Cập nhật 18h ngày 19/5: Hơn 4,9 triệu ca nhiễm Covid-19, Nhật Bản trợ cấp sinh viên, châu Âu báo động nạn lạm dụng tình dục trẻ em
Thế giới hiện ghi nhận 4.910.710 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 320.448 ca tử vong và hơn 1,9 triệu ca phục hồi.
Nhật Bản hiện ghi nhận 16.305 ca mắc Covid-19, trong đó 749 ca tử vong. (Nguồn: Flick) |
* Ngày 19/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, các sinh viên nước ngoài đang học tại Nhật Bản cũng sẽ được nhận tiền trợ cấp từ chương trình này.
Nhật Bản sẽ trợ cấp tối đa bằng tiền mặt 200.000 yen (khoảng 1.900 USD)/người cho các sinh viên đang theo học tại khoảng 430.000 trường cao đẳng, đại học, trường kỹ thuật dạy nghề và trường dạy tiếng Nhật ở Nhật Bản, đang gặp khó khăn trong việc thanh toán học phí hoặc trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày do dịch Covid-19.
Cụ thể, các sinh viên thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp và được miễn giảm thuế cư trú sẽ được trợ cấp 200.000 yen/người, trong khi những sinh viên khác sẽ được nhận 100.000 yen/người.
Chương trình này được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh ở Nhật Bản phải đóng cửa, dẫn tới việc nhiều sinh viên mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm thêm.
Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 53 tỷ yen từ quỹ dự phòng trong ngân sách bổ sung thứ nhất cho tài khóa 2020 để tài trợ chương trình này. Các trường xác định xem các sinh viên nào được nhận tiền hỗ trợ và sinh viên sẽ được nhận số tiền trợ cấp này thông qua Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO).
Cùng ngày, theo báo Asahi, Tokyo có thể dỡ bỏ thêm tình trạng khẩn cấp tại nhiều khu vực, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang giảm dần. Tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 39 trong tổng số 47 tỉnh, đồng thời hối thúc người dân thích nghi với việc giãn cách xã hội "kiểu mới" và ngăn chặn không để số ca mắc Covid-19 tăng.
Chiều 19/5, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong cho biết chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng chưa dứt hẳn, hiện vẫn chưa phải là lúc để nới lỏng các biện pháp phòng dịch, vì vậy quyết định kéo dài quy định hạn chế tụ tập không quá 8 người thêm 2 tuần đến ngày 4/6.
Theo quy định này, các quán karaoke, hộp đêm, nhà hàng tổ chức tiệc, phòng tắm hơi tiếp tục đóng cửa thêm 7 ngày đến ngày 28/5.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc sẽ mở lại các trường trung học phổ thông như kế hoạch, từ ngày 20/5.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hae, các lớp học sẽ được chia nhỏ. Bà khuyến cáo các trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn phòng dịch để đề phòng nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định hoãn mở lại trường học 5 lần, trong bối cảnh các bậc cha mẹ và các trường học quan ngại về dịch Covid-19. Học sinh trên khắp xứ sở Kim chi đã tham dự các lớp học trực tuyến tại nhà kể từ ngày 9/4.
Tỷ lệ tử vong ở Australia thấp hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu dù quốc gia Thái Bình Dương này xuất hiện dịch bệnh sớm hơn. Giới chức Australia cho rằng biện pháp đóng cửa biên giới từ đầu tháng 3 và hạn chế di chuyển trong nước nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đã cho thấy hiệu quả.
Hiện nước này ghi nhận 7.046 ca nhiễm bệnh, trong đó 6.413 người đã khỏi bệnh. Bang New South Wales có tỷ lệ tử vong cao nhất cả nước với 49 ca, sau đó là bang Victoria (18 ca), Tasmania (13 ca)...
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ổn định, Australia đang dần dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Học sinh ở bang đông dân nhất Australia New South Wales sẽ trở lại trường học toàn thời gian từ tuần tới. Tại bang Victoria, các trường học tổ chức lớp học theo hình thức so le và chưa có kế hoạch cho học sinh đi học toàn thời gian cho đến đầu tháng sau.
Trong khi đó, hãng hàng không Qantas Airways cho biết có thể nối lại 40-50% số lượng chuyến bay trong nước từ tháng 7 tới nếu các bang nới lỏng kiểm soát biên giới và dự kiến sẽ đưa ra giá vé thấp và linh hoạt mà không cần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kích thích nhu cầu đi lại.
Ngày 18/5, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết tội phạm mạng đã tăng vọt trong mùa dịch khi nhiều người buộc phải làm việc và mua sắm trực tuyến.
Trong phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu, Giám đốc Europol Catherine De Bolle nhấn mạnh điều đáng lo ngại nhất là hoạt động trực tuyến gia tăng ở những đối tượng tìm kiếm những nội dung liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em.
Theo quan chức này, các cơ quan chức năng 27 nước EU đã báo cáo về sự gia tăng đáng kể các hoạt động ấu dâm, khi lượng truy cập các trang web bất hợp pháp tăng cao. Các đặc vụ Europol đã triệt phá những nền tảng trực tuyến chia sẻ các nội dung liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như chặn đứng những kẻ phạm tội tiếp cận trẻ em qua các cuộc trò chuyện trên trang web "đen".
Cũng theo Giám đốc Europol, những kẻ quấy rối tình dục đang tìm cách lợi dụng thực tế trẻ em ngày càng dễ tiếp xúc với các trang web "đen" khi các em phải học bài trực tuyến thay vì tới trường trong thời gian các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 được áp đặt. Đôi khi, các em học trên những nền tảng không được bảo mật phù hợp. Số trường hợp trẻ em bị quấy rối có thể cao hơn khi học sinh quay trở lại trường học và có thể trao đổi với các giáo viên về vấn đề này.
Trước đó, bà Susie Hargreaves, Giám đốc điều hành của Internet Watch Foundation (IWF), một tổ chức từ thiện của Anh liên quan đến việc tìm kiếm và xóa các hình ảnh và video lạm dụng tình trục trẻ em trên Internet, kêu gọi các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con em mình hơn trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành để tránh những điều đáng tiếc.
Tại nhiều nước châu Âu, các trường học vẫn đóng cửa để khống chế dịch bệnh. Các đường dây nóng báo cáo các vụ lạm dụng cũng đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn khi trẻ em thường xuyên phải ở nhà và hạn chế ra ngoài.
ECPAT, một mạng lưới xã hội dân sự chống lạm dụng tình dục trẻ em, đã cảnh báo việc lợi dụng Internet để quấy rối và lạm dụng tình dục trẻ em ngày nay "dễ dàng hơn bao giờ hết".
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận