Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Cấp căn cước cho 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi cần 900 tỷ đồng, trong khi dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay tốn 2.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Chính phủ.
Ngày 26/4, Chính phủ báo cáo giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh (cơ quan thẩm tra sơ bộ) về dự án Luật Căn cước.
Chính phủ cho biết theo tính toán của Bộ Công an, cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi giúp xã hội và ngân sách nhà nước tiết kiệm chi phí như không tốn tiền mua sổ tiêm chủng (10.000 đồng một sổ); sổ khám chữa bệnh (10.000 đồng một sổ mỗi bệnh viện); thẻ bảo hiểm y tế (5.000 đồng một thẻ mỗi năm); thẻ học sinh (5.000 đồng một thẻ mỗi năm). Tổng chi phí cho các loại giấy tờ trên khoảng 2.000 tỷ đồng. Người dân cũng tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ.
Trong khi đó, chi phí sản xuất một thẻ căn cước là 48.000 đồng. Tổng chi phí nếu cấp thẻ căn cước cho tất cả 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi khoảng 900 tỷ đồng. Chi phí đổi, cấp lại nếu bị mất căn cước do công dân thanh toán, không tốn ngân sách.
"Hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này rất lớn", báo cáo nêu.
Chính phủ cho rằng bổ sung quy định "cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi không bắt buộc, thực hiện theo nhu cầu" là khả thi. Bởi công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của trẻ từ 5 tuổi, đảm bảo yêu cầu đối sánh dữ liệu sinh trắc học và quản lý nhà nước.
Đề xuất này phù hợp quy định xuất nhập cảnh (hiện vẫn cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và quy định khác. Đồng thời, đề xuất cũng tương thích pháp luật nhiều nước trên thế giới về cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi như Đức, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Bỉ, Argentina.
Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi giúp giảm giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy giá trị khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử, nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân. Việc này còn giúp ích cho thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ dân cư; giảm chi phí trong chuyển đổi số, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân khi thực hiện giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cấp giấy khai sinh. UBND cấp xã vẫn cấp giấy khai sinh cho người dân theo pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước giấy A4 dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần suốt đời. Giấy này bảo mật sơ sài, dễ bị làm giả và chứa ít thông tin của người dân nên gây nhiều khó khăn, bất tiện.
Trong khi, thẻ căn cước nhỏ gọn, chất liệu tốt, bảo mật và bảo an cao, có thể tích hợp nhiều thông tin, thuận tiện cho người dân đi máy bay, tàu hỏa hay học tập, chữa bệnh và thực hiện giao dịch khác.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định cụ thể thông tin được lưu trữ mã hóa; đánh giá chi phí phát sinh khi thay đổi mẫu thẻ căn cước; thuyết minh rõ quy định về ghi nơi cư trú trên thẻ.
Giải trình, Chính phủ cho hay thông tin công dân được lưu trữ đầy đủ trong bộ phận được mã hóa để đảm bảo riêng tư. Trước mắt, sẽ có một số giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước. Các giai đoạn tiếp theo, tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu, các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất tích hợp thêm.
Dự thảo luật đề xuất trên thẻ căn cước bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú... Chính phủ giải trình, cải tiến này nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi; đảm bảo tính riêng tư; thông tin người dân được khai thác qua chíp điện tử.
Thay nơi thường trú thành nơi cư trú được cho phù hợp thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, tạm trú. Với quy định mới, tất cả người dân đều đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước; đảm bảo quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Việc cấp đổi thẻ căn cước theo nhu cầu của người dân.
Khi chưa có điều kiện đổi thẻ căn cước mới, người dân có thể tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (miễn phí trên ứng dụng VNeID) để làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Thẻ căn cước đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
"Như vậy, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội", báo cáo của Chính phủ nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận