Cập nhật 19h ngày 14/6: Kịch bản Covid-19 Vũ Hán có thể lặp lại ở Bắc Kinh, dự đoán đỉnh dịch ở Ấn Độ
Thêm 4 ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Kinh, đặc biệt các ca nhiễm liên quan đến khu chợ ở Bắc Kinh giống với giai đoạn đầu bùng phát dịch tại Vũ Hán.
Theo worldometers.info, đến 19h00, thế giới có 7.897.243 ca mắc Covid-19 với 37.364 ca nhiễm mới trong ngày hôm nay. Nga dẫn đầu với 8.835 ca, tiếp đến là Pakistan 6.825 ca, Mexico với 3.494 ca. Các trung tâm dịch Covid-19 lớn khác như Mỹ, Brazil chưa có số liệu thống kê các ca nhiễm mới.
*Ủy ban Y tế Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/6 cho biết thêm 4 ca nhiễm nCoV và có các triệu chứng, nâng tổng số ca mới tại đây lên 7. Hai ca nhiễm mới được công bố ngày 12/6 và ca đầu tiên công bố 11/6. Người này đã đến chợ thịt Xinfadi tuần trước và không rời khỏi thành phố trong thời gian gần đây.
Hôm 12/6, tỉnh Liêu Ninh cũng công bố hai ca nhiễm mới, đều liên quan đến ca nhiễm tại Bắc Kinh. Người dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã được khuyến cáo nên tránh đến Bắc Kinh.
Ông Pang Xinghuo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, cho biết tất cả ca nhiễm mới đều liên quan đến chợ Xinfadi ở quận Fengtai.
"Các nhân viên y tế đã lấy mẫu của hơn 500 người làm việc tại chợ và khu vực lân cận. Kết quả 45 người ở chợ Xinfadi và một công nhân khác tại một khu chợ ở quận Haidian dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng", ông Pang cho biết thêm.
Feng Zhanchun, một chuyên gia y tế công cộng từ Đại học Y khoa Tongji của Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán cho biết, mối liên hệ giữa 7 ca nhiễm nCoV ở chợ nông sản Xinfadi và kết quả xét nghiệm dương tính từ 45 người khác cho thấy nCoV đã lây lan trong cộng đồng.
"Vẫn chưa có kết luận nào về nguồn và đường lây nhiễm cho Covid-19. Bắc Kinh phải khẩn trương nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh", ông Feng nói.
Ông cho rằng tình hình ở Bắc Kinh tương tự như giai đoạn đầu bùng phát dịch ở Vũ Hán, nơi ca nhiễm nCoV đầu tiên được phát hiện ở một chợ hải sản, sau đó lan rộng khắp thành phố.
"Nếu không thể kiểm soát được ngay bây giờ, nCoV sẽ ảnh hưởng đến nhiều người trong một thời gian ngắn vì mật độ dân số cao ở các thành phố", ông Feng khẳng định.
Ngày 13/6, Bắc Kinh chính quyền ra lệnh phong tỏa 11 khu dân cư ở quận Phong Đài, phía nam Bắc Kinh, yêu cầu người dân không ra đường. Quan chức Phong Đài tuyên bố quận đã thiết lập "cơ chế thời chiến" và "trung tâm chỉ huy thực địa" để đối phó làn sóng lây nhiễm mới.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 7,7 triệu ca nhiễm và hơn 428.000 người chết. Tính đến ngày 14/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 57 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 83.132 ca, mức tăng hàng ngày cao nhất từ tháng 4, chủ yếu là lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Bắc Kinh.
* Tại châu Á, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết, tính đến sáng 14/6, nước này đã ghi nhận thêm 11.929 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân lên 320.922 ca, trong đó có 9.195 người chết. Như vậy, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và số ca tử vong ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 6.
Tình hình dịch bệnh xấu đi ở các thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, Delhi, Chennai, Thane, Ahmedabad và Indore, đã buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp bổ sung để đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ họp trực tuyến với các thủ hiến bang vào các ngày 16-17/6 để bàn về nỗ lực chống Covid-19 hiện nay. Trong ngày thứ hai (17/6), ông Modi sẽ họp riêng với thủ hiến các bang Maharashtra, Gujarat, Tamil Nadu, Delhi và một số bang khác đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm tăng nhanh.
Một báo cáo Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) mới đây cho rằng nước này cần chi đến 6,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để chống Covid-19 với những biện pháp công cộng tăng cường. Báo cáo cũng nhấn mạnh nếu không có lệnh phong tỏa và các biện pháp y tế công cộng như xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc thì dịch bệnh có thể đã đạt đỉnh vào giữa tháng 7, nhưng nay ước tính đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11 tới và tổng số ca nhiễm bệnh khi đó sẽ thấp hơn nhiều so với một kịch bản không có kiểm soát.
Truyền hình nhà nước dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Sima Sadat Lari thông báo trong vòng 24 giờ qua, có thêm 107 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước Cộng hòa Hồi giáo lên 8.837 ca.
* Cùng ngày 14/6, Bộ Y tế Bangladesh cho biết nước này ghi nhận thêm 3.141 ca mắc và 32 ca tử vong trong 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 87.520 ca, trong đó có 1.171 ca không qua khỏi. Cũng trong 24 giờ qua, thêm 903 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số người bình phục lên 18.730 người.
* Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này ghi nhận thêm 1.677 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Bắc Phi này lên tới 42.980 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào hôm 14/2.
Cũng theo Bộ Y tế Ai Cập, đã có thêm 62 ca tử vong do COVID-19 và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này lên đến 1.484 người. Đây cũng là con số tử vong cao nhất được thống kê trong một ngày kể từ đầu dịch.
* Còn tại Malaysia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 8 trường hợp nhiễm mới. Như vậy, tính tới ngày 14/6, Malaysia có tổng cộng 8.453 ca mắc Covid-19, trong khi số ca thiệt mạng là 121.
* Cùng ngày, Indonesia thông báo có 857 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 38.277 ca. Theo thông báo, Indonesia có 755 bệnh nhân đã hồi phục trong ngày 13/6. Hiện quốc gia Đông Nam Á này đã tiến hành xét nghiệm được cho 322.933 người.
* Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện thêm 2 ca mới mắc Covid-19 nâng số ca mắc bệnh tại Campuchia lên 128 trường hợp, trong đó 125 ca đã khỏi bệnh.
Hai ca mới được phát hiện là hai bệnh nhân nam (22 tuổi và 29 tuổi) sống tại tỉnh Kampong Cham vừa trở về Campuchia từ Indonesia trên chuyến bay ngày 12/6. Hiện, hai bệnh nhân này đang được điều trị tại bệnh viện hữu nghị Campuchia-Xô Viết.
Theo ước tính của LHQ, khoảng 150 triệu người Indonesia đã rơi vào tình trạng nghèo đói do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch. Trong khi đó, nhiều người dân tại nước này cũng bị mất thu nhập, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Gói tài trợ mới sẽ hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương thông qua các cơ chế bảo vệ kinh tế và xã hội bằng cách tăng cường hỗ trợ tiền mặt, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và cung cấp hỗ trợ giáo dục và an ninh lương thực cho trẻ em. Ngoài ra, khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số, qua đó giúp thúc đẩy việc làm, tăng cường các dịch vụ xã hội và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế.
* Tổng thống El Salvador Nayib Bukele thông báo nền kinh tế của quốc gia châu Mỹ này có thể bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 16/6, nhiều tuần sau khi phải tạm dừng do các biện pháp phong tỏa để chống đại dịch Covid-19.
Theo Tổng thống Nayib Bukele, quá trình khôi phục hoạt động kinh tế sẽ được triển khai dần và thực hiện qua từng giai đoạn, trong khi các sân bay chưa được phép khôi phục hoạt động cho tới tháng 8. Tổng thống Nayib Bukele nói: "Chúng ta không thể trì hoãn việc khôi phục lại hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ để nghị người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp đề phòng".
Trước đó, El Salvador đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Tới nay, quốc gia này đã ghi nhận 3.603 ca mắc Covid-19, trong đó có 72 người tử vong.
* Nhiều quốc gia tại khu vực Trung Mỹ như Panama, El Salvador, Guatemala, Honduras và Costa Rica đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp y tế để từng bước mở cửa lại nền kinh tế, cũng như đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Viện Nghiên cứu tài chính Trung Mỹ (Icefi) hồi tháng 5 cảnh báo các nước trong khu vực này sẽ thất thu khoảng 3,85 tỷ USD tiền thuế trong năm nay do tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Các thể chế tài chính quốc tế cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của El Salvador sẽ giảm 4,3% trong năm nay.
* Hầu hết các nước châu Phi vẫn đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết 43 nước ở "lục địa Đen" đang đóng cửa biên giới hoàn toàn để phòng chống sự dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo Africa CDC, cơ quan chăm sóc y tế chuyên sâu thuộc Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), cho biết cùng với lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt ở 35 nước, 43 quốc gia châu Phi vẫn đang thực hiện "đóng cửa hoàn toàn biên giới" nhằm ngăn chặn khả năng lây nhiễm gia tăng trong khu vực. Ngoài lệnh đóng cửa biên giới, có 7 nước châu Phi đã đóng cửa đối với hàng không quốc tế và 2 nước áp đặt các biện pháp cấm đi lại đối với một số nước cụ thể.
Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại châu Phi đã lên tới trên 230.000 ca, trong đó có hơn 6.300 ca tử vong.
* Australia tiếp tục nới lỏng các hạn chế để thúc đẩy kinh tế, trong đó sẽ dỡ bỏ giới hạn 50 người tại các địa điểm trong nhà như quán cà phê, quán rượu, nhà hàng và nhà thờ từ ngày 1/7 để giúp khôi phục các hoạt động kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các địa điểm trên vẫn phải bảo đám yêu cầu giãn cách 4 m2/người và một số quy định về giãn cách xã hội khác.
Các địa điểm văn hóa và thể thao ngoài trời với sức chứa không quá 40.000 người cũng được phép tổ chức trở lại các sự kiện thể thao và hòa nhạc từ tháng 7, với điều kiện chỉ được đón nhận lượng khán giả không quá 25% sức chứa. Trong khi các câu lạc bộ ban đêm, quán bar và lễ hội âm nhạc sẽ vẫn tiếp tục phải đóng cửa trong tháng 7, chính quyền bang cho biết sẽ nới lỏng hạn chế này trong tháng 8 nếu tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng tiếp tục ở mức thấp.
Tính đến hết ngày 13/6, Australia đã ghi nhận tổng số hơn 7.300 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 102 ca tử vong.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận