menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Cập nhật Covid-19 ngày 1/7: Mỹ nói về quy định hộ chiếu vaccine; Nga vẫn lập kỷ lục buồn; Saudi Arabia muốn là trung tâm sản xuất vaccine

Tính đến nay, thế giới ghi nhận gần 183 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 4 triệu ca tử vong và hơn 167,5 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, lần lượt là 34.543.281 ca và 620.222 ca. Tiếp đó là Ấn Độ khi ghi nhận 30.410.577 ca mắc, trong đó gồm 399.475 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 18.559.164 ca mắc và 518.246 ca tử vong.

Cập nhật Covid-19 ngày 1/7: Mỹ nói về quy định hộ chiếu vaccine; Nga vẫn lập kỷ lục buồn; Saudi Arabia muốn là trung tâm sản xuất vaccine
Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)

Trong vòng 24 giờ qua, cả thế giới đã ghi nhận thêm 381.813 ca mắc mới Covid-19, trong đó tập trung nhiều nhất tại Brazil với 64.903 ca.

Tại châu Âu, đặc biệt là Nga, dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong bối cảnh chỉ có vài ngày nữa sẽ diễn ra các trận bán kết EURO 2020.

Theo đó, Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong mới kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp với 669 ca trong vòng 24 giờ qua và 20.616 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 5.493.557 ca, trong đó có 134.545 ca tử vong, đứng thứ 5 thế giới.

Diễn biến dịch cũng không khả quan hơn tại Bồ Đào Nha khi nước này ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, chủ yếu là các ca mắc biến thể Delta.

Tại CH Czech, số ca mắc Covid-19 mới đang gia tăng trở lại sau khi giảm đều đặn trong gần 3 tháng qua.

Tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày qua tại Czech đã tăng nhẹ, từ 6,7 lên 7,2 ca nhiễm mới/100.000 dân. Tổng cộng 160 trường hợp mắc mới ghi nhận ngày 29/6, trong đó khoảng 120 trường hợp nhiễm biến thể Delta.

Thủ tướng Andrej Babiš cho biết đại dịch vẫn chưa kết thúc ở Czech và số ca nhiễm mới ở Prague đang có xu hướng tiêu cực, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về tình hình dịch bệnh vào hôm nay, 1/7.

Trong khi đó, thành phố Alice Springs, Bắc Australia là khu vực mới nhất tại Australia buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trước đó, các thành phố của Australia như Sydney, Brisbane, Perth và Darwin cũng phải thực hiện biện pháp tương tự.

Sau nhiều tháng nỗ lực để kiểm soát tốc độ lây lan của dịch Covid-19 và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cuộc chiến của Canada với dịch bệnh đã đạt được những bước tiến nhất định.

Những thống kê mới nhất cho thấy dịch bệnh đang lắng xuống, với trung bình 635 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian từ ngày 23-29/6, giảm 26% so với tuần trước đó. Số ca bị biến chứng nặng và nguy kịch cũng đang giảm dần.

Trong 7 ngày qua, trung bình 959 người mắc Covid-19 được điều trị tại các bệnh viện ở Canada mỗi ngày, ít hơn 20% so với tuần trước đó. Tương tự, số người tử vong do dịch tính trung bình trong 7 ngày gần nhất dừng ở mức 14 ca/ngày, giảm 19% so với tuần trước.

Bộ Y tế Mexico ngày 30/6 công bố số liệu cập nhật cho thấy số ca tử vong do Covid-19 thực tế tại nước này có thể cao hơn 60% thống kê trước đó.

Theo thống kê mới nhất, trong giai đoạn kể từ khi đại dịch bùng phát cho tới ngày 23/5, Mexico ghi nhận 351.376 ca tử vong vì Covid-19, tăng 58,5% so với con số đã được công bố trước đó cho cùng giai đoạn là 221.647 ca mắc. Số liệu này được cập nhật sau khi Bộ Y tế bổ sung thông tin về giấy xác nhận chứng tử có liên quan đến Covid-19.

Ngày 1/7, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, với 57 trường hợp được thông báo không qua khỏi trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế cho biết, nước này cũng ghi nhận thêm 5.533 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc từ trước tới nay lên 264.834 ca, trong đó có 2.080 bệnh nhân tử vong. Trước đó một ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 4.786 ca mắc mới Covid-19 và 53 ca tử vong.

Phần lớn các ca mắc mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ đầu tháng 4 khi làn sóng thứ 3 dịch Covid-19 bùng phát.

Từ ngày 1/7, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng trên biển Andaman của Thái Lan sẽ trở thành địa phương đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc Covid-19 theo một chương trình thí điểm có tên gọi “Hộp cát Phuket”.

Theo kế hoạch, 4 chuyến bay chở theo tổng cộng 249 hành khách sẽ tới Phuket vào ngày 1/7 khi hòn đảo này mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài mà không cần phải cách ly. Du khách sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi đến nơi và sẽ phải ở lại Phuket trong ít nhất 14 ngày trước khi có thể đến các tỉnh khác với điều kiện 2 lần xét nghiệm sau đó cho kết quả âm tính.

* Liên quan đến vấn đề vaccine, Ngân hàng thế giới (WB) thông báo sẽ tăng ngân sách hỗ trợ vacicne phòng Covid-19 cho các nước đang phát triển từ 8 tỷ USD lên 20 tỷ USD.

Cùng ngày, công ty CureVac của Đức đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do hãng sản xuất. Theo đó, vaccine CVnCoV của CureVac có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi, kết quả thấp hơn nhiều so với các vaccine cùng công nghệ mRNA của hãng BioNTech và Moderna.

Kết quả cuối cùng nêu trên không gây bất ngờ, bởi kết quả sơ bộ cũng đã được thông báo hồi đầu tháng, với độ hiệu quả lúc đó là 47%. Tuy nhiên, kết quả ở mức thấp này được đánh giá dựa trên hiệu quả của vaccine với sự xuất hiện của nhiều biến thể virus khác nhau.

* Chính phủ Saudi Arabia ngày 30/6 tuyên bố nước này sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 của khu vực để có thể cung cấp cho các cộng đồng phụ cận không được cung ứng đầy đủ vaccine.

Ông Abdullah Al Rabeeah, Tổng Giám sát của Trung tâm Cứu trợ và Hỗ trợ nhân đạo của Quốc vương Salman đã chuyển tải thông điệp trên trong một sự kiện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Brindisi của Italy.

Thông cáo báo chí của chính phủ Saudi Arabia có nêu: "Phát biểu tại cuộc họp, ông Al Rabeeah khẳng định Vương quốc Saudi Arabia được trang bị một cách độc đáo và sẵn sàng trở thành trung tâm sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19, các loại thuốc men và mặt hàng khác của khu vực, cũng như các hoạt động hậu cần".

* Ngày 30/6, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ hơn 700 triệu USD cho hãng dược phẩm Aspen của Nam Phi, qua đó nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất vaccine phòng Covid-19 và liệu pháp điều trị bệnh này.

Theo đó, Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới (WB) tuyên bố gói tài chính dài hạn trị giá 711 triệu USD cho hãng dược Aspen nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất vaccine cho các nước châu Phi. Cùng tham gia hỗ trợ với IFC còn có Pháp, Đức và một số cơ quan hỗ trợ phát triển của Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến tuần trước, mới chỉ hơn 1% dân số châu Phi đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 trong khi nhiều quốc gia gặp khó khăn trong đối phó với làn sóng dịch thứ ba do sự lây lan mạnh của các biến thể mới.

Theo thống kê, với gần 1,3 tỷ dân, tới nay, châu Phi đã ghi nhận 5,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 143.338 ca tử vong và là một trong hai châu lục ít bị ảnh hưởng nhất do đại dịch Covid-19 cùng với châu Đại Dương.

* Trong khi nhiều quốc gia châu Âu "rục rịch" triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang cân nhắc các quy định hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với du khách quốc tế, song Washington không có ý định yêu cầu du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 để được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, giới chức Mỹ vẫn giữ liên lạc với những người đồng cấp ở Canada, châu Âu và các nước khác để xác định thời điểm và cách thức dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại một cách an toàn.

Tuy vậy, khi được hỏi liệu Washington có yêu cầu du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 mới được phép nhập cảnh vào Mỹ hay không, bà Psaki nêu rõ: “Đó không phải là ý định của chúng tôi”.

* Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung Canada cùng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ được đi lại mà không cần lý do thiết yếu.

Theo các nhà ngoại giao EU, đại diện 27 nước thành viên EU đã nhất trí danh sách bổ sung trên tại cuộc họp ngày 30/6 và quyết định này sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới.

Danh sách bổ sung này bao gồm Armenia, Azerbaijan, Bosnia - Herzegovina, Brunei, Canada, Jordan, Kosovo (Serbia), Moldova, Montenegro, Qatar và Saudi Arabia. Anh, nơi số ca bệnh tăng vọt do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra, không có tên trong danh sách trên.

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả