Cập nhật 7h30 ngày 9/7: Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt mốc 12 triệu người, ca nhiễm tại Mỹ tăng phi mã, Nam Phi bước vào "đỉnh dịch"
Tính tới 7h30 ngày 9/7, thế giới có 12.153.212 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 551.154 trường hợp tử vong
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/7 tuyên bố, sau khi tham vấn giữa hai bên, Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc cử các chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này về hợp tác dựa trên khoa học nhằm tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Triệu Lập Kiên lưu ý rằng các chuyên gia WHO sẽ tới Trung Quốc để chuẩn bị các kế hoạch khoa học nhằm xác định nguồn gốc lây từ động vật sang người của căn bệnh này, đồng thời cho biết hai bên sẽ gia tăng phạm vi và điều khoản tham chiếu của một sứ mệnh quốc tế do WHO dẫn đầu.
Ông nêu rõ: "Việc tìm nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học cần được các nhà khoa học nghiên cứu thông qua sự hợp tác và nghiên cứu quốc tế trên khắp toàn cầu". Đối với WHO, đây là một quá trình đang diễn ra và liên quan tới nhiều quốc gia, địa phương, và WHO sẽ tổ chức những chuyến đi tương tự tới các nước và khu vực khác nếu cần thiết.
Ông Triệu Lập Kiên cho hay WHO và Trung Quốc đã duy trì liên lạc và hợp tác kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia, ngày 7/7, Mỹ đã phá kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 khi có hơn 60.000 ca nhiễm chỉ trong vòng 24h. Tính đến 6h ngày 9/7 (giờ Việt Nam), trong vòng 24h, Mỹ cũng đã có thêm 59.572 ca nhiễm.
Đến ngày 20/5, tất cả tiểu bang của Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội và các quy định khác ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Số ca nhiễm mới tăng lên mỗi ngày trong vài tuần trước là 20.000 ca/ngày. Đến tuần trước, con số này vượt ngưỡng kỷ lục 50.000 người.
Nhiều tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong tuần qua, trong đó có California, Texas và Florida. Ba bang này chiếm 27,4% trong tổng số 328 triệu người đang sinh sống ở Mỹ, theo ước tính mới nhất của Cục Dân số Mỹ.
Ông Murashko cũng lưu ý rằng mỗi người dân Nga có thể tự quyết định có tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 hay không, việc tiêm phòng sẽ là tự nguyện. Ông nói: “Nói chung, việc tiêm vaccine trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần được sự đồng ý của người dân. Chúng tôi thấy sự quan tâm hiện nay đối với vaccine khá cao”.
Theo Bộ trưởng Murashko, các chuyên gia chưa có thông tin về khả năng hệ thống miễn dịch của con người hoàn toàn không phản ứng với virus SARS-CoV-2, dù phản ứng miễn dịch có thể yếu hơn khi bị nhiễm virus mà không có triệu chứng lâm sàng.
Bộ Y tế Nga ngày 8/7 đã cấp phép lưu hành Koronavir - loại thuốc thứ 3 do nước này tự sản xuất để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, có hoạt chất tương tự như thuốc Favipiravir của Nhật Bản đã được bộ này cấp phép để điều trị Covid-19
Ngày 8/7, Nhà sản xuất Koronavir, tập đoàn R-Pharm thuộc sở hữu của Alexei Repik, cũng xác nhận đã hoàn tất quá trình đăng ký thuốc điều trị Covid-19 thể nhẹ và vừa. Theo R-Pharm, Koronavir là một trong những loại thuốc đầu tiên trực tiếp chống SARS-CoV-2, song không chữa trị các biến chứng của Covid-19.
Hiệu quả của thuốc đã được xác nhận trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ và trung bình. Sau khi được cấp phép lưu hành, thuốc này sẽ được chuyển đến các khu vực của Nga và sẽ được sử dụng tại các bệnh viện ở các thành phố như Moskva, St. Petersburg, Yaroslavl...
Hiện Nga cũng đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học N. Gamalei hợp tác với các chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Ngoài ra, vaccine cũng đang được phát triển tại Đại học Y 1 Moskva mang tên I. Sechenov.
Theo trang Worldometers, tính đến 6h ngày 9/7 (giờ Việt Nam), Nga đã có 700.792 người mắc Covid-19, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca nhiễm. Đã có 10.667 người tử vong do Covid-19 tại Nga.
Trước đó một ngày, Tổng thống Bolsonaro viết trên mạng Twitter rằng ông đã cảm thấy “khỏe hơn rất nhiều” và sẽ “sống rất lâu” sau khi dùng đến liều thứ 3 của thuốc hydroxychloroquine. Dù không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ loại thuốc này về hiệu quả trong điều trị Covid-19, song ông Bolsonaro cũng như người đồng cấp Mỹ Donald Trump lại bảo vệ quan điểm rằng đây là một phương thuốc chữa Covid-19 tiềm năng.
Ngoài ra, chương trình nghị sự công khai của Tổng thống Brazil cũng đăng tải hình ảnh ông vẫn tham dự 4 cuộc họp trực tuyến với các quan chức cấp cao trong chính phủ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Fernando Azevedo, ngay cả sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Với 1,6 triệu ca mắc Covid-19, Brazil là ổ dịch lớn thứ 2 thể giới, sau Mỹ. Dịch bệnh này cũng đã khiến hơn 66.000 người tử vong tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này.
ISS cho biết virus có thể lưu hành thông qua nguồn nước, do đó, các mẫu nước thải sẽ được thu thập trước khi được chuyển tới các nhà máy lọc nước tại các trung tâm đô thị để kiểm tra xem có bất kỳ dấu vết nào của virus hay không. Giám đốc Cơ quan Y tế và Chất lượng nước của ISS Luca Lucentini khẳng định: “Cách tiếp cận này có thể dự đoán được nơi virus lưu hành tại Italy”.
Theo ISS, chương trình sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được triển khai từ tháng này sẽ tập trung làm thí điểm tại một số địa điểm ưu tiên như các khu du lịch. Giai đoạn hai sẽ bắt đầu vào tháng 10 và được mở rộng trên quy mô toàn quốc, tại tất cả các thành phố, các khu dân cư, các địa điểm thanh lọc tại các sân bay… ISS sẽ tập hợp các dữ liệu thu thập được trên toàn lãnh thổ, tiến hành phân tích và chia sẻ dữ liệu tới các cơ quan y tế trung ương và khu vực.
Trước đó, ISS từng thông báo rằng các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước thải thu thập hồi tháng 12/2019 tại các thành phố Milan và Turin. Qua đó, ISS cho rằng virus đã tồn tại ở miền Bắc Italy trước khi Trung Quốc công bố các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19.
Ngoài Italy, một số nước như Hà Lan, Pháp, Australia… cũng đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong nước thải. Nhiều quốc gia khác cũng đang bắt đầu triển khai lấy mẫu nước thải để theo dõi dịch bệnh.
Ngày 8/7, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo người dân nước này rằng họ bắt đầu phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại quốc gia này.
Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi, Bộ trưởng Mkhize thông báo Nam Phi đang tiến vào giai đoạn đỉnh dịch và "cơn bão" Covid-19 mà trước đó ông đã nhiều lần cảnh báo đã thực sự xuất hiện. Ông cho rằng mọi người dân Nam Phi hiện đang ở trong tình thế mà những người thân thích hay bạn bè đều có thể bị nhiễm virus SASR-CoV-2 vào bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng Mkhize nhấn mạnh tác động khủng khiếp của dịch Covid-19 và khuyến cáo mọi người dân Nam Phi cần chuẩn bị tinh thần trước một một thực tế rằng "bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tử vong mà không được chôn cất bởi người thân vì buộc phải tuân thủ các quy định về phòng dịch khi tổ chức tang lễ".
Phát biểu của Bộ trưởng Y tế Mkhize được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi thông báo số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng lên 215.000 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 10.134 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ qua, trong khi có 192 người đã tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 3.502 trường hợp.
Ngoài hệ thống y tế sẵn có, tính đến ngày 8/7, Nam Phi đã đưa vào hoạt động 139 trung tâm cách ly trên toàn quốc với 12.532 giường bệnh. Kể từ khi áp dụng Chương trình xét nghiệm cộng đồng (CST) hồi đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng y tế nước này đã tiến hành đo thân nhiệt cho trên 20 triệu người và làm xét nghiệm cho hơn 300.000 trường hợp nghi nhiễm.
Ngày 8/7, trong một bình luận hiếm hoi liên quan đến những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định Canada xử lý các ổ dịch bệnh bùng phát tốt hơn so với nhiều đồng minh của mình, trong đó có Mỹ.
Canada – với dân số bằng 1/10 của Mỹ - cho đến nay đã ghi nhận 106.167 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.711 trường hợp tử vong. Thủ tướng Trudeau đánh giá mặc dù còn một vài “điểm nóng” nhưng tình hình dịch bệnh đang bình ổn dần và đây là nhân tố hỗ trợ các nỗ lực của Canada trong tiến trình khởi động lại nền kinh tế.
Trong khi đó, Mỹ hiện có hơn 3 triệu ca mắc Covid-19, với 131.000 trường hợp tử vong.
Biên giới giữa Canada và Mỹ đã được đóng đối với hoạt động đi lại không thiết yếu kể từ tháng 3/2020 và hai nước đang tiến hành thảo luận về việc liệu có gia hạn lệnh đóng cửa này sau ngày 21/7 hay không.
Mặc dù mối quan hệ giữa Thủ tướng Trudeau với Tổng thống Mỹ Donald Trump khá tốt đẹp trong 18 tháng qua, nhưng ông Trudeau đã không đến Washington ngày 8/7 tham dự buổi lễ chào mừng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), tức Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới.
Trước đó, Thủ tướng Trudeau đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ cân nhắc áp thuế đối với nhôm xuất khẩu của Canada.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận