24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cập nhật 19h ngày 18/6: Trung Đông vẫn "nóng rực" với nhiều ca nhiễm mới, Thái Lan "đón đầu" kỷ nguyên hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực Trung Đông - châu Phi.

Ngày 18/6, Bộ trưởng Y tế CH Czech Adam Vojtech cho biết từ ngày 1/7, nước này sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc (ngoại trừ ở một số điểm nóng dịch bệnh), được ban hành ngày 19/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cập nhật 19h ngày 18/6: Trung Đông vẫn "nóng rực" với nhiều ca nhiễm mới, Thái Lan "đón đầu" kỷ nguyên hậu Covid-19
Người dân Czech không bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 1/7, ngoại trừ ở một số điểm nóng dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Phát biểu với các phóng viên, ông Vojtech nêu rõ: "Quy định đeo khẩu trang sẽ được bãi bỏ vào ngày 1/7/2020, trừ những ngoại lệ ở các khu vực có tình hình dịch bệnh vẫn đang xấu đi".

Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô Prague, nơi tòa thị chính thành phố đình chỉ hoạt động sau khi Phó thị trưởng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, tại huyện Karvina, miền Đông Bắc nước này, người dân sẽ vẫn phải đeo khẩu trang bởi gần 500 người dân nơi đây có liên quan mỏ khai thác than đá đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Từ ngày 22/6, số người được tham gia các sự kiện công cộng sẽ tăng lên từ gần 500 người hiện nay lên 1.000 người, tối đa 5.000 cổ động viên sẽ được phép tham dự các cuộc thi đấu bóng đá hoặc các sự kiện tương tự, song phải ngồi tại 5 khu vực riêng rẽ (mỗi khu vực được phép chứa 1.000 cổ động viên).

Cho đến nay, CH Czech có 10.176 ca mắc Covid-19, trong đó có 333 ca tử vong.

Cựu Tổng thống có tầm ảnh hưởng của Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.

Trên mạng xã hội Twitter ngày 18/6, người phát ngôn của cựu lãnh đạo này đã xác nhận thông tin trên và cho biết "không có lý do gì để lo lắng" khi đề cập sức khỏe của nhà lãnh đạo 79 tuổi, người vẫn giữ được những quyền có tầm ảnh hưởng sâu rộng, như một lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch của Hội đồng An ninh của đất nước nhiều trữ lượng dầu mỏ này.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, chính quyền quốc gia Trung Á này thông báo sẽ đóng cửa các trung tâm thương mại, các siêu thị và công viên ở những thành phố lớn trong hai ngày 20-21/6 và sẽ bổ sung thêm nhiều giường bệnh cho các bệnh nhân mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Quốc gia 19 triệu dân này tới nay ghi nhận khoảng 23.000 ca nhiễm, trong đó có 100 ca tử vong, cao hơn nhiều so với mức khoảng 5.000 ca nhiễm ghi nhận hồi giữa tháng 5 khi cả nước bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa.

Nga trong 24 giờ qua có 7.790 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày thấp nhất trong 6 tuần qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 561.091 ca.

Theo trung tâm ứng phó dịch bệnh của Nga, trong 24 giờ qua, nước này có 182 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này lên 7.660 ca.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số nước Trung Đông. Bộ Y tế Iran thông báo đã xác nhận thêm 2.612 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 195.051 ca. Số ca tử vong tại Iran tăng thêm 120 ca lên 9.185 ca.

Bộ Y tế Qatar thông báo đã ghi nhận thêm 1.097 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 83.174 ca. Số ca tử vong tại Qatar tăng thêm 2 người lên 82 ca. Trong khi đó, thêm 1.711 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục tại Qatar lên 62.172 người.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng ngày cho biết thêm 2 ca tử vong và 382 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 43.364 ca, với 295 ca tử vong. Đã có thêm 676 bệnh nhân được ra viện sau khi bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 29.537 ca.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập cho biết nước này sẽ gia hạn thêm 3 tháng đối với lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang và các vật tư y tế phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Đây là một biện pháp nhằm tránh tình trạng thiếu hụt vật tư y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước này.

Chính phủ Ai Cập lần đầu tiên áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng trên là vào tháng 3 vừa qua và dự kiến hết hiệu lực trong tuần này. Mục đích của quyết định gia hạn cấm xuất khẩu là đáp ứng nhu cầu đối với những mặt hàng này của người dân cũng như các cơ sở y tế Ai Cập trong khi quốc gia Bắc Phi đang nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19.

Ai Cập áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các nơi công cộng kể từ ngày 30/5 vừa qua. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 4.000 bảng Ai Cập (247 USD). Chính phủ Ai Cập cho biết sẽ bắt đầu cung cấp ra thị trường 40 triệu khẩu trang vải kể từ ngày 1/7 tới.

Tổng số ca mắc Covid-19 ở Ai Cập hiện là 49.219 người, trong đó số trường hợp tử vong là 1.850 người sau khi ghi nhận thêm 84 ca tử vong.

Chính phủ Sudan đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm toàn phần tại thủ đô Khartoum thêm 10 ngày kể từ ngày 19/6 để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là lần gia hạn lệnh giới nghiêm lần thứ 3 ở nước này kể từ ngày 18/4.

Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh và Quốc phòng cho biết căn cứ các khuyến nghị của Ủy ban cấp cao các vấn đề khẩn cấp về y tế, Chính phủ Sudan phê chuẩn gia hạn lệnh giới nghiêm từ ngày 19-29/6. Hội đồng cũng quyết định tiếp tục các hoạt động hồi hương công dân Sudan bị mắc kẹt tại các sân bay nước ngoài kể từ ngày 21/6. Hiện khoảng 1.500 công dân nước này được cho là đang mắc kẹt tại sân bay của nhiều nước do việc dừng khai thác các đường bay quốc tế.

Sudan hiện ghi nhận 7.740 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 477 người đã tử vong và 2.820 người được điều trị bình phục.

Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương từ ngày 19/6 do dịch Covid-19 đã được khống chế ở nước này.

Phát biểu tại cuộc họp của nhóm đặc trách ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ ngày 18/6, Thủ tướng Abe Shinzo nói: “Chúng tôi đang nâng cao hơn nữa mức độ hoạt động kinh tế và xã hội… Sẽ không có hạn chế về việc di chuyển (ra ngoài tỉnh)”.

Trước đó, hôm 25/5, Thủ tướng Abe đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh đến và đi từ thủ đô Tokyo cùng với ba tỉnh lân cận nằm trong vùng thủ đô gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Hokkaido nằm ở phía Bắc nước này nếu không có việc cần thiết hoặc khẩn cấp.

Tokyo là địa phương có số lượng ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong khi tỉnh Hokkaido gần đây đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.

Việc nới lỏng hoạt động đi lại giữa các địa phương sẽ mở đường cho sự phục hồi của ngành du lịch trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản tìm cách vực dậy ngành “công nghiệp không khói” này sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Nhật Bản vẫn có thể chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới nếu người dân mất cảnh giác với dịch bệnh này.

Thủ tướng Abe Shinzo cũng cho biết Nhật Bản đang đàm phán để áp dụng các ngoại lệ đối với người đến từ Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam trong lệnh cấm nhập cảnh áp đặt để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19. Nhật Bản hiện đang cấm nhập cảnh đối với hơn 100 nước. Trừ các hoàn cảnh đặc biệt, người nước ngoài đã đến những nước này trong vòng 14 ngày trước khi đến Nhật Bản không được nhập cảnh nước này.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã phát động sáng kiến “bình thường mới” của Chính phủ bằng cách mời gọi người dân từ tất cả các khu vực xã hội vạch ra tương lai của quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.

Trong bài phát biểu trên truyền hình về kế hoạch của Chính phủ đối với đất nước trong kỷ nguyên hậu Covid-19, Thủ tướng Prayut tuyên bố sự quản lý của Chính phủ trước cuộc khủng hoảng y tế công cộng do Covid-19 đã thành công, đồng thời công bố chi tiết về 3 cách làm việc "bình thường mới".

Cập nhật 19h ngày 18/6: Trung Đông vẫn "nóng rực" với nhiều ca nhiễm mới, Thái Lan "đón đầu" kỷ nguyên hậu Covid-19
Thái Lan trong 24 ngày qua đã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng. (Nguồn: Nikkei)

Điều "bình thường mới" đầu tiên là sự tham gia trực tiếp lớn hơn của tất cả các lĩnh vực trong việc lên kế hoạch của Chính phủ nhằm xây dựng một Thái Lan vĩ đại hơn. Đại diện của tất cả các lĩnh vực sẽ được mời trình bày những khuyến nghị của họ để đẩy nhanh tiến bộ của Thái Lan.

Điều "bình thường mới" thứ hai là suy nghĩ lại về đánh giá công việc của Chính phủ. Chính phủ sẽ giúp các bên liên quan dễ dàng đưa ra phản hồi cho các cấp chính quyền cao nhất về đánh giá của họ đối với hiệu quả của các dự án của Chính phủ cũng như bất kỳ nhu cầu điều chỉnh hoặc cải thiện nào.

Điều "bình thường mới" thứ ba là làm việc chủ động. Ông Prayut cam kết sẽ làm việc chủ động hơn và quan tâm chặt chẽ đến một số dự án cấp bộ được lựa chọn mà ông tin là ưu tiên cao nhất cho người dân.

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ rằng đất nước Nụ cười sẽ nổi lên từ thử thách Covid-19 như là "một quốc gia mới mạnh hơn và được tôn trọng hơn". Do những cách làm việc mới này là chưa từng có tiền lệ ở Thái Lan, Thủ tướng Prayut sẽ lắng nghe các ý kiến phản đối và chỉ trích, đồng thời đề nghị những người chỉ trích đưa ra ý tưởng để cải thiện.

Thái Lan trong 24 ngày qua đã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Tính đến ngày 18/6, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.141 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 ca tử vong và 204 trường hợp lây nhiễm được phát hiện trong các khu cách ly của nhà nước.

Hãng hàng không Qantas Airways của Australia ngày 18/6 thông báo đã hủy hầu hết các chuyến bay quốc tế cho đến cuối tháng 10/2020, sau khi Chính phủ Australia tỏ ý có thể gia hạn đóng cửa biên giới đến năm 2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hãng vẫn sẽ duy trì một số chuyến bay theo lịch trình tới New Zealand trong những tháng tới, trong bối cảnh hoạt động đi lại giữa Australia và New Zealand dự kiến sẽ tăng mạnh. Khi hoạt động đi lại giữa Australia và các quốc gia khác được nối lại và nhu cầu gia tăng, hãng có thể sẽ bổ sung các chuyến bay vào lịch trình.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham ngày 17/6 cho biết nhiều khả năng nước này không mở lại biên giới cho du khách quốc tế cho đến năm sau, nhưng sẽ xem xét nới lỏng các quy định nhập cảnh đối với các đối tượng du học sinh và khách lưu trú dài hạn.

Australia hiện đang đàm phán với New Zealand về việc thiết lập hoạt động đi lại không phải cách ly giữa hai nước trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại hai nước đã giảm bớt. New Zealand cho biết tháng 9/2020 có thể là thời điểm thích hợp để khôi phục các chuyến bay thông thường giữa hai quốc gia.

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả