Cấp chứng nhận cho gạo thơm được miễn thuế khi xuất khẩu sang EU
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu (XK) sang Liên minh châu Âu (EU).
Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc danh mục quy định tại phụ lục của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi XK sang EU.
Gạo thơm ở đây là gạo thuộc danh mục quy định tại phụ lục 2-A của hiệp định EVFTA. Danh mục gạo thơm XK được sửa đổi bổ sung theo quyết định của Ủy ban Thương mại EVFTA. Còn lô ruộng lúa thơm là diện tích xác định của một thửa hoặc nhiều thửa ruộng liền kề được gieo cấy cùng một loại giống, cùng thời gian.
Theo đó, danh sách chủng loại gạo thơm XK sang EU được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch gồm 9 loại gạo: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.
Điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận là gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố).
Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%; được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra, mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi mã hiệu.
Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ giấy chứng nhận. Theo trình tự, tổ chức, cá nhân nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi đường bưu điện hay qua môi trường điện tử đến Cục Trồng trọt.
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định và chứng nhận chủng loại gạo thơm theo mẫu quy định, trường hợp không chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Việc chứng nhận lại được thực hiện trong trường hợp giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc thay đổi thông tin liên quan. Việc hủy bỏ giấy chứng nhận sẽ xày ra khi phát hiện gian lận hồ sơ đề nghị chứng nhận.
Cục Trồng trọt có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục liên quan khi được yêu cầu, tuân thủ quy trình chứng nhận chủng loại gạo thơm; trả lời, giải đáp kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Công bố danh sách tổ chức kiểm tra; tên tổ chức, cá nhân được chứng nhận, giấy chứng nhận đã cấp hoặc hủy bỏ; danh mục gạo thơm XK được cập nhật sửa đổi, bổ sung. Lưu trữ hồ sơ chứng nhận đã cấp dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày chứng nhận.
Liên quan đến XK gạo, theo danh sách thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo cập nhật đến ngày 1/9/2020 của Bộ Công Thương, cả nước có 192 doanh nghiệp (DN) ở 26 tỉnh/thành phố thuộc danh sách này.
Trong đó, nhiều nhất là TP Cần Thơ với 41 DN, kế đến là TP Hồ Chí Minh với 33 DN, Long An 25 DN, An Giang 19 DN, Đồng Tháp 17 DN...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận