.606 ca và ở Colombia là 38.669 ca.
Khu chăm sóc tích cực ở nhiều thành phố đã gần hết công suất. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, Chính phủ sẽ cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân sau khi cơ quan quản lý y tế Anvisa phê duyệt. Bolsonaro cũng cho biết, Bộ Kinh tế cam kết sẽ không thiếu nguồn lực cho những ai muốn tiêm vaccine.
Tối 11/12 (giờ Mỹ), Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa bệnh Covid-19 do hãng Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế.
FDA cho biết, vaccine trên có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên; đợt đầu tiên có khoảng 2,9 triệu liều vaccine. Ngay sau khi FDA công bố quyết định trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới".
Trong phát biểu ghi hình đăng trên mạng Twitter, ông Trump cho biết: "Thông qua các đối tác FedEx và UPS, chúng tôi đã bắt đầu vận chuyển vaccine đến các bang trên cả nước". Theo Tổng thống Trump, các thống đốc bang sẽ quyết định các đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên ở bang. Ông cho rằng, cần ưu tiên "các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh", nhấn mạnh rằng "điều này sẽ giúp giảm nhanh số ca nhập viện và số ca tử vong".
Sau khi được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine, Giám đốc điều hành BioNTech - Ugur Sahin ngày 11/12 cho biết, thách thức lớn nhất đối với hai công ty này giờ đây là phải sản xuất đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu rất lớn. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Sahin cho biết: "Chúng tôi cần giải quyết thách thức về sản xuất. Chắc chắn cần nhiều vaccine hơn và chúng tôi đang đối mặt với vấn đề làm thế nào để sản xuất nhiều hơn". Ông cho biết thêm hai công ty sẽ thảo luận việc nghiên cứu để vaccine này chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, thay vì hai mũi như hiện nay.
Trước đó cùng ngày, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) cũng đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cho biết, Cofepris đã hoàn tất quá trình đánh giá, kiểm định vaccine của Pfizer/BioNTech và cấp phép sử dụng loại vaccine này. Như vậy, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vaccine của Pfizer sau Anh, Cộng hòa Bahrain và Canada. Mỹ là quốc gia thứ 5 phê duyệt vaccine này.
Bộ Y tế Mexico thông báo sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên 250.000 liều trong tháng 12 này. Mexico đã ký thỏa thuận mua 34,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và 35 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc. Các thỏa thuận này nằm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và CanSino Biologics.
Chính phủ Mexico cho biết, kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch
* Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tổng cộng 19.458.976 ca nhiễm và 449.999 ca tử vong. Trong đó, Nga và Pháp đều đã ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm. Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (63.506 ca), tiếp theo là Italy với 63.387 ca. Tại các nước Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan, số ca nhiễm đều đã vượt 1,1 triệu.
Nga - vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.585 ca nhiễm Covid-19 và 613 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.597.711 và 45.893.
Điện Kremlin hôm 11/12 cho biết mặc dù số ca tử vong đang tăng lên, giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Moscow từ đầu tháng 12 bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên.
* Châu Á bị ảnh hưởng nhiều thứ hai thế giới, với tổng cộng 18.871.893 ca nhiễm và 309.367 ca tử vong. Sau Ấn Độ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục, Iran ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai với 51.727 ca. Các nước Iraq, Bangladesh, Philippines, Pakistan đã ghi nhận trên 430.000 ca nhiễm, Indonessia có 605.243 ca.
Đáng lưu ý, Hàn Quốc ghi nhận thêm 950 ca nhiễm mới, lần đầu tiên vượt mức đỉnh dịch 909 ca ghi nhận ngày 29/2. Số người tử vong do Covid-19 ở nước này đến nay là 578 người.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto cho biết, Cơ quan ngân sách của Bộ Tài chính đã đề nghị Tổng Thủ quỹ Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng khoản ngân sách 3637,3 tỷ Rupiah (45,4 triệu USD) để mua 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Theo Bộ trưởng Terawan Agus Putranto, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong đợt giao hàng đầu tiên từ phía Trung Quốc. Số lượng của đợt tiếp theo là 1,8 triệu liều và dự kiến sẽ được giao cho Indonesia trong tháng 1/2021. Nhân viên y tế Indonesia sẽ là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm phòng.
Bộ Y tế Indonesia đã dự kiến sẽ sử dụng 1,2 triệu liều vaccine đầu tiên để tiêm cho các nhân viên y tế tại khu vực đảo Java và Bali. Số nhân viên y tế còn lại sẽ được tiêm phòng trong đợt nhập lô vaccine thứ hai, ngay sau khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp.
Cũng theo Bộ trưởng Terawan Agus Putranto, việc tiêm chủng trên toàn quốc sẽ được Indonesia thực hiện dần dần và theo từng giai đoạn, căn cứ vào tình trạng sẵn có của vaccine. Indonesia đang hướng đến mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho 107.206.544 người trong độ tuổi từ 18 đến 59.
Indonesia ước tính sẽ cần tổng cộng khoảng 246,575 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong trường hợp mỗi người cần tiêm 2 liều và phải loại trừ 15% số vaccine có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
* Tại châu Phi, với 845.083 ca nhiễm và 22.956 ca tử vong, Nam Phi đã vượt xa nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu lục này là Maroc (394.564 ca nhiễm và 6.542 ca tử vong). Ai Cập có 120.611 ca nhiễm, ít hơn ở Maroc nhưng số ca tử vong nhiều hơn (6.877 ca).
* Châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, tuy nhiên trong 24 giờ qua vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới tại Australia, New Zealdand, Papu New Guinea...
* Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/12 cho biết, gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng Covid-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX. WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định có cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng Covid-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca hay không.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cần có giải pháp rõ ràng hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo ông, nhiều nước, nhiều khu vực, thậm chí cả các thành phố vẫn còn cạnh tranh với nhau để giành những nguồn hàng thiết yếu và các chuyên gia trợ giúp tuyến đầu. Ông Guterres nhấn mạnh, không thể để tình trạng tương tự xảy ra khi phân phối các loại vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận