24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoài Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cập nhật 14h ngày 25/4: Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan tăng trở lại, Ấn Độ bất ngờ nới lỏng, ngành hàng không tìm cách thích nghi

Thái Lan ghi nhận 53 ca mắc Covid-19 mới sau nhiều ngày giảm, Hàn Quốc không chủ quan dù có tín hiệu lạc quan trong phòng chống dịch... 

Thái Lan ghi nhận số các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại trong vòng 24 giờ qua. Cụ thể, với 53 ca mới được xác nhận ngày 25/4, đưa tổng số bệnh nhân Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.907 người. Giới chức Thái Lan cũng xác nhận có thêm 1 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 51 người.

Trước đó, trong khoảng 2 tuần, số lượng các ca mới nhiễm virus ghi nhận theo ngày đã giảm từ 54 ca hôm 9/4 xuống 13 ca ngày 23/4 và 15 ca ngày 24/4. Ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất ở Thái Lan là 22/3 với 188 ca.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 24/4 cho biết đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 ở nước này có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut cũng cho rằng việc các ca lây nhiễm tại Thái Lan giảm hẳn so với trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm không có nghĩa là quốc gia đã an toàn.

Theo ông, vẫn tồn tại những mối đe dọa từ bên ngoài và dịch có thể bùng phát trở lại nếu không cảnh giác. Ưu tiên lớn nhất của Chính phủ hiện tại là sức khỏe của người dân và tiếp đến là sinh kế, thu nhập. Thủ tướng Prayut cũng khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm cả việc giãn cách xã hội và không nên chủ quan trước tình hình.

Theo người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 Taweesilp Visanyothin, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng Thái Lan cần đề phòng dịch bệnh tái bùng phát, có thể sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Theo ước tính tại Thái Lan, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân Covid-19 khoảng 30.000 USD.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Đại học Mahidol (Thái Lan) đã ghi nhận thành công trong phát triển bộ xét nghiệm Covid-19 đầu tiên dựa trên nước bọt. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/4, Tiến sĩ Siriorn Watcharananan đến từ Khoa Dược của Bệnh viện Ramathibodi, cho biết việc phát triển bộ xét nghiệm này dựa trên một nghiên cứu của nhóm cho thấy các tuyến nước bọt chứa một thụ thể gắn với SARS-CoV-2 và kết quả này được hậu thuẫn bởi nghiên cứu quốc tế.

Theo bà Sirion, bộ xét nghiệm sẽ chính xác hơn, có giá cả phải chăng và an toàn hơn với các nhân viên y tế ở tuyến đầu khi so sánh với kỹ thuật phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) hiện tại. Xét nghiệm nước bọt có độ nhạy 84,2%, độ đặc hiệu 98,9% và độ tương thuận 97,5%. Sau thành công đầu tiên này, nhóm sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm chi phí xét nghiệm virus.

Ngày 25/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận ngày thứ hai không có ca tử vong do mắc Covid-19, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 80%. Số ca tử vong vẫn là 240, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính tới 10h sáng (giờ Việt Nam) ngày 25/4, với 10 ca nhiễm mới (chủ yếu là từ nước ngoài) trong vòng 24 giờ, nâng số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.718 người.

Số ca được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 134 người, nâng tổng số ca được xuất viện lên 8.635 người, chiếm 80,5%. Hàn Quốc hiện có 1.023 ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh.

Trước đó, Hàn Quốc đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường bao quát 31 lĩnh vực từ công việc đến sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động vui chơi giải trí.

Cụ thể, những trường hợp sốt trên 37,5 độ hoặc có triệu chứng về hô hấp được yêu cầu phải nghỉ ngơi tại nhà, giữ khoảng cách trên 1m với người khác, đảm bảo không gian sinh hoạt thông thoáng, rửa tay và tiệt trùng thường xuyên.

Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt, cần tránh lên tàu/xe nếu thấy đã đông người và tránh nói chuyện. Các quán ăn và quán cà phê duy trì hoạt động giao hàng, bán mang đi, trường hợp khách dùng đồ tại chỗ phải duy trì khoảng cách giữa các bàn trên 1m.

Tuy nhiên, KCDC cho biết đó mới chỉ là bản dự thảo, cơ quan này sẽ tiến hành trưng cầu dân ý, thu thập ý kiến chuyên gia để chốt những nội dung cuối cùng.

KCDC nhận định diễn biến dịch bệnh ở Hàn Quốc đã phần nào được kiểm soát ổn định nhưng tình hình trên thế giới vẫn rất phức tạp nên buộc xứ sở Kim chi phải đảm bảo các phương án đối phó lâu dài.

Kể từ ngày 27/4 tới, Hàn Quốc sẽ chính thức thực hiện quản lý các đối tượng vi phạm biện pháp "tự cách ly" bằng vòng tay điện tử. Trường hợp từ chối đeo vòng sẽ bị đưa đến các khu cách ly tập trung.

Trong một thông báo đêm 24/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ chính thức cho phép các cửa hàng bán đồ không thiết yếu được mở cửa trở lại từ ngày 25/4.

Theo đó, các cửa hàng nhỏ và tiểu thương tại các khu chợ dân cư có thể hoạt động trở lại với 50% công suất, nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Siêu thị và trung tâm thương mại chưa được phép hoạt động. Chính sách mới này không áp dụng tại các ‘điểm nóng’ dịch Covid-19.

Các hoạt động thương mại vẫn bị cấm. Động thái bất ngờ này được cho là bước chuẩn bị cho nền kinh tế Ấn Độ trở lại trạng thái bình thường sau thời điểm kết thúc phong tỏa toàn quốc lần 2 vào này 3/5 tới. Ngoài ra, cơ quan chức năng Ấn Độ cũng bày tỏ lạc quan trước khả năng nước này chặn được đà tăng của dịch bệnh Covid-19 vào ngày 3/5.

Những tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ đưa ra sau khi có những thông tin tích cực liên quan tới cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ấn Độ đã nâng được tỷ lệ người hồi phục, ra viện lên gần 21%, và kiềm chế tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức 3%, so với mức trung bình 7% của thế giới.

Tổng cộng 5.063 bệnh nhân xuất viện sau khi hồi phục sức khỏe và số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ hiện còn 18.668 trường hợp.

Đáng chú ý, quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng triển khai tới Sri Lanka, Bangladesh, Bhutan và Afghanistan để giúp các quốc gia này tăng cường khả năng đối phó với các trường hợp gia tăng của ca nhiễm Covid-19. Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ chung đối với việc chống lại đại dịch Covid-19 ở khu vực SAARC.

Cập nhật 14h ngày 25/4: Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan tăng trở lại, Ấn Độ bất ngờ nới lỏng, ngành hàng không tìm cách thích nghi
Ấn Độ hiện ghi nhận tổng cộng 24.506 ca nhiễm Covid-19, trong đó 775 ca tử vong. (Nguồn: AP)

Ngày 24/4, Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 1.239 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 12.872 người, trong đó có 1.221 ca tử vong, và 7.889 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Chính phủ Mexico không áp dụng xét nghiệm đại trà cho dân chúng và dựa vào phương pháp giám sát dịch tễ học Sentinel để ước tính số ca mắc Covid-19. Theo phương pháp này, Bộ Y tế Mexico ước tính số ca mắc bệnh tại nước này hiện lên đến 109.000 người.

Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, và khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao. Bộ Y tế Mexico dự báo đỉnh dịch tại nước này sẽ diễn ra vào tuần tới và kéo dài trong vòng 3 tuần.

Mặc dù đạt được một số kết quả trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây nhiễm của virus corona, tuy nhiên số ca nhiễm và tử vong tại Argentina vẫn tiếp tục tăng hàng ngày. Cho đến nay, nước này có 3.288 ca nhiễm với 159 trường hợp tử vong và 872 người đã khỏi bệnh.

Trước tình hình trên, Chính phủ Argentina khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện việc cách ly trên toàn quốc song sẽ chuyển sang giai đoạn “cách ly tập trung” từ ngày 27/4, với mức độ hạn chế khác nhau tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại từng khu vực và tỉnh thành. Giai đoạn này dự kiến sẽ kéo dài trong suốt tháng năm và có thể tiếp tục kéo dài sang các tháng tiếp đó.

Thống đốc các bang sẽ có trách nhiệm trình lên Chính phủ các ngành nghề, lĩnh vực đề xuất nới lỏng lệnh cách ly, quy trình thực hiện và kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch tễ khi áp dụng các đề xuất nới lỏng này.

Chính phủ sẽ xem xét đề xuất dựa trên các tiêu chí về tình hình dịch bệnh tại khu vực, mật độ dân cư, sự kết nối với các tỉnh thành khác và sự phát triển của các hoạt động kinh tế, thương mại tại khu vực để phê duyệt. Các khu đô thị và tỉnh thành lớn như thủ đô Buenos Aires, Cordoba, Santa Fe... sẽ tiếp tục duy trì lệnh cách ly nghiêm ngặt hiện nay.

Bên cạnh đó, Argentina cũng sẽ bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm tra hàng loạt để có thống kê toàn diện hơn về tiến triển dịch bệnh tại nước này. Bắt đầu từ ngày mai 24/4, nước này tiến hành test nhanh thí điểm tại thủ đô Buenos Aires, đầu tiên tại bến tàu xe Constitucion và tiếp đó là Retiro và Once. Hiện Argentina đang có 440.000 bộ kit test nhanh virus corona và mục tiêu trước mắt là thực hiện 300 test mỗi ngày.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, cập nhật đến 8h sáng 25/4 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 1.258 ca tử vong do mắc Covid-19, con số thấp nhất trong một ngày tại Mỹ trong gần 3 tuần qua và chỉ chưa bằng một nửa so với con số 3.167 ca một ngày trước đó.

Như vậy, tính tới sáng 25/4, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 51.017 người và số ca nhiễm là hơn 920.000 ca, tăng gần 27.000 ca trong vòng 24 giờ.

Cho tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 toàn cầu cả về số ca nhiễm và ca tử vong. Mặc dù số ca tử vong giảm mạnh so với một ngày trước, các chuyên gia y tế cho biết để xác nhận xu hướng dịch bệnh đang theo đà giảm tại Mỹ thì số ca nhiễm và tử vong trong ngày đều phải duy trì ở mức giảm.

Cập nhật 14h ngày 25/4: Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan tăng trở lại, Ấn Độ bất ngờ nới lỏng, ngành hàng không tìm cách thích nghi
Ngành hàng không chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Về tác động của đại dịch đối với ngành hàng không, South China Morning Post dẫn báo cáo của bộ phận châu Á - Thái Bình Dương Hiệp hội các sân bay quốc tế cho biết, các sân bay châu Á đã bước vào đáy sau gần 4 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, lưu lượng hành khách giảm mạnh tới 95%, chỉ chiếm khoảng 5% so với năm ngoái.

Do một loạt hạn chế du lịch trên khắp thế giới như cấm người không cư trú, cấm quá cảnh và các biện pháp phân biệt bắt buộc đối với người nhập cư, khiến mọi người phải hủy chuyến đi nước ngoài, gây ra tổn thất nặng nề cho các hãng hàng không và sân bay.

Stefano Baronchi, người đứng đầu bộ phận này cho biết: "Lưu lượng hành khách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chạm đáy, do đó sân bay buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn, bao gồm đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần các nhà ga và đường băng, cắt giảm nhân viên. Những biện pháp nghiêm ngặt này sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục lại".

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết trước đó rằng các hãng hàng không sẽ mất doanh thu khoảng 314 tỷ USD trong năm nay. Đến đầu tháng 4, dữ liệu cho thấy giao thông hàng không toàn cầu đã giảm 80% so với đầu năm 2019. Báo cáo chỉ ra rằng trong khi ngành hàng không đang thích nghi với thời đại sau đại dịch, họ đang xem xét khởi động lại một cải cách toàn diện về du lịch hàng không.

Một số hãng hàng không trên khắp thế giới như Lufthansa, EasyJet và Qantas, có kế hoạch bỏ trống ghế giữa. Hong Kong (Trung Quốc) đã được thực hiện phát hiện và đo nhiệt độ bắt buộc cho hành khách khi hạ cánh tại sân bay, điều này có thể trở thành thông lệ.

Gel khử trùng và mặt nạ cũng sẽ trở nên cần thiết cho hành khách. Một số khách du lịch đang che thân bằng quần áo bảo hộ và vải nhựa và đeo kính bảo hộ để tránh nhiễm virú chết người này.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết, dự kiến ​​giao thông hàng không sẽ bắt đầu phục hồi chậm trong quý 3 năm nay. Một số hãng hàng không cảnh báo rằng có thể phải đợi đến năm 2023 mới có thể khôi phục lại hiện trạng như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả