menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Diệu Thu

Cập nhật 19h ngày 19/6: Ổ dịch Covid-19 ở Bắc Kinh là "bài học cay đắng", cẩn trọng thuốc điều trị Covid-19 có thể giúp virus nhân lên trong cơ thể

Thủ đô Bắc Kinh trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất nước này, cho thấy bài học cay đắng, Covid-19 có thể "phản kích" bất cứ lúc nào.

Người Bắc Kinh tưởng đã được thở phào khi không ghi nhận ca lây nhiễm bệnh Covid-19 nào trong cộng đồng suốt 56 ngày, cho đến khi "quả bom" phát nổ. Ngày 12/6, "quả bom" đó bùng nổ từ một trong những chợ đầu mối lớn nhất châu Á - Tân Phát Địa, nơi cung cấp thực phẩm cho gần như cả thành phố 21 triệu dân này.

Từ vài ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện, Bắc Kinh đã ghi nhận 158 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vài ngày gần đây.

Từ một nơi được coi là an toàn hàng đầu tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đã được sử dụng trên toàn quốc vào đầu năm nay để kiềm chế làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Các hãng hàng không hủy hơn 1.200 chuyến bay. Trường học đóng cửa. Một số khu phố bị phong tỏa, người dân bị mắc kẹt phàn nàn về việc giao thực phẩm hạn chế. Nhân viên y tế xét nghiệm hàng chục nghìn cư dân.

Tất nhiên, con số 158 ca nhiễm Bắc Kinh ghi nhận trong vài ngày gần đây thấp hơn nhiều so với "cơn ác mộng" Vũ Hán từng trải qua. Nhưng sự việc lại rơi đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi Trung Quốc rục rịch khởi động thời kỳ hậu Covid-19 và quan trọng hơn, đó là tính biểu tượng và Bắc Kinh là trung tâm chính trị và kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, hiện không chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất hứng "gáo nước lạnh" từ các đợt tái bùng phát của Covid-19, Singapore và New Zealand... cũng từng được coi là hình mẫu trong khống chế dịch, cho đến khi virus lây lan chóng mặt trở lại.

Hiện tại, nguy cơ "xuất khẩu" SARS-CoV-2 ra ngoài Bắc Kinh dẫu sao cũng không lớn bằng trường hợp khi virus xuất hiện ở Vũ Hán, đơn giản là vì vấn đề thời điểm. Đối với trường hợp Vũ Hán, “đó là thời điểm Tết Nguyên đán, giai đoạn mà người Trung Quốc đi lại nhiều nhất và chính điều này đã góp phần làm virus lây lan mạnh”, chuyên gia về bệnh phổi thuộc Đại học Leicester (Anh) Julian Tang phân tích.

Nhưng lần này không có gì bảo đảm có thể hạn chế nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch lần thứ 2 hoành hành trên toàn Trung Quốc. Vấn đề ở chỗ, việc tái phát lây nhiễm virus hoàn toàn có thể lặp lại trên thế giới trong 6 tháng tới. Chợ Tân Phát Địa là một mô hình tiêu biểu của các ổ Covid-19 trong tương lai trong lúc việc gỡ bỏ giãn cách xã hội đang được tiến hành gần như khắp nơi trên thế giới.

Chuyên gia Julian Tang cảnh báo: “Các ổ dịch sẽ xuất hiện chủ yếu trong các thành phố lớn có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp, trong những nơi tập trung rất đông người như các khu chợ và phương tiện giao thông công cộng, và những nơi mà dân người dân sao nhãng dần việc giữ giãn cách xã hội”. Theo ông, điều duy nhất không biết được là sắp tới Covid-19 chính xác sẽ bùng lại ở đâu.

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo cần có sự giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc dexamethasone để điều trị Covid-19.

Trước đó, hôm 16/6, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đã công bố kết quả thử nghiệm về việc dùng thuốc Dexamethasone cho hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Thuốc này vốn thường được dùng để điều trị các bệnh dị ứng, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn. Theo kết quả sơ bộ, thuốc Dexamethasone giúp giảm 1/3 tỉ lệ tử vong ở những người phải phụ thuộc vào máy thở và 1/5 tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân phải thở oxy. WHO coi đây là một đột phá quan trọng.

Ông Mike Ryan, Giám Đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO cũng nhấn mạnh, không nên sử dụng thuốc Dexamethasone như một biện pháp phòng ngừa.

Theo ông, đây là một loại thuốc chống viêm rất mạnh, có thể dùng chữa trị cho các bệnh nhân thể nặng nhưng lại không thể dùng cho các bệnh nhân thể nhẹ cũng như điều trị dự phòng. Bản thân thuốc Dexamethasone không tiêu diệt virus, thậm chí có thể "tạo điều kiện cho sự phân chia và nhân lên của virus trong cơ thể người".

Do vậy, các quốc gia nên áp dụng phương pháp đo lường khi sử dụng Dexamethasone và hiện không phải là lúc để thay đổi thực hành lâm sàng. Hướng dẫn lâm sàng của WHO sẽ được cập nhật để hướng dẫn cách thức và thời điểm sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được chấp nhận để điều trị Covid-19, căn bệnh đã lây nhiễm cho hơn 8,1 triệu người trên toàn thế giới và làm ít nhất 444.111 người tử vong.

* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã tình nguyện là người đầu tiên được tiêm thử vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 do Thái Lan sản xuất.

Ngày 19/6, truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob cho biết, Phó Thủ tướng Anutin đã bày tỏ mong muốn là người đầu tiên ở Thái Lan được tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19.

Theo Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan Nakorn Premsri, vaccine mRNA do viện này cùng Cục Y khoa và trường Đại học Chulalongkorn hợp tác nghiên cứu phát triển ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Loại vaccine này đã được thử nghiệm thành công trên chuột và đang tiếp tục thử nghiệm trên khỉ từ ngày 23/5 vừa qua.

Nếu các thử nghiệm trên động vật thành công, vaccine này sẽ tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Phó Thủ tướng Anutin sẽ là tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm loại vaccine này. Tiếp theo, Thái Lan sẽ tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên có độ tuổi 29-39 vì đây là nhóm có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất tại nước này, sau đó là các nhóm nguy cơ khác như người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Phó Thủ tướng Anutin cho rằng, nếu các bước thử nghiệm cho kết quả thuận lợi, loại vaccine ngừa Covid-19 của Thái Lan sẽ bắt đầu được sản xuất đại trà vào năm 2021, và người dân ở các thành phố lớn sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm chủng.

Trong 25 ngày qua, Thái Lan đã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Những ca nhiễm mới thời gian qua đều được ghi nhận trong số công dân hồi hương từ nước ngoài. Tính đến ngày 19/6, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.146 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 ca tử vong.

* Một nghiên cứu về nước thải của Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cho thấy, virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã xuất hiện tại 2 thành phố lớn ở miền Bắc Italy vào tháng 12/2019, hơn 2 tháng trước khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại nước này.

Đây là phát hiện được Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố ngày 19/6. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn tuyên bố của ISS cho biết, các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết di truyền của virus SARS-CoV-2 - thời điểm khi virus này chính thức được biết tới - trong các mẫu nước thải được thu thập ở Milan và Turin vào cuối năm ngoái, và ở Bologna vào tháng 1/2020. Trong khi đó, ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Italy được phát hiện vào giữa tháng 2.

Để có được kết quả này, chuyên gia chất lượng nước của ISS Giuseppina La Rosa cùng đội ngũ của mình đã phân tích 40 mẫu nước thải được thu thập từ tháng 10/2019 tới tháng 2/2020. Các kết quả, được xác nhận trong hai phòng thí nghiệm khác nhau bằng hai phương pháp khác nhau, cho thấy sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong các mẫu nước thải lấy từ Milan và Turin vào ngày 18/12/2019 và ở Bologna vào ngày 29/1/2020. Các mẫu nước thải thu thập từ tháng 10 và tháng 11/2019 đều cho kết quả âm tính, cho thấy virus này vẫn chưa xuất hiện trong khoảng thời gian trên.

ISS cho biết kết quả này sẽ giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về khởi nguồn lây nhiễm của virus SARS-Cov-2 tại Italy. Trong bối cảnh một số lượng lớn người mắc Covid-19 biểu hiện rất ít hoặc không có triệu chứng mắc bệnh, việc xét nghiệm nước thải có thể là chỉ dấu cho thấy sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 thậm chí ngay trước khi các trường hợp đầu tiên được xác nhận lâm sàng tại những khu vực mà đại dịch chưa "vươn" tới hay nơi mà nó đang suy giảm.

ISS cho biết, đã kêu gọi Bộ Y tế phối hợp trong việc thường xuyên thu thập các mẫu nước thải trong các cống rãnh và trước cổng vào các nhà máy xử lý nước thải "như một công cụ để phát hiện và theo dõi sự lây lan của virus tại những khu vực khác nhau ở giai đoạn đầu". ISS cũng dự kiến triển khai một nghiên cứu thí điểm tại những khu vực ưu tiên được xác định tại các khu nghỉ dưỡng vào tháng 7 tới, cũng như thiết lập một mạng lưới giám sát nước thải toàn quốc vào mùa Thu tới.

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào giữa tháng 2/2020 và là nước đầu tiên trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Trường hợp đầu tiên, ngoài cặp đôi du khách Trung Quốc, là một bệnh nhân ở thị trấn Codogno ở vùng Lombardy.

Ngày 21/2 vừa qua, Chính phủ Italy đã xác định Codogno là "vùng đỏ" và yêu cầu cách ly toàn bộ khu vực, tiếp đến là 9 thị trấn trên khắp vùng Lombardy và Veneto. Tới đầu tháng 3, Italy đã mở rộng lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Tới nay, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 34.500 người tại quốc gia này.

(theo NYTimes, AFP, TTXVN)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại