Cập nhật 19h ngày 2/6: SARS-CoV-2 chưa hề suy yếu, Đông Nam Á "nóng ruột" vì Covid-19, Quốc khánh "thời chiến" ở Italy
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/6 khẳng định virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn chưa suy yếu.
Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO và cũng là một chuyên gia về dịch bệnh, ông Michael Ryan cho biết virus mới sau khi xuất hiện, chúng có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi chúng thậm chí có thể trở nên mạnh hơn.
Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và loài người cẩn thận trọng. Ông cảnh báo sự nguy hiểm khi xuất hiện ý niệm cho rằng virus đã suy yếu hơn.
Trước đó, ngày 1/6, người đứng đầu bệnh viện San Raffaele ở Milan - thủ phủ của vùng Lombardy từng là tâm dịch Covid-19 tại Italy, bác sĩ Alberto Zangrillo cho rằng virus SARS-CoV-2 đã suy yếu và Chính phủ Italy sau đó rất lưu ý thông tin này.
Theo bác sĩ Zangrillo, trên phương diện lâm sàng, virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại ở Italy. Ông cho biết các xét nghiệm tiến hành trong 10 ngày qua đã cho thấy tỷ lệ người cách ly nhiễm virus thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Chính điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi của giới chuyên gia - những người cho rằng ông Zangrillo có thể nhầm lẫn ở tỷ lệ phát hiện cao hơn các trường hợp mắc bệnh không triệu chứng với khả năng suy yếu của chủng virus corona này.
Lý giải về nhận định của ông Zangrillo, ông Ryan cho biết ở một số trường hợp, tình trạng nặng hay nhẹ của người nhiễm virus phụ thuộc vào số lượng virus và thời gian phơi nhiễm. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh xảy ra trên nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết trường hợp virus SARS-CoV-2 có như vậy hay không.
Theo quan điểm của ông, tình hình dịch Covid-19 suy giảm là do nỗ lực của cộng đồng quốc tế thành công trong việc giảm số lượng người lây nhiễm và số ca phơi nhiễm virus. Hoặc xét trên khía cạnh khác có thể nói rằng virus có thể yếu đi bởi nhân loại đang làm tốt hơn công tác ứng phó với nó, chứ không phải bản thân virus suy yếu đi.
Thực tế là virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn lây lan tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Malaysia.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia công bố, ngày 2/6, nước này ghi nhận thêm 609 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 22 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm và tử vong ở Indonesia trong đại dịch lần lượt ở con số 27.549 ca và 1.663 ca. Có 7.935 ca phục hồi sức khỏe.
Tại Philippines, số ca nhiễm virus đã lên tới 18.997 ca sau khi nước này thông báo có thêm 359 ca nhiễm mới trong ngày 2/6. Với 6 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên tới 966 ca.
Người phát ngôn Tổng thống Philiipines cho biết nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 30.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020.
Trong khi đó, theo báo cáo của giới chức y tế Malaysia, nước này đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới, song không có thêm ca tử vong nào. Malaysia đến nay thông báo tổng cộng 7.877 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 115 ca tử vong.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Indonesia Fachrul Razi đã hủy bỏ cuộc hành hương của người dân trong năm 2020 cũng như đưa ra các quy định hạn chế đi lại do lo ngại lây lan dịch Covid-19.
Ban thư ký nội các Indonesia cho hay hàng năm có tới hàng trăm nghìn người Indonesia đi đến Saudi Arabia, nơi có hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - Mecca và Medina. Đối với nhiều người Indonesia, cuộc hành hương tôn giáo là sự kiện "một lần trong đời", với thời gian chờ đợi trung bình 20 năm do phải tuân theo hệ thống hạn ngạch.
Ông Fachrul Razi lưu ý hạn ngạch cho người hành hương Indonesia năm nay là 221.000 người, với hơn 90% đã đăng ký trên trang web của Bộ Tôn giáo để tham gia hành hương. Chính quyền Saudi Arabia đã cho biết các cuộc hành hương haj và umrah, nơi thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Bambang Soesatyo đề nghị chính phủ nước này xem xét lại các chính sách miễn thị thực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia này. Theo ông, các chính sách miễn thị thực phải được xem xét, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19. Khách du lịch đến Indonesia phải là khách du lịch đã được chọn lựa nghiêm ngặt và không mắc Covid-19.
Phát biểu với các phóng viên ngày 2/6, người đứng đầu Văn phòng Chính sách công Lavaron Sangsnit cho biết bộ này sẽ thảo luận về gói kích thích với Cơ quan Du lịch Thái Lan trong tuần này.
Tại Nhật Bản, các nhà bảo tàng quốc gia ở thủ đô Tokyo và 3 khu vực khác ngày 2/6 đã mở cửa trở lại sau 3 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Bảo tàng Quốc gia ở Tokyo đã tổ chức một số cuộc triển lãm khi khách tham quan đặt mua vé trước trên mạng. Trong khi đó, các nhà bảo tàng quốc gia ở 2 tỉnh miền Tây là Kyoto và Nara và tỉnh Fukuoka, miền Tây Nam Nhật Bản cũng mở cửa cho du khách. Toàn bộ 4 bảo tàng này đều yêu cầu khách thm quan phải đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ ở lối vào trước khi bước vào nhà bảo tàng.
Bộ trưởng Y tế Hong Kong Sophia Chan ngày 2/6 cho biết Khu hành chính đặc biệt này sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế đối với du khách nước ngoài thêm 3 tháng và hạn chế tụ tập nhóm 8 người trong vòng 2 tuần. Cả hai biện pháp trên ban đầu dự kiến sẽ hết hạn trong tháng 6.
Các du khách tới Hong Kong cần phải trải qua giai đoạn cách ly 14 ngày để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Thuốc Remdesivir vốn được hãng dược phẩm Gilead Science của Mỹ phát triển để điều trị bệnh Ebola, song lại cho kết quả tích cực trong thí nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc Covid-19 tại Mỹ. Qua thử nghiệm cho thấy Remdesivir có hiệu quả kìm hãm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong tế bào cơ thể người.
Trước đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc Remdesivir có thể rút ngắn thời gian điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 15 ngày còn 11 ngày. Tỷ lệ tử vong ở nhóm có dùng thuốc là 7%, trong khi nhóm không dùng thuốc là 12%.
Theo hãng Gilead Sciences, thuốc này mang lại hiệu quả rõ rệt nhất trong điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể trung bình trong liệu trình điều trị 5 ngày trong khi những bệnh nhân điều trị 10 ngày cũng cho những kết quả tích cực.
Hồi tháng trước, thuốc này đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và mới đây cũng được cơ quan quản lý dược phẩm Nhật Bản cấp phép sử dụng.
Trong khi đó, giới chức châu Âu và Hàn Quốc cũng đang quan tâm đến thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19. Cơ quan an toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) ngày 29/5 cho biết sẽ đề nghị nhập khẩu loại thuốc này. Tuy nhiên, thuốc này vẫn chưa được hai thị trường trên cấp phép sử dụng trong điều trị bệnh Covid-19.
Ngày 2/6, tại tượng đài Tổ quốc, Italy đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh với nghi thức đơn giản trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Khác với mọi năm, Italy không tổ chức nghi lễ diễu hành như truyền thống, điểm nhấn là màn trình diễn quốc kỳ do phi đội máy bay biểu diễn thực hiện. Buổi lễ được diễn ra đơn giản trong khoảng 15 phút, với sự tham dự của Tổng thống Sergio Mattarella, Thủ tướng Giuseppe Conte, Chủ tịch Hạ viện Roberto Fico, Chủ tịch Thượng viện Maria Elisabetta Casellati và các quan chức cao cấp của Italy.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Sergio Mattarella cho rằng ngày 2/6 là dịp để mọi người suy ngẫm về các giá trị đã tạo nên nền cộng hòa. Tổng thống Italy dành phần lớn bài phát biểu để đề cập tác động của đại dịch Covid-19 với "những khó khăn chưa từng có trong lịch sử" Italy và "đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thống nhất, trách nhiệm và sự gắn kết ở tất cả các cấp chính quyền”.
Tổng thống Mattarella cũng đã gửi thông điệp tới người dân Italy rằng “cuộc khủng hoảng chưa kết thúc, tất cả các tổ chức và công dân sẽ vẫn phải giải quyết hậu quả trong một thời gian dài”, đồng thời kêu gọi “ý thức trách nhiệm trong những thời khắc khủng hoảng nhất hiện nay phải được chuyển thành một cam kết chung hướng tới các mục tiêu khắc phục khẩn cấp và phục hồi vững chắc, lâu dài”.
Mặc dù, lễ kỷ niệm Quốc khánh Italy được tổ chức trong khi lệnh cấm tụ tập của Chính phủ vẫn có hiệu lực, song hàng trăm người đã tham dự, hầu hết đều có ý thức phòng chống dịch như đeo khẩu trang. Cơ quan chức năng phải huy động một lượng lớn nhân viên cảnh sát để duy trì trật tự và bảo vệ cho buổi lễ.
Ngày Quốc khánh của Italy diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn của đất nước. Buổi lễ được tổ chức 1 ngày trước khi Italy mở rộng giới hạn của lệnh phong tỏa và cho phép công dân được tự do đi lại giữa các vùng vào ngày 3/6. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu phục hồi của Italy sau tình trạng khẩn cấp đối phó với đại dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận