Cập nhật 19h ngày 21/6: Gần 9 triệu ca nhiễm Covid-19, WHO tuyên bố đại đã bước sang giai đoạn ‘mới và nguy hiểm’
Tính đến 19h ngày 21/6, Brazil chính thức vượt 1 triệu người nhiễm Covid-19. WHO tuyên bố đại dịch đã bước sang giai đoạn “mới và nguy hiểm”.
Theo trang worldometers.info, tính đến 19h ngày 21/6, toàn thế giới đã ghi nhận 8,945,502 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 467,302 ca tử vong.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch Covid-19, với 2,330,908 ca nhiễm và 121,999 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 1,070,139 ca nhiễm và 50,058 ca tử vong; Nga 584,680 ca nhiễm và 8,111 ca tử vong; Ấn Độ với 412,788 ca nhiễm và 13,290 ca tử vong.
* Tại cuộc họp báo ở trụ sở của Tổ chức y tế thế giới (WHO) mới đây Tổng Giám đốc WHO cho hay, đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đã bước sang giai đoạn “mới và nguy hiểm”. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua đã “ở mức cao nhất từ trước tới nay tính trong vòng 1 ngày”. Virus SARS-CoV-2 vẫn lây nhiễm nhanh và vẫn gây chết người và hầu hết mọi người vẫn dễ mắc bệnh.
Theo đó, Tổng Giám đốc WHO cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng cần “cực kỳ cảnh giác” trước virus SARS-CoV-2 cũng như cần “tập trung vào các nguyên tắc… Cần tiếp tục giữa khoảng cách khi giao tiếp.
* Chính phủ Morocco đã cho đi vào hoạt động một bệnh viện dã chiến mới ở miền Đông nước này, tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đang chứng kiến tình trạng bùng phát ca nhiễm mới.
Ngày 19/6 là ngày Morocco ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao kỷ lục với hơn 500 ca, chủ yếu ở tỉnh miền Đông Kenitra. Đây là mức tăng đột biến nếu nhìn lại kể từ khi dịch xuất hiện tại đây hồi đầu tháng 3, trung bình số ca nhiễm mới trong ngày của Maroc ở mức thấp hơn 100 ca.
Đợt bùng phát mới trên liên quan đến một ổ dịch được phát hiện ở các nhà máy đóng gói hoa quả tại tỉnh Kenitra, buộc chính quyền thắt chặt hơn các hạn chế ở khu vực này.
Với dân số 34 triệu người, Morocco mới chỉ ghi nhận hơn 9.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 213 ca tử vong.
* Chính quyền Palestine ngày 20/6 đã tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế mới do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tái bùng phát tại vùng lãnh thổ này.
Theo Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye, trong số này có lệnh phong tỏa kéo dài 5 ngày đối với thành phố Hebron ở phía Nam khu Bờ Tây, nơi đã ghi nhận 280 ca mắc Covid-19. Thành phố Nablus, phía Bắc khu vực này cũng bị phong tỏa trong 2 ngày. Mục đích của việc áp đặt những biện pháp trên là nhằm hỗ trợ các nhân viên y tế ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong khi vẫn cho phép vận chuyển hàng hóa và một số nhà máy hoạt động, đồng thời tuân thủ các quy định chặt chẽ về phòng ngừa dịch bệnh của ngành y tế.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy chỉ tính riêng trong ngày 20/6, Palestine đã ghi nhận thêm 108 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm virus này ở Palestine lên tới 979 người, trong đó có 48 ca nhiễm mới ở Hebron và 23 ca ở Nablus.
* Ngày 21/6, Bộ Y tế Ấn Độ xác nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại nước này đã tăng 15.413 người chỉ trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 410.461 ca, trong khi số ca tử vong đã tăng 306 ca lên 13.254 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày tại quốc gia Nam Á này.
Theo bộ trên, số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 227.756 người.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 20/6 thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 4.966 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 92.681 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát đầu tháng 3 vừa qua.
Bộ trưởng Mkhize xác nhận số ca tử vong đã tăng thêm 46 ca lên 1.877 ca, Bộ Y tế đã sẵn sàng sử dụng thuốc dexamethasone để điều trị cho những bệnh nhân nặng mắc Covid-19.
* Tại Australia, bang Victoria đông dân thứ hai của nước này, đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 4 tuần đến ngày 19/7 tới, trong bối cảnh chính quyền đang phải nỗ lực ứng phó với xu hướng số ca nhiễm trong cộng đồng tăng lên.
Động thái trên diễn ra 1 ngày sau khi bang Victoria thông báo tái áp đặt hạn chế nhằm giới hạn số khách tới thăm các hộ gia đình ở mức 5 người, các hoạt động tụ tập ngoài trời ở mức 10 người, kể từ ngày 22/6. Trong ngày 21/6, Victoria đã ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, đây là ngày thứ năm liên tiếp bang này có số ca nhiễm mới ở mức 2 con số. Tổng số ca nhiễm của bang hiện nay là 1.836 ca, chiếm 25% tổng số ca tại Australia.
Theo trang thống kê worldometers.info, Australia hiện có 7.436 ca nhiễm và 102 ca tử vong do Covid-19.
* Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định nước này đã bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 20/6, cũng là thời điểm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Sanchez tuyên bố kể từ ngày 21/6, Tây Ban Nha sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, khi cho phép các du khách nhập cảnh từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen không cần phải tự cách ly hai tuần, đồng thời nối lại hoạt động đi lại giữa 17 cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya thông báo sẽ cho phép du khách từ Anh vào Tây Ban Nha mà không cần cách ly kể từ ngày 21/6.
* Bộ Di trú Hy Lạp thông báo gia hạn thêm lệnh phong tỏa tại các trại tị nạn đông đúc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đến ngày 15/7 tới.
Hy Lạp đã áp đặt các biện pháp hạn chế tại các trại tị nạn vào ngày 21/3 vừa qua, sau đó là lệnh phong tỏa vào ngày 23/3. Dù chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19 tại khu vực này, mà chỉ mới xuất hiện vài ca nhiễm, song Hy Lạp đã nhiều lần gia hạn các biện pháp phong tỏa.
*Ngày 21/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 26 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày 20/6, trong đó 25 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 1 ca nhập cảnh.
Trong số những ca lây nhiễm trong cộng đồng, 22 ca được thông báo tại thủ đô Bắc Kinh và 3 ca tại tỉnh Hà Bắc lân cận. Trong ngày 20/6, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong do Covid-19. Trong khi đó, thêm 3 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Hiện 331 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 15 ca nặng. Tính đến hết ngày 20/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.378 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 78.413 bệnh nhân bình phục.
* Tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 21/6 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tại nước này tăng thêm 48 ca lên 12.421 ca. Thông báo cũng cho biết tin tích cực là không ghi nhận thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 12 bệnh nhân Covid-19 hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.868 ca.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày" bắt đầu từ 6/5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần 50% dân số Hàn Quốc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch Covid-19:
- Vệ sinh tay - Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi -Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay - Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người. -Giữ khoảng cách tối thiểu 1m - Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào. |
* Còn tại Việt Nam, trong 66 ngày qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, các chùm ca bệnh vẫn tiếp tục được ghi nhận, tuy nhiên đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, mặc dù vậy Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đánh giá, ở trong nước chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Khuyến cáo:
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận